Công ty chứng khoán: Hết thời lãi khủng
Vào mùa đại hội cổ đông, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các công ty chứng khoán (CTCK) đã lộ diện. Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu thận trọng sau năm 2022 kém thuận lợi. Tuy nhiên, cũng không ít công ty tự tin với kế hoạch tăng trưởng bằng lần, mở rộng quy mô, chia lại thị phần.
- 17-04-2023Đem hơn 5.700 tỷ đồng gửi ngân hàng, một công ty chứng khoán báo lãi quý 1 giảm 31%
- 14-04-2023Ngay trước thềm Đại hội cổ đông, một công ty chứng khoán bất ngờ lên kế hoạch chào bán riêng lẻ và phát hành ESOP với giá cao hơn nhiều thị giá
- 12-04-2023Công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo quý 1/2023, lợi nhuận sụt giảm 43% so với cùng kỳ năm trước
Dự kiến lãi thụt lùi
Những cái tên vốn hoá lớn, dẫn đầu thị phần như SSI, VND… đều đi lùi. Bản thân các CTCK cũng lỗ nặng do đầu tư cổ phiếu. Như SSI, quý 4/2022, danh mục tự doanh đang phải gánh lỗ cho khoản đầu tư vào HPG, SGN, VPB. Năm 2022, dù báo lãi hơn 2.110 tỷ đồng, lợi nhuận của SSI vẫn kém con số 3.365 tỷ đồng năm 2021.
Với VNDirect, nghiệp vụ tự doanh không còn mang về lợi nhuận “khủng” như các năm trước đó. Sau khi khấu trừ đi các khoản chi phí tự doanh, VNDirect chỉ mang về được vỏn vẹn 83 tỷ đồng, trong khi đó, số lãi năm ngoái lên tới 600 tỷ đồng.Ngoài ra, chi phí lãi vay tăng cao cũng gây áp lực cho doanh thu và lợi nhuận của VNDirect. Quý 4/2022, VNDirect báo lỗ sau thuế 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 837 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, VNDirect báo lãi giảm mạnh hơn 1.100 tỷ đồng chỉ còn 1.220 tỷ đồng.
Sau 2 năm phát triển “nóng”, kết quả kinh doanh năm 2022 cho thấy, các CTCK có thể đã bước qua đỉnh lợi nhuận. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các CTCK cũng phân hoá mạnh. Sau năm 2022 chỉ hoàn thành gần 70% chỉ tiêu lợi nhuận, mục tiêu của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong năm 2023 tiếp tục “đi lùi”. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6%; doanh thu dự kiến đạt 3.246 tỷ đồng, chỉ tăng 2,8% so với năm 2022.
Chứng khoán FPT (FPTS) dự kiến có năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận âm khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 420 tỷ đồng, giảm hơn 34% so với năm 2022. Tỷ lệ giữa lãi trước thuế trên vốn điều lệ năm 2023 dự kiến giảm còn 19,6%, từ mức 32,7% năm trước. Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cũng đặt chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 "đi lùi" so với năm trước, doanh thu giảm 39% xuống 23,5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 5% xuống 12 tỷ đồng.
CTCK nhỏ tham vọng tăng trưởng mạnh
Theo tài liệu họp đại hộ cổ đông của các CTCK, nhiều doanh nghiệp tự tin trình kế hoạch tăng trưởng bằng lần trong năm nay. Trong đó, các CTCK trong hệ sinh thái ngân hàng đặt mục tiêu tương đối tham vọng. Chứng khoán BIDV (BSC) đó có kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, gấp gần 4 lần thực hiện năm 2022 (149 tỷ đồng). Công ty cũng đặt mục tiêu lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE năm 2023. Ngoài ra, hệ số an toàn tài chính dự kiến tối thiểu 260%.
Theo ban lãnh đạo BSC, kinh tế vĩ mô Việt Nam đối diện nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng xảy ra. Song, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.
Lợi nhuận 74 CTCK chưa bằng một ngân hàng lớn
Năm 2022, cùng với sự lao dốc của thị trường chứng khoán, việc kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó. Theo dữ liệu của VietstockFinance, quý 4/2022, 74 CTCK đạt tổng lợi nhuận sau thuế 1.576 tỷ đồng, giảm 43, 5% so với quý liền trước và giảm tới gần 82% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2022, khối CTCK thu về khoản lãi ròng 13.224 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả 25.475 tỷ đồng ở năm 2021.
Chứng khoán MB (MBS) đặt chỉ tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 900 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó MBS đặt mục tiêu vào top 5 thị phần môi giới trong năm nay, trước đó công ty đã để tụt hạng trên bảng thị phần môi giới HOSE năm 2022.
Một công ty cũng thuộc hệ sinh thái của ngân hàng khác là VietinBank Securities (CTS) đã thông qua kế hoạch 2023 đầy tự tin với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 230 tỷ đồng, gấp gần 3 lần thực hiện năm trước.
CTS cũng đánh giá thị trường năm nay vẫn còn áp lực điều chỉnh, song công ty sẽ có các giải pháp hướng tới việc mở rộng thị phần, gia tăng hoạt động môi giới, tăng dư địa cho vay ký quỹ và đặc biệt tập trung phát triển mảng M&A. Đặc biệt, CTS cho biết sẽ tận dụng lợi thế từ ngân hàng mẹ (VietinBank) để nắm bắt xu hướng M&A khi doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh thâu tóm. Các định hướng chính là tư vấn chuyển nhượng, tư vấn thu xếp vốn quốc tế và dịch vụ chứng khoán cho khách hàng quốc tế.
Chứng khoán VIX (VIX) lên kế hoạch 676 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 540 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 80% và 73% so với thực hiện năm 2022. Chứng khoán Mirae Asset đề ra mục tiêu doanh thu 2023 ở mức 2.763 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 3% lên 852 tỷ đồng. CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) thì đặt chỉ tiêu doanh thu 2.831 tỷ đồng, tăng 34% nhưng lợi nhuận trước thuế 230 tỷ đồng, tăng tới 31% so với năm ngoái.
Tiền phong