Công nghiệp 4.0 sẽ tác động như thế nào đến thể chế?
Thể chế của nhà nước sẽ chịu sức ép thay đổi trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đồng thời, CMCN 4.0 cũng là tiền đề để thể chế thay đổi nhanh hơn. Việc ứng dụng các công nghệ mới như AI, Blockchain, bigdata,… sẽ giúp âng cao hiệu quả quản lý của nhà nước trong thời đại 4.0.
- 07-06-2018PGS. TS Trần Đình Thiên: Có đặc khu, Việt Nam cũng không dễ dàng nhảy lên đoàn tàu Công nghiệp 4.0 khi đang nghèo như thế này!
- 27-01-2018Cải cách thể chế kinh tế - Đòn bẩy cho tăng trưởng 2018?
CMCN 4.0 có tác động hai chiều đến thể chế
TS. Đặng Quang Vinh - Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) sẽ có tác động hai chiều đến thể chế của nhà nước. Một mặt, CMCN 4.0 sẽ đòi hỏi và thúc đẩy sự thay đổi về thể chế. Mặt khác, chính những công cụ mới trong thời đại 4.0 giúp cho quản lý nhà nước trở nên hiệu quả hơn.
Về mặt thứ nhất, tư duy quản lý nhà nuóc trong thời đại CMCN 4.0 sẽ phải thay đổi. Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, cần có sự chuyển đổi nhanh chóng từ mô hình hiện tại sang "nhà nước số". Đây là bước phát triển cao hơn, tiếp theo sau Chính phủ điện tử - điều đang được xây dựng ở Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là vừa phải hoàn thiện Chính phủ điện tử ở cấp độ cao nhất, vừa phải xây dựng hệ thống thể chế mới. Trong đó, cần có thể chế cho thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ; điều tiết kinh doanh thông minh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trên nền tảng số.
Về mặt thứ hai, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Fintech, dữ liệu lớn (big data), và những công nghệ trong CMCN 4.0 trong quản lý và quy hoạch giúp tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Sự phát triển của ngành viễn thông là hạ tầng kỹ thuật cho việc hình thành cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu.
Chiến lược 4.0 của các nước đều coi trọng thể chế
Hiện tại, Chính phủ đang tham vấn các chuyên gia để hoàn thiện "Đề cương đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0". Trước đó, nhu cầu xây dựng một chiến lược tổng thể của quốc gia đã được đặt ra trong Chỉ thị 16 ban hành năm 2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã ban đưa ra chiến lược 4.0.
Hoa Kỳ ban hành Kế hoạch chiến lược quốc gia về nghiên cứu và phát triển (R&D) trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, Liên minh lãnh đạo sản xuất thông minh đã được thành thành lập vào năm 2012 để khuyến khích phát triển nền tảng, tiêu chuẩn công nghệ mới. Các trung tâm công nghệ cao (Manufacturing Innovation Hub) cũng được thành lập trong thời gian sau đó.
Đức đã đưa ra chiến lược Công nghiệp 4.0 từ năm 2011 và tạo ra khuôn khổ chính sách chặt chẽ, nhằm thiết lập vị thế là nhà cung cấp các hệ thống sản xuất tiên tiến hàng đầu thế giới.
Chiến lược "Quốc gia thông minh" của Singapore ưu tiên 4 lĩnh vực: chế tạo tiên tiến, y tế và sinh dược; dịch vụ và kinh tế số; đô thị thông minh và bền vững. Chính phủ nước này cũng dành tới 4,5 tỷ SGD cho chương trình chuyển đổi công nghiệp.
Thái Lan coi chiến lược 4.0 như một cách vượt bẫy thu nhập trung bình. Chuyển đổi sang sản xuất thông minh và xây dựng Chính phủ số là kế hoạch trong giai đoạn 2017-2021 là kế hoạch của nước này.
Malaysia tạo ra khung chính sách quốc gia để biến nước này thành điểm thu hút công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI.
"Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, có thể thấy sự khác biệt trong chiến lược của hai nhóm nước. Các nước phát triển đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ hàng đầu. Các nước đang phát triển chủ yếu tập trung nâng cấp công nghệ trong chế tạo" - ông Đặng Quang Vinh nói.
Mặc dù vậy, điểm chung trong chiến lược 4.0 của các nước là đều coi trọng việc xây dựng thể chế mới.
Thể chế nào cho Việt Nam?
Góp ý cho bản Đề cương của Chính phủ, Viện CIEM cho rằng, khó có thể đưa ra một chính sách phù hợp ngay từ đầu. Thay vào đó, Chính phủ cần áp dụng phương pháp thử - sai, cho phép thử nghiệm chính sách và điều chỉnh linh hoạt.
Thực tế, dù đã áp dụng các biện pháp cải thiện nhưng chỉ số về chất lượng thể chế vẫn còn ở mức thấp. Cụ thể: Việt Nam đạt 51,2/100 điểm, xếp vị trí 70/120 về chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0. Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam ở vị trí 68/190 (chỉ số Doing Business). Nếu không có giải pháp đột phá, sẽ rất khó có sự thay đổi nhanh chóng.
Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Chiến lược 4.0 của Việt Nam cũng cần đặt trong bối cảnh quốc tế. Khi các nước trong khu vực đã bắt đầu thực hiện chiến lược 4.0, bản soạn thảo của Việt Nam cần cân nhắc lại các thế mạnh của đất nước để tập trung phát triển. Vai trò của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trong thực hiện chiến lược cũng quan trọng không kém thể chế của nhà nước.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mức độ sẵn sàng ứng dụng CN 4.0 của Việt Nam không cao và chỉ thuộc nhóm nước Sơ khởi: Điểm Cấu trúc sản xuất đạt 4,96/10, xếp thứ 48/100. Điểm Động lực sản xuất đạt 4,93/10, xếp thứ 53/100.