Công trình hàng nghìn tỷ đồng chạy dưới lòng sông ở Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á có gì đặc biệt?
Hầm chui vượt sông đầu tiên và duy nhất đến hiện tại của Việt Nam được xây dựng trong 7 năm, chính thức khai thác từ tháng 11/2011.
- 03-04-2024Hà Nội: Xây dựng công trình đặc biệt chưa từng có để "hồi sinh dòng sông chết" hơn 2000 năm tuổi
- 20-02-2024Liên bộ họp bàn tìm hướng gỡ khó cho các dự án, công trình trọng điểm
- 17-02-2024Để đưa công trình Vành đai 4 về đích đúng hẹn
Biến một bán đảo nghèo nàn thành khu đô thị hiện đại bậc nhất
Bán đảo Thủ Thiêm, mặc dù chỉ cách trung tâm TP.HCM vài trăm mét đường sông, nhưng lại có vị thế tách biệt. Nó trái ngược hoàn toàn với bờ bên kia sông Sài Gòn - nơi náo nhiệt và hiện đại, Thủ Thiêm lại chỉ có những con đường bé nhỏ và những ngôi nhà xuống cấp.
Dù cho vị trí của bán đảo này rất thuận lợi khi có ba mặt hướng về trung tâm thành phố, nhưng nó vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng. Dù người dân Sài Gòn đã thấy được tiềm năng này từ giữa thế kỷ trước, nhưng việc thiếu cầu nối giữa hai bên bờ sông đã khiến vùng đất này vẫn còn đang chờ đợi cơ hội để phát triển.
TP.HCM đã quyết tâm xoá đi cảnh biệt lập của bán đảo Thủ Thiêm, biến nó thành một khu đô thị hiện đại hàng đầu Đông Nam Á bằng hàng loạt dự án. Đơn cử, có thể kể đến dự án hầm Thủ Thiêm có vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng ngày 21/11/2011, chiều dài 1,49 km kết nối quận 1 và quận 2.
Ngoài ra, đó là dự án Cầu Thủ Thiêm 1 với vốn 1.099,6 tỷ và đã hoàn thành cuối năm 2007; Dự án Cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) có tổng mức đầu tư là 3.082 tỷ đồng.
Ngoài các công trình trên, quy hoạch KĐT Thủ Thiêm mới còn bao gồm: Cầu Thủ Thiêm 3 nối quận 4 và Cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và cầu đi bộ qua bến Bạch Đằng – quận 1 (tổng kinh phí hơn 5.300 tỷ đồng). Gần đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi yêu cầu các sở ban ngành cần đẩy nhanh tiến độ và đạt được mục tiêu phấn đấu khởi công cầu Thủ Thiêm 4 vào dịp 30/4/2025.
Như vậy, theo quy hoạch, bán đảo Thủ Thiêm sẽ được kết nối với các khu vực trung tâm của TP. HCM nhờ 5 cây cầu và một đường hầm. Trong đó, công trình ấn tượng nhất, không chỉ là biểu tượng của Thủ Thiêm mà còn là biểu tượng của TP.HCM là dự án hầm dìm Thủ Thiêm.
Kỳ tích làm hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á
Hầm Thủ Thiêm là phần quan trọng nhất của dự án Đại lộ Đông Tây, và khi đường nối từ đại lộ này đến cao tốc TP. HCM - Trung Lương được hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối mạch lạc giữa miền Tây Nam bộ, TP. HCM và miền Đông Nam bộ, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đặc biệt, khu vực này sau đó sẽ được kết nối với sân bay quốc tế Long Thành khi dự án này hoàn thành.
Nhờ vào hầm Thủ Thiêm, thời gian di chuyển từ phía Đông sang Tây sông Sài Gòn giảm xuống chỉ còn một phút, và cũng làm giảm quãng đường từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây, miền Đông.
Ủy ban Nhân dân TP.HCM nhận định, công trình này quan trọng trên nhiều phương diện, không chỉ cải thiện hệ thống giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn cải thiện đáng kể điều kiện sống cho hàng chục ngàn hộ gia đình, tạo điều kiện cho việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị, và thúc đẩy xây dựng khu trung tâm tài chính thương mại Thủ Thiêm, phát triển không gian đô thị hiện đại, tiện nghi và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, hầm Thủ Thiêm còn giúp liên kết các tuyến đường vành đai, liên vùng, tạo điều kiện cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Công trình này không chỉ đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống giao thông mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn khác, trong đó có việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân ở những khu vực lân cận.
Hầm Thủ Thiêm là một công trình kiến trúc đặc biệt, nằm dưới lòng sông Sài Gòn. Đường hầm này có điểm đầu đặt ngay trên đường lớn Võ Văn Kiệt thuộc quận 1 và điểm cuối là khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2. Ngoài việc nối liền quận 2 với quận 1, hầm Thủ Thiêm còn kết nối các quận lân cận như quận 7, quận Bình Thạnh, quận 4, giúp rút ngắn thời gian đi lại.
Sau 7 năm xây dựng, hầm Thủ Thiêm đã chính thức đi vào hoạt động, được vinh danh là đường hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam. Theo báo Giao thông, hầm Thủ Thiêm là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á, được thi công bằng công nghệ đúc, dìm hiện đại nhất.
Ông Yoshiki Kakihara, đến từ Liên doanh công nghiệp nặng Kawasaki- Gtech Nhật Bản cho biết trên Vietnamnet: “Hầm Thủ Thiêm đã được thiết kế theo Tiêu chuẩn đường bộ Nhật Bản. Với công nghệ tiên tiến, việc vận hành an toàn môi trường cả trong và ngoài hầm đều được đánh giá có độ tin cậy cao. Tôi tin rằng hầm Thủ Thiêm sẽ là một trong những đường hầm tốt nhất Đông Nam Á”.
Hầm Thủ Thiêm đặc biệt ra sao?
Hầm Thủ Thiêm dài tổng cộng 1.490 mét, gồm 3 phần chính là hầm dẫn ở phía trung tâm TP.HCM dài 585 mét, hầm dẫn ở phía Thủ Thiêm dài 535 mét và phần hầm dìm gồm 4 đốt hầm dài 370 mét. Chiều rộng của hầm hơn 33 mét và độ cao gần 9 mét.
Hầm được thiết kế với 2 chiều đi lại, mỗi chiều có 3 làn đường bao gồm 2 làn dành cho ô tô và 1 làn cho xe máy, với tốc độ tối đa cho phép là 40 km/h đối với xe máy và 60 km/h đối với ô tô. Dự kiến tuổi thọ sử dụng của công trình là 100 năm và có khả năng chịu đựng được động đất cấp 7.
Bên trong hầm Thủ Thiêm, hệ thống an toàn giao thông được duy trì liên tục và chất lượng công trình được giám sát không ngừng nghỉ 24 giờ một ngày. Có đến 140 nhân viên làm việc theo ca và giám sát hoạt động của hầm thông qua 54 camera.
Mọi sự cố hay hỏng hóc kỹ thuật, dù nhỏ nhất, cũng sẽ ngay lập tức được đội phản ứng nhanh đến xử lý. Mỗi ngày, nhân viên vệ sinh sẽ làm sạch hầm để đảm bảo tính năng bắt sáng và an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Dọc theo hầm, có tổng cộng 37 lối thoát hiểm được bố trí để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh chóng với bất kỳ sự cố nào xảy ra bên trong hầm.
Trong hầm, những hệ thống kỹ thuật như thông gió, bơm nước, hút ẩm, chiếu sáng, liên lạc báo động, phòng chống cháy nổ cùng với các cảm biến tự động đo lường mức độ ồn, độ ẩm, nồng độ khói bụi... đều được lắp đặt với những thiết bị hiện đại hàng đầu.
Đường hầm này là tuyến đường giao thông trọng yếu ở khu vực phía Đông của thành phố, bởi vậy nó được thiết kế để phục vụ 45.000 ô tô và 15.000 xe máy lưu thông mỗi ngày.
Không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối giao thông và phát triển kinh tế, hầm còn góp phần quan trọng đời sống văn hóa, giải trí của người dân. Vào mỗi buổi chiều tà, những người dân thường xuyên tụ tập tại đây để thưởng ngoạn hoàng hôn trên sông, tổ chức những buổi picnic và tận hưởng không khí vui vẻ bên người thân và bạn bè.
Đời sống & pháp luật