MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công trình trồng rau an toàn tiền tỉ từ nguồn vốn ODA bị bỏ hoang phế

Công trình xây dựng nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP-BDP) trên địa bàn TP.HCM với kinh phí hơn 59 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA do Sở NNPTNT TP.HCM làm chủ đầu tư.

Trong đó, mô hình sản xuất rau muống nước an toàn ở ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 5,5 tỉ đồng hiện nằm phơi nắng, phơi mưa khiến công trình xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí.

Đề án “một đàng” làm “một nẻo”

Theo các nông dân xã Bình Mỹ, khi những công nhân cuối cùng của công trình xây dựng của dự án QSEAP-BDP tại ấp 5, xã Bình Mỹ “rút đi” thì xã có thêm một con đường trải nhựa dài 1,5km, rộng 3,5m, 4 cây cầu bê tông dài 10m, rộng 3,5m; ba nhà sơ chế phục vụ cho vùng rau muống này với diện tích mỗi cái khoảng 6m2; hai giếng nước kết hợp với đài phun và một số thùng đựng nước và khay rửa rau còn vứt lại ở văn phòng ấp… “Các anh, chị đã thấy đó, con đường này mới sử dụng khoảng hơn một năm nay mà đã bị bong tróc hết lớp nhựa, một số đoạn đã xuất hiện ổ gà lớn. Hai cái giếng nói là khoan ở độ sâu 40 – 250m, hoành tráng thế nhưng làm để bỏ đó, nước bơm lên có sử dụng được vào việc gì đâu, lãng phí quá. Nhưng nghe nói, Ban quản lý (BQL) dự án QSEAP-BDP đã bàn giao cho UBND xã Bình Mỹ quản lý, vận hành. Không biết, xã có cho nghiệm thu “đàng hoàng” không mà lại nhận bàn giao một dự án chưa hoàn thành”, nông dân tên T đặt câu hỏi.

Anh nông dân tên Nam (tên đã được thay đổi) nhà ở gần giếng nước số 2, vừa múc từng gáo nước từ chiếc lu ra để rửa sạch mấy bó rau muống vợ anh mới cắt từ ruộng vừa lên tiếng: “Nhà sơ chế rau do nhà nước làm quá nhỏ, diện tích chưa tới 6m2/cái, không phù hợp với thực tế. Hơn nữa cả vùng quy hoạch rau muống an toàn ở đây rộng gần 20 ha, mà chỉ có ba nhà sơ chế, thử hỏi nếu có vận hành được thì ai sẽ được dùng, còn ai ngồi ngắm. Mang tiếng là vùng sản xuất rau an toàn, được đầu tư tiền tỉ nhưng nông dân có được thụ hưởng gì từ dự án này đâu? Chúng tôi vẫn phải tự lực 100% từ sản xuất, tìm nguồn nước sạch đến khâu phân phối, tiêu thụ”.

Dự án vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP.HCM, căn cứ theo QĐ số 1494/QĐ/UBND ngày 28.3.2013 của UBND TP.HCM nhằm góp phần đảm bảo an toàn sản phẩm nông nghiệp, tăng năng suất và hiệu quả mạng lưới tiêu thụ bằng cách giảm tổn thất sau thu hoạch do yếu kém hoặc thiếu về điều kiện cơ sở hạ tầng gây ra; nâng chất lượng an toàn trên sản phẩm rau, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, dự án chỉ mới làm được một phần, làm chưa tới nơi tới chốn thì được bàn giao lại cho xã quản lý nhưng nhiều hạng mục chưa hoàn thiện nên cũng chẳng sử dụng được đành bỏ hoang phế.

Đổ thừa cho dân không hợp tác!

Lý giải điều này, ông Phạm Đình Hiệp, Giám đốc BQL dự án QSEAP- BPD thuộc Sở NNPTNT TP.HCM cho hay: “Theo kế hoạch ban đầu dự án xây dựng vùng rau muống an toàn tại ấp 5, xã Bình Mỹ, có 9 nhà sơ chế, thế nhưng khi bắt tay thực hiện thì chủ đất ở đây lại không hợp tác, không chịu hiến đất. BQL dự án đã nhiều lần có văn bản gửi UBND xã Bình Mỹ yêu cầu bàn giao đất nhưng xã cũng không làm được. Vì vậy, chúng tôi chỉ xây dựng được ba nhà sơ chế, hai giếng nước”. Đồng thời ông Hiệp thừa nhận, hiện các nhà sơ chế rau này đang bị bỏ hoang.

Về con đường giao thông (T1) vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, bong tróc, ông Hiệp cho rằng, trong lúc khảo sát thấy rằng tuyến đường chủ yếu các xe tải trọng nhỏ lưu thông nên BQL đề xuất làm đường nông thôn với tải trọng dưới 2,5 tấn. Nhưng khi hoàn thành thì nhiều xe tải hạng nặng vào lưu thông khiến con đường nhanh chóng xuống cấp. Ngày 15.11.2015, chúng tôi đã yêu cầu Cty CP Xây lắp Sonacons (đơn vị thi công công trình) bảo hành. Nhưng, lỗi chính vẫn là ở lãnh đạo UBND xã Bình Mỹ. BQL đã làm sẵn biển cấm xe trên 5 tấn lưu thông giao cho xã, đề nghị gắn biển cấm xe nhưng xã không làm thì chúng tôi làm sao cấm xe được – ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, BQL QSEAP-BPD từng kiến nghị: UBND xã Bình Mỹ có kế hoạch sử dụng tuyến đường T1 theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, lập biển báo cấm các loại xe có tải trọng trên 10 tấn lưu thông trên đường. Còn hệ thống lọc nước của các giếng khoan vẫn còn nhiễm phèn, BQL cũng đã yêu cầu Cty CP điện Rạng Đông (đơn vị thi công) khắc phục sửa chữa. Ông Hiệp cho rằng, điểm sơ chế rau, nhà vệ sinh và toàn bộ trang thiết bị đều được BQL QSEAP-BPD bàn giao cho xã Bình Mỹ quản lý.

Câu hỏi chúng tôi đặt ra, trước khi thực hiện dự án, các ban ngành liên quan đã đi khảo sát nhiều tháng mới thực hiện. Vậy tại sao khi triển khai lại không thực hiện được như đồ án. Ông Hiệp cho hay: “Đúng là Sở NNPTNT TP.HCM và BQL, huyện, xã triển khai dự án đã khảo sát rồi mới thống nhất thực hiện. Nhưng chính quyền địa phương không làm hết trách nhiệm thì chúng tôi đâu buộc người dân hợp tác với mình được”(!?).

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, sở đã cử đoàn khảo dự án QSEAP-BPD tại xã Bình Mỹ. Từ khảo sát thực tế cho thấy, tuyến đường tại ấp 5, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi đã được BQL QSEAP-BPD bàn giao cho UBND xã Bình Mỹ từ ngày 24.10.2014. Nhưng sau một thời gian sử dụng đã xuất hiện một số vị trí vị trí hư hỏng cục bộ gây mất cảnh quan và an toàn cho người dân tham gia lưu thông. Sở NNPTNT đã đề nghị: UBND xã Bình Mỹ có kế hoạch duy tu lại, đồng thời lập biển báo tải trọng, cấm các loại xe có tải trọng trên 5 tấn. Ba điểm sơ chế, nhà vệ sinh và trang thiết bị đi kèm, cũng đã bàn giao cho UBND xã Bình Mỹ. Về giếng nước, BQL dự án cũng đã yêu cầu nhà cung cấp thiết bị khắc phục.

Theo Đăng Hải

Lao động

Trở lên trên