Công nghệ phá dỡ cao ốc "đỉnh cao" của người Nhật: Giảm 90% bụi, nói "không" với tiếng ồn, nhìn ngoài không ai nhận ra
Không gây tiếng ồn hay khói bụi, công nghệ mới này sẽ giúp các toà nhà được “rút ngắn” từng tầng và phá huỷ trong yên lặng mà chẳng ai hay.
- 11-07-2023Nhìn thấy gáo nước hoen rỉ, chuyên gia “chết lặng": Cầm 300 tỷ đồng làm việc này cũng thật to gan
- 09-07-2023Vay tiền không khó, chỉ cần đăng lên mạng là xong: Chỉ trong vòng một đêm, cô gái có gần 1 tỷ đồng và 300 chủ nợ
- 09-07-2023Bỏ việc lương 30 triệu đồng/tháng để dồn 1,3 tỷ đồng mở quán lẩu: Hoạt động 4 tháng đã phải đóng cửa, nợ nần ngập đầu, không có tiền trả nhân viên
Có nhiều cách để phá hủy một tòa nhà cao tầng. Người ta có thể cho nổ tung hoặc đập nát chúng thành từng mảnh bằng thuốc nổ hay những máy móc hiện đại. Thế nhưng tại Nhật Bản, một công ty đã sử dụng công nghệ phá dỡ đỉnh cao để san bằng các tòa nhà chọc trời.
Quá trình này không khiến những cột khói bụi bốc lên giữa phố hay gây nên tiếng động kinh hoàng nào. Thay vào đó, các tòa nhà cao tầng sẽ được tháo dỡ từ trên xuống. Quá trình này sẽ bị che khuất bởi giàn giáo di chuyển chậm. Toàn bộ cấu trúc của tòa nhà sẽ được rút ngắn dần.
Kỹ thuật đột phá này do Tập đoàn Taisei giới thiệu, được gọi là hệ thống tái tạo sinh thái Tecorep. Công nghệ đột phá này được thiết kế để hạ các tòa nhà cao hơn 100m một cách an toàn bằng cách đưa cần trục vào bên trong để tháo dỡ từng tầng.
Nhờ đó không chỉ giúp giữ được các vật liệu xây dựng có giá trị mà còn tạo ra năng lượng sạch trong quá trình phá dỡ. Bằng cách sử dụng kích khổng lồ và cần cẩu tạo năng lượng, Tập đoàn Taisei đang cách mạng hóa quá trình đổi mới đô thị ở Tokyo và thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các hoạt động xây dựng thân thiện với môi trường.
Theo đó, tòa nhà cao tầng ở Tokyo từng được ứng dụng công nghệ phá dỡ này chính là khách sạn Akasaka Prince - một tòa tháp 40 tầng với mặt tiền hình răng cưa nhìn ra một trong những khu thương mại nhộn nhịp của thành phố.
Đầu tiên, các cột chống sẽ được sử dụng để chống đỡ mái nhà. Hệ thống giàn giáo được lắp bên ngoài với các tấm cách âm, tránh gây ồn ào. Tấm che được đặt trên đỉnh của toà nhà giúp ngăn bụi thoát ra ngoài. Cứ thế, hệ thống máy móc đặt trên tầng cao nhất có thể phá huỷ cột kèo, nền nhà. Sau đó, các thiết bị sẽ kéo phần nền nhà và toàn bộ các mảnh vỡ xuống một bậc. Tòa nhà đã bị “rút ngắn” khoảng hai tầng sau 10 ngày. Chỉ sau vài tháng, nó sẽ biến mất và được thay thế bằng hai tòa tháp mới.
Nhìn từ bên ngoài, nếu không quá chú ý sẽ khó nhận ra sự thay đổi của tòa nhà bởi ngay cả khi các tầng bị phá bỏ và tòa nhà bắt đầu “co lại” thì phần mái của nó vẫn được giữ nguyên. Theo trang Construction.am, kỹ thuật phá dỡ này được cho là giảm 90% bụi, đồng thời giảm ô nhiễm tiếng ồn do các kỹ thuật phá dỡ tiêu chuẩn gây ra. Nhưng trên hết, vì Tecorep sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của mình nên nó còn giảm được khoảng 85% lượng khí thải carbon.
Dưới đây là một số ưu điểm nổi trội của hệ thống tái tạo sinh thái Tecorep:
- Bảo vệ môi trường và vật liệu xây dựng: Không giống như các phương pháp phá dỡ thông thường, Tecorep tập trung vào tính bền vững và hiệu quả tài nguyên. Quá trình bắt đầu bằng cách loại bỏ tất cả các yếu tố phi cấu trúc và tận dụng các vật liệu có thể tái sử dụng. Với mỗi tầng được tháo rời tỉ mỉ từ trên xuống, dầm và bê tông được tháo dỡ cẩn thận và vận chuyển xuống đất bằng cần cẩu khai thác năng lượng từ chuyển động đi xuống của nó. Năng lượng này sẽ cung cấp năng lượng cho các thiết bị khác nhau được sử dụng trong quá trình phá hủy, giảm lượng khí thải carbon xuống 85% một cách ấn tượng.
Kỹ thuật Tecorep giảm tiếng ồn từ 17-23 decibel so với các vụ phá dỡ khác và giảm lượng bụi đến 90%. Do đó, nó được cho là thân thiện với môi trường hơn và trở thành phương pháp tiếp cận lý tưởng cho các khu vực đô thị đông dân cư. Ngoài ra, Tecorep còn có thể được thực hiện bất kể điều kiện thời tiết, cho phép linh hoạt hơn trong quá trình phá dỡ.
- Duy trì tính toàn vẹn của tòa nhà: Trong suốt quá trình phá dỡ, bề ngoài của tòa nhà sẽ không thay đổi quá nhiều nhưng sẽ mang đến một cảnh tượng đáng chú ý khi cấu trúc cao chót vót dần dần thu nhỏ lại. Hình dáng ban đầu của tòa nhà được duy trì cho đến giai đoạn cuối cùng khi các tầng còn lại bị phá dỡ. Bằng cách giữ lại mái nhà đến cuối cùng, Tecorep đảm bảo rằng tòa nhà vẫn giữ được hình dạng ngay cả khi nó trải qua quá trình “chuyển đổi”.
- Triển vọng tương lai: Với việc Tokyo phải đối mặt với làn sóng phá dỡ nhà cao tầng sắp xảy ra, công nghệ mới này của Tập đoàn Taisei đã thu hút được sự chú ý và mở ra cánh cửa cho những đổi mới trong tương lai trong ngành xây dựng. Hideki Ichihara, người đứng đầu bộ phận phát triển công nghệ xây dựng của Taisei, dự đoán rằng trong thập kỷ tới, khoảng 99 tòa nhà cao tầng của Tokyo sẽ phải phá dỡ do tuổi thọ của chúng. Ngoài ra, thành công của Tecorep trong việc giảm thiểu tác động môi trường và tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên đã tạo tiền lệ cho đổi mới đô thị bền vững ở Tokyo và hơn thế nữa.
(Theo Nytimes, Construction.am)
Phụ nữ số