Công nhân Trung Quốc “nhắn” ông Trump: Chúng tôi không đánh cắp việc làm của ai cả
Nhiều công nhân Trung Quốc nói rằng sẽ có làn sóng chuyển dịch việc làm sang các nước có chi phí lao động rẻ hơn, chứ không phải quay trở lại Mỹ.
- 21-02-2017Kinh tế Trung Quốc không thực sự tốt nếu nhìn vào những con số lớn
- 20-02-2017Trung Quốc đã bơm thêm 170 tỷ nhân dân tệ vào thị trường
- 16-02-2017Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới nhưng để phục vụ người Trung Quốc thay vì xuất khẩu
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và những người ủng hộ ông từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc vì cho rằng nước này đã “đánh cắp việc làm của người Mỹ”. Tuy nhiên, mới đây công nhân Trung Quốc – những người đang bị coi là “kẻ cắp” đã lên tiếng phản đối.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, các công nhân Trung Quốc nói rằng họ đã có một hiệp ước kéo dài nhiều thập kỷ; trong đó cho phép các công ty của Mỹ đến các khu công nghiệp Trung Quốc để thành lập nhà máy, thuê người lao động Trung Quốc với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ giá nhân công tại Mỹ.
Những công ty của Mỹ sau đó sẽ bán sản phẩm với mức giá cạnh tranh hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Như vậy, người tiêu dùng Mỹ được mua hàng với giá rẻ hơn, trong khi người lao động Trung Quốc có thể kiếm được tiền để thoát khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên, có vẻ như ông Trump đang muốn thay đổi phương trình cân bằng lợi ích này.
Lời nhắn nhủ của các công nhân Trung Quốc đến ông Donald Trump. Nguồn: CNBC.
“Tôi không nghĩ ông Trump đúng trong trường hợp này. Các công ty Mỹ đến đầu tư vào đất nước chúng tôi. Họ gặt hái thành quả là sản phẩm với chi phí rẻ hơn thì chúng tôi cũng phải được hưởng lợi tiền công chứ? Đây là một phương trình cân bằng, đôi bên cùng có lợi”, Zhao Junlin – một công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy của Mỹ ở thành phố Gia Hưng cho biết.
Rất nhiều người lao động ở thành phố Gia Hưng nói rằng họ rất lo lắng về những vấn đề sẽ xảy ra nếu ông Trump di chuyển thành công các nhà máy sản xuất về Mỹ.
“Nhiều người đã mở nhà máy, xí nghiệp ở đây và đang bắt đầu phát triển. Nếu ông Trump yêu cầu tất cả những nhà máy đó đóng cửa, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ”, một công nhân Trung Quốc đã làm việc 3 năm cho công ty vải sợi của Mỹ chia sẻ.
Theo anh này, các ông chủ người Mỹ thường có nhiều kinh nghiệm hơn ông chủ người Trung Quốc. Vì vậy, các nhà máy của Mỹ có môi trường làm việc chuyên nghiệp và duy trì máy móc thiết bị tốt hơn. Nếu như các nhà máy này di chuyển hết về Mỹ thì nền sản xuất của Trung Quốc sẽ rất đáng lo ngại.
Với người Trung Quốc, việc chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Mỹ sang có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc đưa Trung Quốc trở thành đất nước giàu mạnh như hiện nay.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhấn mạnh rằng thành công của Trung Quốc không đồng nghĩa với thất bại của nước Mỹ.
“Người lao động Trung Quốc rất chăm chỉ. Chúng tôi có thể làm việc tại các nhà máy trong nhiều giờ liên tục, trong khi nhiều người khác không thể làm vậy. Tôi nghĩ chúng tôi không ăn cắp việc làm của ai cả”, một công nhân Trung Quốc có tên Chen chia sẻ.
Nếu yêu cầu của ông Trump được thực hiện, công nhân Trung Quốc nói rằng họ lo sợ phản ứng toàn cầu từ thành công của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến cho làn sóng chuyển dịch việc làm sang các nước có chi phí lao động rẻ hơn, chứ không phải quay trở lại Mỹ.