Công bố quyết định của Thủ tướng về quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên
Trong tương lai, Khu kinh tế ( KKT) Nam Phú Yên được định hướng xây dựng, phát triển thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng…
- 07-11-2023Điều kiện hưởng lương hưu có thể thay đổi từ 1/7/2025 người dân phải biết
- 07-11-2023Sức lan tỏa của loạt dự án trọng điểm
- 07-11-2023Hà Nội gỡ khó để thực hiện các chỉ tiêu phát triển đô thị
Khu kinh tế đa ngành, đa chức năng
Sáng nay (7/11), UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 1226 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đến năm 2040 .
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Phú Yên - cho biết: Với quyết định vừa được phê duyệt, KKT Nam Phú Yên sẽ có diện tích trên 20.700 ha, phía Bắc giáp sông Đà Rằng, phía Nam giáp huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), còn phía Đông sẽ giáp Biển Đông và phía Tây giáp hành lang cao tốc Bắc - Nam.
Theo ông Hùng, việc điều chỉnh quy hoạch này giúp xây dựng KKT Nam Phú Yên phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia biển, chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Trong tương lai, KKT Nam Phú Yên được định hướng xây dựng, phát triển thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, tập trung thu hút các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng… Nơi đây cũng được hình trở thành thành một trung tâm dịch vụ, du lịch cấp quốc gia và khu vực; tạo điểm bứt phá về kinh tế - xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tạ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết: KKT Nam Phú Yên là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của các nước. Nơi đây có vị trí địa lý cũng như điều kiện tự nhiên thuận lợi để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, kết hợp với KKT Vân Phong (Khánh Hòa) tạo thành Vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn.
Vị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng cho hay, quy hoạch KKT Nam Phú Yên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh tháo gỡ các nút thắt cũng như những hạn chế thời gian qua. Bên cạnh đó, KKT Nam Phú Yên đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, thu hút nhà đầu tư lớn, xúc tiến đầu tư các lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, khu công nghiệp, giúp địa phương phát triển.
Có nhiều l ợi thế về hạ tầng
Theo Ban quản lý khu kinh tế Phú Yên, cơ sở hạ tầng khung giao thông trong Khu kinh tế Nam Phú Yên là một thế mạnh bản lề của khu kinh tế này. Theo đó, khu kinh tế có cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng như: Cảng hàng không, đường cao tốc Quốc gia, hầm Đèo Cả, đường sắt Bắc Nam, cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc, tuyến đường hành lang kinh tế ven biển... liên kết khu kinh tế Nam Phú Yên với các vùng kinh tế cả nước và quốc tế.
Đặc biệt là mối quan hệ trực tiếp với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ qua hệ thống Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam. Ngoài ra, khu kinh tế này còn kết nối với các tỉnh thuộc Tây Nguyên qua Quốc lộ 25 nối với Gia Lai, Quốc lộ 29 nối với Đắk Lắk.
Bên cạnh hệ thống đường bộ, đường sắt quốc gia, khu kinh tế Nam Phú Yên còn có sân bay Tuy Hoà. Khu vực Nam Phú Yên (Khu kinh tế Nam Phú Yên) sẽ nối kết với Bắc Khánh Hòa (khu kinh tế Vân Phong), hỗ trợ cho nhau trên cơ sở hình thành cụm cảng Vân Phong - Vũng Rô, đây chính là một trong những khu vực cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên.
Theo quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt, KKT Nam Phú Yên được chia thành 6 phân khu chức năng. Trong đó, phân khu 1 là khu vực phát triển đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa, hình thành quỹ đất hậu cần sân bay, phát triển du lịch sinh thái ven sông Ba. Phân khu 2 là khu vực phát triển đô thị du lịch - dịch vụ ven biển, định hướng phát triển quỹ đất thương mại dịch vụ du lịch hỗn hợp khu vực ven biển. Phân khu 3 là khu vực phát triển đô thị Hòa Vinh. Phân khu 4 là khu vực phát triển du lịch - dịch vụ ven sông Bàn Thạch. Phân khu 5 là khu vực phát triển công nghiệp tập trung, định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, đa ngành. Phân khu 6 là khu vực phát triển phía Nam, định hướng hình thành tam giác phát triển du lịch đa dạng, chất lượng cao.
Theo Tiền Phong