Công nghiệp chế biến, chế tạo không để phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài
Nội lực của công nghiệp chế biến chế tạo trong nước còn nhiều hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài.
- 28-02-2021CPI tháng 2 tăng 1,52% so với tháng 1
- 28-02-2021Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 giảm hơn 21% do nghỉ Tết và Covid-19
- 28-02-2021Sau 7 tháng EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng gần 23%
- 27-02-2021UKVFTA mới áp dụng tạm thời, kim ngạch thương mại song phương Việt - Anh bứt phá ngoạn mục
Thời gian qua, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, nội lực của công nghiệp chế biến chế tạo trong nước còn nhiều hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài về linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu dẫn đến nhiều khó khăn cho DN trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.
Theo bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), trong năm 2020, nhiều nước có ngành công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu thế giới nhưng đều gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một điểm sáng, là ngoại lệ khi nền kinh tế tăng trưởng dương.
“Tăng trưởng dương dựa trên trụ cột về tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao như chế tạo điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, cơ khí, sản phẩm phục vụ ngành ô tô... Bên cạnh đó, chế biến nông sản, gia công may mặc... dù không đạt mức tăng trưởng như những giai đoạn trước nhưng cũng thu về kết quả đáng ghi nhận”, bà Thủy đánh giá.
Khẳng định cơ cấu nhóm các ngành công nghiệp thời gian qua đã có sự thay đổi rất tích cực, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra, trong giai đoạn 2016-2019, riêng ngành công nghiệp đã đóng góp 30% GDP, là nhóm ngành đóng góp về ngân sách lớn nhất.
Cụ thể, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng nhanh, tránh phụ thuộc tỷ trọng vào ngành khai khoáng. Trong thời gian qua, có nhiều nhóm ngành có sự phát triển rất nhanh, ví dụ như điện tử, dệt may, da giày... có giá trị xuất khẩu đứng "top" trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã thành lập được nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Thaco, Thành Công, Vinfast... Điều đó thể hiện đường lối đúng đắn trong khuyến khích DN tham gia vào phát triển công nghiệp.
“Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cao nhất trong GDP về giá trị gia tăng, tạo tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, nếu so sánh toàn bộ nền kinh tế, trong ngành công nghiệp nói chung, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng có sức bứt phá mạnh nhất. Mức tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành này cao hơn nhiều tăng trưởng GDP trong 5 năm gần đây", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cần chính sách ưu đãi tạo lợi thế cạnh tranh
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng chỉ rõ, hiện ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam còn không ít hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Bà Trịnh Thị Thanh Thủy đánh giá, khó khăn nhất để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có lẽ là DN trong nước thiếu nguồn lực, thiếu nguyên liệu đầu vào và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. "Chúng ta nặng về gia công, chế biến, phụ thuộc vào DN FDI", bà Thủy nói.
Về nguyên nhân của sự hạn chế, ông Tuấn Anh phân tích, nhóm thứ nhất là xây dựng và bố trí nguồn lực để phát triển công nghiệp trong thời gian qua chưa đầy đủ. Cụ thể như, xây dựng các chiến lược, quy hoạch chính sách chưa phù hợp với thực trạng phát triển nền kinh tế. Các chính sách về tín dụng cho DN chưa tiếp cận đúng sát với nhu cầu của DN.
Đưa ra dẫn chứng, các DN FDI vào Việt Nam được ưu đãi nhiều từ các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tập đoàn mẹ với lãi suất thấp, ông Tuấn Anh cho rằng lãi suất vay của Việt Nam cao nên DN Việt vô tình bị thua ngay từ điểm khởi đầu.
Nhóm nguyên nhân thứ hai được lãnh đạo Cục Công nghiệp chỉ ra là nguồn lực của Nhà nước cho phát triển công nghiệp chưa tương xứng. Việt Nam đang thiếu tập đoàn công nghiệp lớn đủ mạnh để dẫn dắt nền kinh tế...
“Lĩnh vực công nghiệp cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Trong khi đó, các DN chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, thương mại..., có khả năng thu hồi vốn nhanh hơn. Bởi vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để kêu gọi DN tham gia lĩnh vực công nghiệp”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để thúc đẩy mạnh mẽ DN công nghiệp chế biến chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Tuấn Anh cho biết, Cục luôn chủ động phối hợp với các tập đoàn và DN sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh như Samsung, Toyota, sau đó có những cuộc kết nối với DN trong nước để đôi bên gặp gỡ nhau...
“Về dài hạn, Cục Công nghiệp sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các DN công nghiệp nói chung, DN công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo nói riêng. Trong đó, nội dung rất quan trọng là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho các DN công nghiệp hỗ trợ cũng như DN trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo", ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, Cục này đang nghiên cứu sự cần thiết để xây dựng 1 bộ Luật về công nghiệp, chính thức thể chế hóa nội dung ngành công nghiệp vào bộ luật này, tránh tình trạng phải tham chiếu, bị chi phối bởi các bộ luật khác.
VOV.VN