MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Còng lưng” với thuế thu nhập cá nhân

Hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân đua nhau tăng giá nhưng mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên. Trước thực tế này, cử tri nhiều địa phương kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm trừ hiện tại đang phù hợp.

Từ giảm trừ gia cảnh không đủ chi tiêu…

Từ 7/2020 tới nay, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, giá hàng tiêu dùng liên tục tăng, cùng với việc suy giảm thu nhập sau mấy năm dịch bệnh liên tục khiến người dân rất khó co kéo cho đủ chi tiêu ở mức tối thiểu.

Thuế TNCN cơ bản dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10 đến 18 triệu đồng mức 15%; từ trên 18 đến 32 triệu đồng mức 20%; từ trên 32 đến 52 triệu đồng mức 25%; trên 52 đến 80 triệu đồng mức 30%; trên 80 triệu đồng mức 35%.

Chị Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ năm 2020 đến nay, giá đủ loại hàng hóa tăng trong khi thu nhập của gia đình chị giữ nguyên nên mọi chi phí đều phải tiết giảm. Hai vợ chồng chị Hà, mỗi người giảm trừ gia cảnh cho một con nhỏ. Sau khi giảm trừ gia cảnh, thu nhập của vợ chồng chị Hà đóng thuế TNCN ở bậc 2, khoảng 10%. Tuy nhiên, giá hàng hóa từ lương thực, thực phẩm đến sản phẩm phục vụ cuộc sống liên tục tăng, khiến gia đình chị Hà phải co kéo. Theo chị Hà, hàng hóa phục vụ sinh hoạt ăn uống hằng ngày từ gạo, nước mắm, dầu ăn đến thực phẩm tươi sống (như thịt, trứng, cá, gà…) những tháng qua đã tăng hơn 10% kéo theo chi phí sinh hoạt tăng lên. Mỗi kg thịt, cá, gà tăng từ 5.000 đến 12.000 đồng/kg. Bó rau muống trước đây chỉ 5.000 - 7.000 đồng hay tăng lên 10.000 - 12.000 đồng, tăng 70%.

“Còng lưng” với thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Giá hàng hóa tăng khiến người làm công ăn lương vất vả co kéo chi tiêu, trong khi mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp. Ảnh minh họa

Anh Lê Xuân Tín (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, khoản giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc sau nhiều năm đến nay đã không còn phù hợp. Lương của anh Tín ở mức 30 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho 2 con nhỏ, anh Tín vẫn phải đóng thuế TNCN. Vợ anh Tín thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng nên chưa phải đóng thuế TNCN. Anh Tín nhẩm tính, mỗi tháng tiền ăn cho con khoảng 1,8 triệu đồng, tiền học phí khoảng 1,5 triệu đồng, tiền sữa khoảng 1 triệu đồng, chưa kể tiền học thêm một số môn như tiếng Anh, năng khiếu hay chi phí thuốc thang mỗi khi đau ốm. Ngoài ra, mỗi tháng, gia đình anh Tín phải trả góp ngân hàng 10 triệu đồng tiền mua nhà.

“Mọi chi phí đều tăng, những người làm công ăn lương như chúng tôi mong mức giảm trừ gia cảnh tăng lên mới đủ sinh hoạt cho con nhỏ”, anh Tín chia sẻ.

Việc hàng hóa liên tục tăng giá thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 đến nay (CPI năm 2020 tăng 3,23%, năm 2021 tăng 1,84% và 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,54%). Một trong những hàng hóa cơ bản tăng giá như gạo tẻ với mức tăng từ 11.500 đồng/kg cuối năm 2020 lên mức 14.500 đồng/kg vào tháng 6/2022, tăng khoảng 26%.

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt 4,2 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020. Theo Tổng cục Thống kê, trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng nhưng do dịch COVID-19 nên thu nhập có xu hướng giảm dần. Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người/tháng chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí (35,1%), học thêm (17,5%) và chi giáo dục khác (khoảng 26,6%).

Thuế TNCN nhằm đánh vào nhóm có thu nhập cao nhưng khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm 20% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân 9,1 triệu đồng/tháng. Chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm này ở mức trên 4,6 triệu đồng, cao hơn mức giảm trừ gia cảnh.

Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp với thực tế giá hàng hóa tăng và nhu cầu cuộc sống được người dân phản ánh tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội ở nhiều địa phương. Trong báo cáo gửi trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp với giá thực tế và chi phí bình thường cho nhu cầu cuộc sống.

“Đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc phù hợp với thực tế hiện nay”, cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị.

Đến nỗi lo học phí rập rình tăng

Không chỉ hàng hóa tăng giá, gần 20 trường đại học thông báo tăng học phí từ năm 2022 cũng khiến nhiều phụ huynh có con đang theo học lo lắng. Cùng với đó, một số địa phương đề xuất tăng học phí từ năm 2022 như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Các tỉnh như Gia Lai, Bình Định, Phú Yên cũng làm hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị tăng học phí.

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu do Phó thủ tướng Lê Minh Khái, trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì vừa diễn ra tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT thống nhất đề xuất chưa tăng học phí năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, việc đề ra lộ trình tăng học phí trong thời gian tới khiến người dân lo lắng.

Về mức giảm trừ gia cảnh mới đây, Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... chưa phải nộp thuế TNCN.

“Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay vẫn bảo đảm cao hơn thu nhập bình quân đầu người, mức lương tối thiểu vùng hay mức sống trung bình của cả nước. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật Thuế TNCN đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này”, Bộ Tài chính lí giải và cho biết thêm, đang rà soát, đánh giá các luật thuế (trong đó có Luật thuế TNCN) để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

Trở lên trên