MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghệ đang khiến chúng ta “ngu người” đi?

20-02-2017 - 13:41 PM | Sống

Song song với những lợi ích to lớn, internet đang khiến chúng ta dễ mất tập trung, lười suy nghĩ và sống trong thế giới "thật giả lẫn lộn".

Internet mới chỉ ra đời cách đây chưa đầy 20 năm nhưng giờ chúng ta khó có thể tưởng tượng được một cuộc sống mà không có internet. Với internet bạn có thể kết nối với bạn bè và gia đình trên khắp thế giới, tham khảo thông tin nhanh chóng, giải trí, thư giãn… Thế nhưng song song với những lợi ích đó, internet còn là nguyên nhân khiến chúng ta luôn luôn mất tập trung.

Mất thời gian, mất tập trung

Bạn liên tục kiểm tra xem có ai nhắn tin cho mình, hay bạn bè đăng tải điều gì trên Facebook? Nhiều người có vấn đề như bạn, vừa làm việc vừa kiểm tra Facebook, tin nhắn… là điều thường xảy ra. Vì chúng ta luôn được kết nối thế nên nó đã trở thành thói quen, như hơi thở. Và bây giờ thậm chí bạn còn quên mất cái thời sống mà không có internet và 3G là như thế nào.

Và nói như nhà triết học người Rumani Seneca: “Ở mọi nơi tức là chẳng ở đâu cả”. Lỗi không phải ở internet, lỗi là ở sự xao nhãng của chúng ta.

Khi liên tục bị phân tâm và ngắt quãng, não của chúng ta không thể tạo ra những kết nối thần kinh cung cấp khả năng phân biệt và suy nghĩ sâu sắc.

Trong một thí nghiệm tại Đại học Stanford, kết quả cho thấy suy nghĩ của chúng ta trở nên mất liên kết khi bị phân tâm và làm nhiều việc một lúc. Vì vậy, khả năng phân biệt giữa các thông tin quan trọng và những thông tin vặt vãnh sẽ bị kém đi.

Tin giả

Bạn khó có thể lướt trên mạng internet mà không gặp phải tin giả. Khi thông tin trở nên bão hòa, nhiều trang web đã dùng đến những chiến thuật khác để tăng lượng truy cập. Điều này cộng với việc giờ đây bất cứ ai cũng có thể đăng bất cứ thứ gì lên mạng, bạn sẽ sớm bị lạc trong một thế giới “thật giả lẫn lộn”.

Mặc dù mọi người nhanh chóng đổ lỗi cho những đơn vị đăng tải nội dung, nhưng có tới hàng triệu người chẳng buồn động vào một tờ báo hoặc đối chiếu lại thông tin với một trang tin chính thống. Và đôi khi chính độc giả cũng không phân biệt được trang nào mới là trang chính thống.

Tư duy phê phán

Nhà thần kinh học đạt giải Nobel Eric Kandel viết chỉ khi chúng ta đủ chú ý đến thông tin chúng ta mới có thể liên hệ kết với nó “theo ý nghĩa và một cách có hệ thống với kiến thức mà chúng ta có sẵn trong tâm trí”. Những sự liên kết đó là cần thiết để hiểu được những khái niệm phức tạp và để tư duy phê phán.

Thật không may, giờ đây chúng ta đang sống trong một thế giới mà chúng ta chẳng cần phải nghĩ trước khi làm. Chúng ta trở nên phụ thuộc vào internet để thu thập thông tin thay vì tự nghĩ ra cách giải quyết vấn đề. Tất cả mọi thứ từ tin tức tới ý kiến tới địa điểm đều chỉ cần “Google search”.

Khi công nghệ ngày càng phát triển, những thuật toán mạng xã hội tiếp tục đưa ra những thông tin mà nó tin rằng chúng ta thích, còn chúng ta sẽ tiếp tục sống trong những thế giới chỉ toàn những suy nghĩ, những ý tưởng của chúng ta và giống như chúng ta.

Đã đến lúc phải trang bị thông tin và kiến thức cho mình, đừng phụ thuộc vào công nghệ mà hãy để công nghệ phục vụ con người.

Theo Lê Kiên

ICT News

Trở lên trên