MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Công nghiệp khó hút đầu tư vì nhu cầu vốn lớn nhưng thị trường lại rất hẹp”

“Công nghiệp khó hút đầu tư vì nhu cầu vốn lớn nhưng thị trường lại rất hẹp”

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sản phẩm công nghiệp đạt thấp hơn so với mục tiêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế và khó tiếp cận, trong khi Việt Nam là nước đi sau nên khả năng cạnh tranh với những đối tác phát triển là rất khó khăn…

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên chiều 4/6 và đầu giờ sáng 5/6, nhiều ĐBQH quan tâm đến việc thực thi chính sách khuyến khích, ưu đãi để nhằm đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và công nghiệp cơ khí. Đặc biệt, CNHT được đánh giá là một hướng đi đúng đắn để tái cơ cấu phát triển công nghiệp, cũng như tăng trưởng chất lượng cao trong giai đoạn mới, đồng thời tạo ra hệ sinh thái liên kết chặt chẽ các DN FDI và DN trong nước. Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa có một chính sách phát triển toàn diện và bao trùm về công nghiệp, như các nền kinh tế phát triển.

Giảm dần sự phụ thuộc nguyên liệu phụ tùng nhập khẩu

Phản hồi ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có CNHT và công nghiệp cơ khí đã khẳng định được vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành, như dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt tới hơn 30%.

“Công nghiệp khó hút đầu tư vì nhu cầu vốn lớn nhưng thị trường lại rất hẹp”- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của ĐBQH sáng 5/6

Các sản phẩm cơ khí, kim loại đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nội địa đến nay đã đạt tỷ lệ khoảng 80%-90% nhu cầu của xe máy, 15%-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô tùy theo chủng loại xe và đáp ứng từ 40%-60% cho các loại máy nông nghiệp là những kết quả là đáng kể.

“Kết quả đạt được trong thời gian vừa qua đã góp phần làm giảm dần sự phụ thuộc nguyên liệu phụ tùng nhập khẩu, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp nói chung và cơ cấu nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của công nghiệp Việt Nam. CNHT từng bước nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, nhiều DN đã trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào mạng lưới sản xuất cung ứng toàn cầu. Sự phát triển của lĩnh vực CNHT đã góp phần thu hút được các tập đoàn lớn của thế giới, mở rộng nhà máy và hình thành các trung tâm R&D ở Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn thừa nhận, một số sản phẩm công nghiệp vẫn đạt thấp hơn so với mục tiêu chung, như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng,…sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 15%, các ngành công nghiệp công nghệ cao mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%.

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sản phẩm công nghiệp đạt thấp hơn so với mục tiêu, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, do nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế và khó tiếp cận. Bên cạnh đó, chính sách thu hút FDI chưa khuyến khích được việc liên kết của các DN FDI với các DN trong nước, thiếu sự ràng buộc giữa hai loại hình DN.

Ngoài ra, CNHT, công nghiệp cơ khí vẫn là lĩnh vực khó thu hút đầu tư, bởi nhu cầu vốn lớn nhưng thị trường lại rất hẹp, trong khi công nghiệp Việt Nam là nước đi sau, nên khả năng cạnh tranh với những đối tác phát triển là khó khăn. Ngoài ra, việc phối hợp thực hiện chính sách giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và cả các DN là chưa thật tốt nên dù có chính sách phát triển nhưng DN vẫn khó thể tiếp cận nên không thực hiện được.

“Công nghiệp khó hút đầu tư vì nhu cầu vốn lớn nhưng thị trường lại rất hẹp”- Ảnh 2.

Phiên chất vấn tại hội trường Quốc hội sáng 5/6

Công nghiệp chủ lực tập trung vào 3 lĩnh vực

Hiện nay, thực hiện Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển CNHT, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu để hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó có nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng,…là những ngành tạm coi là nền tảng của ngành công nghiệp Việt Nam và cũng là động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Khi triển khai thực hiện Quyết định 68, Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Thủ tướng tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu. Đó là linh kiện phụ tùng các loại máy móc, thiết bị; CNHT cho ngành dệt may và da giày và cho những ngành công nghệ cao”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương và địa phương, tập trung phát triển lĩnh vực này, cùng lúc triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng, thực hiện các chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các DN Việt Nam. Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ các DN, đặc biệt là phát huy hiệu quả của các trường Đại học, Cao đẳng thuộc ngành Công Thương và một số trường nghề trong ngành Giáo dục.

“Công nghiệp khó hút đầu tư vì nhu cầu vốn lớn nhưng thị trường lại rất hẹp”- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời chất vấn, giải trình về một số vấn đề có liên quan

Nêu giải pháp trong thời gian tới để đạt mục tiêu đạt tỷ lệ 65% sản phẩm cơ khí, CNHT cho nhu cầu nội địa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm. Tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương địa phương để tập trung phát triển CNHT; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương và kể cả đối với DN để có thể thực hiện chính sách này một cách thuận lợi.

Cùng với đó, cần đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ cho DN và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất của DN CNHT Việt Nam có sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên