Công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo quý 3/2023: Lãi tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, dư nợ margin tăng hơn 1.200 tỷ
Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT và LNST lần lượt đạt 515 tỷ đồng và 411 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022.
CTCP Chứng khoán MB (mã MBS) đã công bố BCTC quý 3/2023, ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 539 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Trong đó đáng chú ý là doanh thu môi giới tăng trưởng 42% lên 214 tỷ đồng, đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu. Trong khi đó, lãi cho vay và phải thu đạt 185 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Khoản lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng mạnh 78% lên xấp xỉ 50 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) giảm 18% xuống 26 tỷ đồng.
Ở phần chi phí, tổng chi phí hoạt động ghi nhận tăng 14% lên 173 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí môi giới với 151 tỷ đồng. Chi phí quản lý CTCK tăng 82% so với quý 3/2022, lên mức 55 tỷ đồng. Chi phí tài chính ghi nhận 103 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, MBS báo lãi sau thuế quý 3/2023 đạt 166 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của MBS giảm 18% xuống còn 1.276 tỷ đồng. LNTT và LNST lần lượt đạt 515 tỷ đồng và 411 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, MBS đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng. So với kế hoạch, công ty đã hoàn thành khoảng 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 30/9/2023, hoạt động tự doanh của MBS ghi nhận giá trị tài sản FVTPL đạt gần 1.012 tỷ đồng, tăng nhẹ 45 tỷ đồng so với cuối quý 2. Trong đó cổ phiếu niêm yết gần 29 tỷ đồng với các mã như ACB, SSI, DIG, CTG, VCG, VND,…., hầu hết có lãi hoặc chỉ lỗ nhẹ. Ngoài ra doanh mục FVTPL có hơn 810 tỷ đồng là chứng chỉ tiền gửi, gần 201 tỷ đồng trái phiếu niêm yết.
Tài sản tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) của MBS ghi nhận 2.434 tỷ đồng bao gồm tiền gửi có kỳ hạn và 666 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Đồng thời, MBS còn có hơn 1.764 tỷ đồng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) với 118 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết như CTCP Cảng Tân Cảng Hiệp Phước, TCT Công nghệ Năng lược Dầu khí, Chế biến thủy sản út Xi, Công nghiệp cao su COECCO, Viet Lotus,… và 1.331 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết.
Dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán tại cuối quý 3 của MBS đạt 6.541 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ so với cuối quý 2, trong đó 6.367 tỷ đồng là cho vay margin.
Quý 3 vừa qua, theo công bố từ HoSE, MBS đã vươn lên vị trí TOP 5 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo. MBS đạt thị phần 5,09%, cải thiện nhẹ so với mức 4,85% trong quý trước.
Nhịp Sống Thị Trường