Công ty bảo hiểm nào có doanh thu bán hàng từ ngân hàng cao nhất hiện nay?
Bancassurance đang ngày càng đóng góp nhiều hơn vào doanh số bán hàng của các công ty bảo hiểm, chiếm 39% doanh thu phí khai thác mới. Trước đó, trong năm 2020, tỷ trọng đóng góp của Bancassurance là 31%.
- 19-01-2022Thống đốc NHNN: Xử lý nghiêm trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm khi cấp tín dụng
- 04-01-2022Ngân hàng thu ngàn tỷ nhờ bán bảo hiểm
- 28-12-2021Nhìn lại ngành bảo hiểm năm 2021
Trong báo cáo ngành báo hiểm mới đây, Chứng khoán SSI cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm tại thị trường Việt Nam đạt 151,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ (trong khi cùng kỳ năm 2020 tăng 17%) chủ yếu do mức tăng rất mạnh trong 6 tháng 2021 với điều kiện vĩ mô thuận lợi.
Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đạt lần lượt 110 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ) và 41,7 nghìn tỷ đồng (tăng 1,8%). Bancassurance tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào doanh số bán hàng (chiếm 39% doanh thu phí khai thác mới). Trước đó, trong năm 2020, tỷ trọng đóng góp của Bancassurance là 31%.
Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2021 ước tính đạt 215 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, thấp hơn năm 2020 và mức trước Covid.
Các công ty bảo hiểm mạnh về mảng bán buôn giành thêm thị phần trong năm qua. Trong khi mảng bán lẻ (bảo hiểm tai nạn con người, xe máy) chịu ảnh hưởng (giảm 5,7% so với cùng kỳ), mảng thương mại (bảo hiểm tài sản và thiệt hại - P&C, bảo hiểm hàng hóa, hàng hải,…) tăng 13,8% so với cùng kỳ sau nhiều năm trầm lắng. Dòng bảo hiểm thương mại tăng trưởng khá một phần là xuất phát từ giá hàng hóa và cước phí vận chuyển tăng, dẫn đến số tiền bảo hiểm làm căn cứ để tính doanh thu phí bảo hiểm gia tăng.
Theo đó, một số công ty bảo hiểm bán lẻ (BVGI, PTI, PGI) đã mất thị phần trong năm. Ngược lại, PVI đã rút ngắn khoảng cách với BVGI trong năm 2021 và thứ hạng có thể sẽ tiếp tục thay đổi trong 2022 nếu xu hướng này tiếp diễn trong những quý tới.
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Manulife, SunLife và MBAgeas Life là những công ty giành được nhiều thị phần nhất trong 9 tháng đầu năm 2021. Trong Top 5, Manulife là công ty bảo hiểm duy nhất giành thêm được thị phần. Công ty đã giành vị trí thứ 2 từ Prudential trong 2021, với tiềm năng trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong tương lai gần. Các công ty khác trong Top 5 đều có mức giảm thị phần lớn nhất về doanh thu phí bảo hiểm và doanh thu phí khai thác mới.
Prudential là công ty bảo hiểm có doanh thu phí khai thác mới trên kênh bancassurance cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2021. Hiện công ty bảo hiểm này đang hợp tác với VIB, MSB, SSB, Standard Charter bank, PVCombank, Shinhan Bank. Tiếp theo là Dai-ichi Life, Manulife,...
Mặc dù tăng trưởng doanh thu chậm lại, lợi nhuận vẫn mạnh mẽ nhờ lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm cải thiện. Lợi nhuận các công ty BH niêm yết tăng 25,9% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 do lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm cải thiện đáng kể. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp trong 2021 đều ở mức thấp chưa từng có do không có/ hoãn yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Việc xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của các công ty bảo hiểm tạo tâm lý tích cực cho cổ phiếu ngành này. Trước đây, mặc dù không có giới hạn cụ thể về tỷ lệ FOL tại các công ty bảo hiểm nhưng cũng chưa có văn bản chính thức nào đề cập đến mức room cụ thể đối với ngành bảo hiểm.
Trong tháng 8/2021, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành Bảo hiểm là 100%.
Động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (BMI, PTI, PGI). Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) lên 100% (PTI, PVI, PRE) và 49% (BVH). Trong tháng 12, VN Post đã thoái vốn toàn bộ 22,7% cổ phần tại PTI.
SSI cho rằng, thông tin xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã có tác động lớn hơn đến định giá của cổ phiếu bảo hiểm so với thông tin về tăng trưởng lợi nhuận. Tăng trưởng lợi nhuận ngành ở mức tốt trong cả quý 1/2021 và quý 3/2021. Tuy nhiên, cổ phiếu bảo hiểm (trừ BVH) chỉ vượt trội hơn VNIndex trong quý 3/2021 – thời điểm xác nhận tỷ lệ FOL. Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của BVH đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 51% nhưng giá cổ phiếu giảm.