MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi tiếp tục là động lực tăng trưởng

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong tháng 8 với mức tăng 3,5% so với cùng kỳ.

Chế biến, chế tạo tăng trưởng 3,5% trong tháng 8

Nếu nửa đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 0,37% thì riêng tháng 8 đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng dẫn đầu về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD trong 8 tháng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi tiếp tục là động lực tăng trưởng - Ảnh 1.

Sự phục hồi trong 8 tháng vừa qua cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế

Đáng chú ý trong 8 tháng năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: đường kính tăng 34,9%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 14,2%; xăng, dầu tăng 10,1%; ti vi tăng 10%; sơn hóa học tăng 9,5%; thuốc lá điếu và vải dệt từ sợi nhân tạo cùng tăng 8,6%; thép cán tăng 6,5%.

Bên cạnh đó, một số ngành đóng vai trò là động lực cho xuất khẩu đều có những tín hiệu tích cực như dệt, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn và giường, tủ, bàn, ghế...

Nhìn nhận thêm về động thái tích cực này, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ -Giám đốc Văn phòng Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ cho biết, những mảng liên quan đến sản xuất vật liệu xây dựng đã có dấu hiệu nhập hàng, hay các mảng dệt may, da giày, phần tồn kho giảm rất mạnh, dự báo đơn hàng sẽ được đẩy nhanh hơn...

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao là: Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Hậu Giang tăng 183,8%; Thái Bình tăng 91%; Trà Vinh tăng 34,7%.

"Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao"- báo cáo Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Đơn cử, địa phương như Bắc Ninh, tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,24% so tháng trước, trong đó cả 3 ngành công nghiệp cấp 1 đều tăng, cao nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,29%. Theo đó, lũy kế 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp Bắc Ninh tăng 3,4% so với cùng kỳ.

Thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là trên 25%. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao lên tới trên 95%. Vì vậy, sự phục hồi trong 8 tháng vừa qua cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Trong thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm, để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn. Cụ thể đối với các ngành hàng chế biến, chế tạo, bài toán đau đầu nhất là giảm tỷ lệ phế phẩm và tăng tỷ lệ thành phẩm, nghĩa là giảm được các chi phí tái chế, tái sản xuất, cũng như giảm tỷ lệ lãng phí trong quá trình sản xuất. Giải quyết được vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần nhôm Việt - Pháp cho biết, đơn vị đã chuẩn bị dòng tiền, nguồn tiền trong những tháng cuối năm. Đầu tiên là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để đi vào các thị trường lớn hơn và chuỗi cung ứng toàn cầu.­­­­­­­

Về phía Bộ Công Thương cũng nêu giải pháp, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

"Theo dõi sát tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn với Chính phủ và các cơ quan nhà nước"- đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu.

Theo đó, trong những tháng cuối năm, Chính phủ, các cấp, các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân nhanh. Quan trọng cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo giới chuyên gia kinh tế, với đà phục hồi tích cực, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón "làn sóng" đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là ở những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Theo Việt Anh

Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên