Công khai tài sản quan chức trên báo chí: Như thế mới tạo đột phá
Cho rằng lâu nay phát hiện ra tham nhũng không phải do các cơ quan chức năng với “binh hùng, tướng mạnh” mà toàn do nhân dân, báo chí phát hiện ra, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) đề nghị các bản kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải được công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
- 16-08-2016Tài sản, thu nhập của quan chức: Không giải trình được, thu hồi ngay?
- 22-07-2016Không dễ thu hồi tài sản quan chức tẩu tán ra nước ngoài
- 18-07-2016Kiến nghị niêm phong tài sản quan chức nếu không giải trình được
Công khai rộng rãi trên báo chí
Ngày 26/8, Hội thảo về những định hướng lớn trong việc sửa đổi toàn diện Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục diễn ra với nhiều phân tích, đánh giá về việc kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN). Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, lâu nay khi nói về công tác PCTN, các cơ quan chức năng đều khẳng định, đó là công việc phức tạp, khó khăn. Trong khi thực tế của đất nước cho thấy, dù có “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Từ đó, ông Hùng cho rằng, phải dựa vào dân để chống và đẩy lùi tham nhũng. Tuy nhiên, muốn phát huy được sức mạnh của dân thì điều quan trọng là phải xây dựng cơ chế bảo vệ người dân, dân không lo lắng bị trù dập, trả thù. “Chúng ta cứ nói phát huy sức mạnh của người dân trong PCTN, nhưng đi đâu bây giờ cũng thấy biển “cấm vào” thì người dân làm sao mà tham gia tích cực được. Bây giờ rất nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng trụ sở to, đẹp nhưng càng to, càng đẹp thì dân lại càng khó vào”, ông Hùng phản ánh.
“Bản kê khai của đồng chí này, đồng chí kia mà lại đóng dấu mật thì công khai, minh bạch cái gì”.
Ông Nguyễn Sỹ Cương
Từ lập luận trên, ông Hùng đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo Luật quy định về công khai bản kê khai TSTN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo ông Hùng, nếu chỉ công khai ở chi bộ hoặc nơi làm việc thì nhân dân, báo chí khó mà tiếp cận được bản kê khai của các quan chức, lãnh đạo. Vì thế nên mở rộng theo hướng, bắt buộc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức ở
QH thì phải công khai trên Cổng thông tin điện tử QH; Bộ trưởng, trưởng ngành, hay bí thư, chủ tịch tỉnh thì công khai trên báo ngành, báo địa phương. Riêng với lãnh đạo cấp cao, ông Hùng cũng đề nghị nghiên cứu, kiến nghị công khai trên báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam. “Đấy mới là đột phá chứ chỉ quy định như trong Dự thảo Luật thì khó mà đột phá được”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH cũng khẳng định, muốn công khai, minh bạch thì phải công bố rộng rãi bản kê khai TSTN để nhân dân biết. “Bản kê khai của đồng chí này, đồng chí kia mà lại đóng dấu mật thì công khai, minh bạch cái gì”, ông Cương nói.
Bộ máy đủ rồi đừng lập thêm nữa
Đề cập việc Dự thảo Luật quy định về cơ quan, tổ chức PCTN như thành lập Ủy ban điều tra lâm thời, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (T.Ư), ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH) đề nghị cân nhắc kỹ. “Chúng ta đừng nghĩ đến việc thành lập ban này, ủy ban kia làm gì nữa. Bộ máy chống tham nhũng có đầy đủ rồi, quan trọng là phối hợp với nhau như thế nào để xử lý, chứ thanh tra xong lại “ôm” chặt lấy kết luận, mãi mới chuyển cho điều tra… thì sao phối hợp kịp thời được”, ông Quyền nói.
Đại diện Ban Nội chính T.Ư cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cân nhắc việc thành lập Ủy ban điều tra lâm thời. Bởi nếu thành lập dưới dạng cơ quan điều tra thì chưa được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Còn nếu thành lập để chỉ đạo các cơ quan khác thì hiện nay đã có Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư. Bên cạnh đó, nếu chỉ luật hóa mỗi Ủy ban Kiểm tra T.Ư thì vì sao Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư- vốn có quyền cao nhất trong chỉ đạo lại không đưa vào luật?
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thì bày tỏ sự không hài lòng khi cơ quan soạn thảo chậm trễ trong việc chuyển hồ sơ cũng như dự thảo cho cơ quan thẩm tra. Vì thế, bà Nga cho biết, vừa ký công văn gửi Tổng Thư ký QH đề nghị không đưa dự thảo Luật PCTN vào phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ QH (tổ chức trong tháng 9). “Đến nay, Ủy ban Tư pháp chưa nhận được đầy đủ hồ sơ Dự thảo luật nên không thể tiến hành thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật”, bà Nga nói và khẳng định, tới đây nếu dự luật trên tiếp tục không có đầy đủ hồ sơ, thiếu báo cáo đánh giá tác động đối tượng có liên quan thì Ủy ban Tư pháp sẽ kiên quyết trả lại.
Bà Nga cũng lưu ý cơ quan soạn thảo, năm 2005 khi ban hành Luật PCTN, các cơ quan chức năng kỳ vọng mọi thứ sẽ ổn nhưng cuối cùng lại không đạt được. Đến năm 2007, 2012, Luật PCTN đã được sửa đổi và lần này lại sửa đổi tiếp. “Khi sửa cơ quan soạn thảo đều có những ý tưởng “hoành tráng” nhưng chỉ sợ sự “hoành tráng” đó chưa được nghiên cứu đầy đủ thì rất khó”, bà Nga lo lắng.
Tiền phong