Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc ‘căng như dây đàn’ vì không còn dự đoán được xu hướng kinh tế: Ánh sáng có xuất hiện phía cuối đường hầm?
Phong toả, hạn chế đi lại và các kiểm soát dịch bệnh không nhất quán giữa các khu vực đang tạo ra sự bất ổn không hồi kết, ám ảnh nền kinh tế Trung Quốc nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Nỗi hoang mang của cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc
Các chuyên gia nhận định có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ từ bỏ chính sách zero Covid. Cho đến nay, các biện pháp mở cửa vẫn còn rời rạc, làm dấy lên lo ngại đối với các công ty nước ngoài rằng Trung Quốc đang hướng về nội địa.
Chính sách thay đổi là việc diễn ra thường xuyên trong những năm qua, ví dụ như chiến dịch khử carbon, chấn chỉnh việc dạy thêm sau giờ học, thắt chặt sau đó nới lỏng các quy định với lĩnh vực bất động sản và các ông lớn công nghệ.
Tình trạng hỗn loạn đang khiến các cộng đồng doanh nghiệp căng thẳng. Joerg Wuttke, người đứng đầu Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, bày tỏ nỗi thất vọng đang ngày càng gia tăng: "Thách thức trong kinh doanh mà chúng tôi phải đối mặt là thiếu khả năng dự đoán".
Ông nói rằng sự thiếu chắc chắn không chỉ ở bùng phát dịch bệnh, phong toả, zero Covid mà "còn ở nhiều lĩnh vực khác".
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc chiếm khoảng hơn 30% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu mỗi năm. Quốc gia này là một thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư quốc tế nhờ thị trường tiêu dùng của giới trung lưu mạnh mẽ với 400 triệu người.
Nhưng đà tăng trưởng đó có thể bị đe dọa, trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế số 2 thế giới. Các chính sách trong nước, kết hợp với căng thẳng địa chính trị và việc Mỹ mạnh tay thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát đã bắt đầu gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân.
Tình hình này không chỉ khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng, mà cả các doanh nhân và nhà kinh tế Trung Quốc, những người đang dần mất khả năng dự đoán xu hướng tăng trưởng.
Mike Liu, một chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, cho biết môi trường đầu tư khó khăn hơn những năm trước. Liu nói: "Các nhà đầu tư tiềm năng khá do dự và cực kỳ thận trọng do tâm lý yếu và triển vọng kinh tế ảm đạm".
Bà Bettina Schoen-Behanzin, quan chức của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết nhiều doanh nghiệp thiếu các chỉ dẫn trong bối cảnh chính sách hiện tại không chắc chắn và thiếu rõ ràng.
Trong khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến nhân cộng, hậu cần và nguyên liệu khi Thượng Hải phong toả, bà Schoen-Behanzin nhấn mạnh rằng việc thực hiện một kế hoạch dài hạn là điều không thể. Bà đặt ra câu hỏi rằng bất cứ khi nào có ca mắc Covid-19 thì thành phố đều phong toả, vậy làm thế nào để nền kinh tế và cuộc sống bình thường thực sự được phục hồi.
Theo bà Schoen-Behanzin, một trong những hệ quả là các nhà đầu tư đang tìm cách để đa dạng hóa. Hai tuần trước, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng đưa ra những lo ngại tương tự.
"Các thành viên của chúng tôi cảm thấy rằng môi trường kinh doanh đã trở nên khó dự đoán hơn rất nhiều, phần lớn là do đại dịch và những hạn chế liên quan. Đáng lo ngại hơn là các thành viên không nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm", chủ tịch Colm Rafferty nói.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường họp trực tuyến với 100.000 quan chức.
Thời điểm quan trọng để quyết định
Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh nên chuyển trọng tâm trở lại phát triển kinh tế và thực hiện các biện pháp quan trọng để củng cố niềm tin của doanh nghiệp.
Ding Yuan, Phó chủ tịch Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu ở Thượng Hải cho biết: "Việc dự đoán thị trường là rất quan trọng. Triển vọng sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ phụ thuộc vào khả năng dự đoán chính sách của Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng kinh tế và liệu nước này có duy trì vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không".
Tiêu dùng yếu đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, nhưng sự bất ổn kinh tế đang khiến chi tiêu và đầu tư tư nhân suy giảm. Trong 4 tháng đầu năm, đầu tư tư nhân tăng 5,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của đầu tư nhà nước là 9,1% trong cùng khoảng thời gian.
Daniel Zhang, Chủ tịch cũng là CEO của Alibaba, tuần trước cho biết sự ổn định là chìa khoá cho tình hình kinh doanh nói chung. Ông nói: "Miễn là chúng tôi có thể đảm bảo chuỗi cung ứng, logistic ổn định và thông suốt trong điều kiện đại dịch bấp bênh, doanh nghiệp có thể ổn định hoạt động và tâm lý tiêu dùng cũng như sự sẵn sàng để được hồi sinh".
Bắc Kinh đã báo hiệu những ưu tiên chính sách của mình cho tương lai, đặc biệt là về an ninh lương thực và năng lượng, cũng như đổi mới công nghệ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong tháng 5 đã đề cập đến các biện pháp hỗ trợ trước để ổn định tăng trưởng và việc làm. Bắc Kinh hiện công bố gói hỗ trợ chính sách trị giá 2,64 nghìn tỷ nhân dân tệ (396 tỷ USD).
Trong một cuộc họp trực tuyến với hơn 100.000 cán bộ, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi chính quyền địa phương hành động để duy trì việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, ngăn chặn đà giảm của nền kinh tế trong quý II.
Ông nói hiện tại là thời điểm quan trọng để quyết định xu hướng kinh tế cả năm. Trung Quốc cần phải nắm bắt cơ hội và cố gắng hết sức để đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Bắc Kinh đã cử 12 đoàn thanh tra để đánh giá hoạt động của các chính quyền địa phương.
Liu Shengjun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Cải cách Tài chính Trung Quốc, cho rằng các nhà chức trách nên dũng cảm và tung ra một gói tương tự như gói kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ năm 2008 để bảo vệ nền kinh tế. Trọng tâm là trợ cấp cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng khó khăn và thúc đẩy tiêu dùng.
Theo SCMP