Bình Định ưu tiên đầu tư hạ tầng miền núi, phát triển kinh tế
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đang tập trung thực các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Địa phương ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp người dân miền núi thuận tiện đi lại, buôn bán nông sản, nâng cao đời sống.
- 26-05-2024Đề nghị xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng
- 26-05-2024Chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành công nghiệp
- 26-05-2024Làm thêm đến giới hạn nào?
Đầu tháng 5/2024, đường bê tông xi măng dài 1,7 km, rộng 3m, nối từ Nhà văn hóa thôn Vĩnh Thọ đến đập Nước Tân, thuộc xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định hoàn thành. Công trình có mức đầu tư 2,5 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Người dân ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp vui mừng vì có đường mới, bà con vào rừng sản xuất thuận tiện.
Gia đình bà Lê Thị Minh Tâm, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp có 10 sào đất ở khu vực gần đập Nước Tân. Trước đây, chỉ có đường đất, vào mùa mưa lầy lội nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Bây giờ bà Tâm vui mừng vì đường bê tông vào tới đất sản xuất, rất thuận tiện.
“Nhờ có con đường này bữa nay đi lại thuận tiện, xe máy đi vào tới rẫy. Mưa không xảy ra sạt lở, sình lầy. Đường đi thuận tiện, ban đêm tôi lái xe thăm rẫy, thăm vườn đào nữa. Khi có đường bê tông rồi thì người dân đi tự ý thức bảo vệ con đường để được lâu dài, không cho xe trọng tải lớn đi vào. Bà con chỉ cho xe độ, xe công nông loại nhỏ vào rẫy kéo cỏ về, những loại xe tải trọng lớn thì không cho vào” - bà Tâm chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Nhiều, ở thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, đường bê tông mới làm đã mở ra cơ hội cho bà con vào làm rẫy, khi đau ốm cũng có đường đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời.
Theo bà Nhiều: “Trước đây con đường này lún mỗi lần trong thôn có người chết khiêng quan tài đi khổ sở lắm. Bây giờ có đường mới rồi cũng làm nghĩa địa mới. Khi mùa mưa mướn xe đẩy lại khổ hơn. Mở con đường đây sản xuất rẩy rừng đều thuận tiện. Đất ở thì cũng có đoạn đầu tuyến, địa phương cũng có quy hoạch để mở rộng khu dân cư”.
Tại xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, một con đường bê tông xi măng dài gần cây số cũng vừa đầu tư hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gần 3 tỷ đồng. Đường đi qua nhiều đồi dốc, dẫn vào khu vực sản xuất, rừng cây lâu năm của hàng chục hộ dân. Khi mới có chủ trương làm đường này, 20 hộ dân ở thôn Vĩnh Phúc đã đồng thuận hiến đất mở rộng con đường.
Ông Nguyễn Duy Nhất, công chức địa chính, nông nghiệp xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các dự án tiếp theo với phương châm Nhà nước đầu tư làm đường, người dân hiến đất.
“Trước đây, điều kiện cơ giới đi lại chưa thuận tiện, bà con trồng những cây điều, không có xe cơ giới đi lại, việc chăm sóc rất khó khăn. Điều kiện đi lại khó như thế rồi mang lại hiệu quả chưa cao và chuyển qua lâm nghiệp. Khi đường xi măng hình thành, một số hộ dân giữ lại cây điều và chở phân tới bón. Vườn điều trước đây hoang sơ, già cõi bây giờ người dân chạy xe mang phân lên bón, tưới nước thì rất hiệu quả” - ông Nhất bày tỏ.
Năm 2024, huyện miền núi Vĩnh Thạnh được phân bổ hơn 24 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, huyện này đã giải ngân hơn 7,1 tỷ đồng, đạt hơn 29% kế hoạch. Năm nay, huyện miền núi Vĩnh Thạnh ưu tiên đầu tư xây dựng 4 công trình giao thông nông thôn vào khu sản xuất, tạo thuận lợi cho bà con đi lại.
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định cho biết: “Qua triển khai 10 dự án mà theo chương trình đề ra, trong đó có dự án 4 về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ví dụ như đường bê tông, kênh mương nội đồng, các công trình khác đã tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và giao lưu giữa các thôn, bản và các địa phương mang lại rất hiệu quả để bà con đi lại dễ dàng hơn.
Qua đó, góp phần phát triển kinh tế địa phương rất tốt. Để đem được chính sách tới bà con, UBND huyện Vĩnh Thạnh thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác đã có phân công nhiệm vụ cụ thể và xuống kiểm tra, hướng dẫn các địa phương; tổ chức tuyên truyền vận động bà con, xây dựng các dự án, danh mục để triển khai thực hiện".
Diện mạo nông thôn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định đang có nhiều khởi sắc. Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
VOV