Công nghệ kích thích tủy sống giúp bệnh nhân Parkinson đi lại
Phát minh này đang mang lại thêm hy vọng cho những các bệnh nhân mắc bệnh Parkinson.
- 07-11-2023Vì sao viên kim cương lớn nhất hành tinh lại được sử dụng để chế tạo ra vi xử lý mạnh nhất thế giới?
- 07-11-2023Trung Quốc đạt cột mốc đỉnh cao về công nghệ, chưa quốc gia nào sánh bằng: UAV trang bị cả "bộ não con người"?
- 07-11-2023Ngăn chặn 8 group hướng dẫn tự tử và 43 group hướng dẫn bùng nợ trên mạng xã hội
Một tiến bộ y học mới đây đã được ghi nhận tại Thụy Sĩ khi bệnh nhân mắc bệnh Parkinson lâu năm đã trở thành người đầu tiên được cấy ghép thiết bị kích thích tủy sống, giúp cải thiện đáng kể khả năng đi lại.
Ở tuổi 62, ông Marc Gauthier có thể tự đi bộ trên đường phố Lausanne của Thụy Sĩ mà không cần trợ giúp. Với nhiều người, việc này có lẽ chẳng có gì đặc biệt, nhưng nếu biết rằng ông Gauthier được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson khi còn ở độ tuổi 30, thì việc ông có thể tự đi lại có thể xem là kỳ tích.
Trước đó, căn bệnh này đã hành hạ ông, khiến ông ngày càng dễ bị vấp ngã, đi lại vô cùng khó khăn. Giống như hầu hết các bệnh nhân, ông được điều trị bằng dopamine và kích thích não sâu giúp giảm bớt các triệu chứng cứng khớp và run rẩy - vốn là những đặc điểm thường thấy của bệnh Parkinson. Nhưng phương pháp này không cải thiện được khả năng đi lại của ông và giúp ông tự lập trong cuộc sống.
Cách đây hai năm, ông đã tham gia cuộc phẫu thuật thử nghiệm do Bệnh viện Đại học Lausanne, Thụy Sĩ thực hiện. Một trường điện cực đặt vào tủy sống của ông, kết hợp một máy phát xung điện được cấy dưới da bụng. Thiết bị này sẽ kích thích tủy sống kích hoạt cơ chân.
Bác sĩ Gregoire Courtine - Viện công nghệ Lausanne, Thụy Sĩ: "Trong 20 năm qua, chúng tôi đã phát triển công nghệ kích thích chính xác tủy sống, với mục tiêu phục hồi khả năng đi lại sau khi bị liệt do chấn thương tủy sống. Và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tận dụng công nghệ này để cải thiện tình trạng khó đi lại do bệnh Parkinson. Công nghệ này cung cấp các xung điện chính xác đến vùng tủy sống liên quan đến việc điều khiển cơ chân. Các xung được truyền đến đúng vị trí với thời gian chính xác, để bệnh nhân có thể bước đi tự nhiên".
Ông Marc Gauhier - Bệnh nhân Parkinson: "Hai năm trước, tôi đã được thực hiện ca phẫu thuật thay đổi cuộc đời, bởi vì bây giờ tôi có thể tự lập được - như bạn thấy đấy, tôi có thể đi bộ. Tôi thậm chí còn có thể tập thể dục nữa".
Bệnh Parkinson là một chứng rối loạn tiến triển do sự thoái hóa của các tế bào thần kinh ở phần não điều khiển chuyển động. Với tiến bộ y học này, cuộc sống của các bệnh nhân Parkinson được kỳ vọng sẽ được cải thiện đáng kể. Cuộc thử nghiệm dự kiến sẽ mở đường cho các nghiên cứu có quy mô lớn hơn trong tương lai.
VTV