Công ty môi giới BĐS 200 người chỉ còn 20 người đi làm, khó chốt được khách: Bỏ đi làm shipper, TikToker kiếm thêm
Môi giới BĐS đã trải qua một giai đoạn bấp bênh trong công việc và thu nhập.
- 19-08-2023Xe điện siêu nhỏ VF3 của VinFast xuất hiện lần đầu tại TP.HCM
- 19-08-2023Bán những món đồ xa xỉ 'superfake' là một tội ác
- 19-08-2023Ngắm ngôi nhà miền núi với thiết kế sàn hình elip đặc biệt
Thị trường BĐS trong năm qua đã trải qua khá nhiều biến động. Không ít nhân viên môi giới BĐS rời bỏ ngành, một số công ty cắt giảm nhân viên đến mức tối đa, thu nhập được cho là khá thấp so với nhiều năm trước. Vậy đội ngũ môi giới BĐS vẫn đang bám trụ với ngành đã làm gì để duy trì cuộc sống của mình?
Nhân sự công ty BĐS giảm đến 90% chỉ sau 1 tuần
Ngọc Linh (25 tuổi), đang là chuyên viên BĐS cho 1 doanh nghiệp khá có tiếng, chia sẻ rằng tháng 2 vừa rồi, khi thị trường BĐS rơi vào thời điểm biến động nhất, công ty của cô bạn đang từ 200 nhân sự sales sau 1 tuần giảm xuống chỉ còn 20 người đi làm. Nhìn chung, trong giai đoạn này, phần lớn môi giới BĐS đều nghỉ và chuyển sang ngành nghề khác do tâm lý chung và hiệu ứng của thị trường.
Ngọc Linh
Đồng quan điểm với Ngọc Linh, Minh Phương (29 tuổi, môi giới BĐS) cho rằng hiện tại thị trường BĐS ở một vài loại hình đang trong giai đoạn khó khăn, ít dự án mới, giá cao khó tiếp cận. Một vài công ty cắt giảm phần lớn nhân sự, một số môi giới bỏ nghề đi tìm công việc khác. Một vài đồng nghiệp của Minh Phương đã chuyển qua làm người giao hàng (shipper), xe ôm công nghệ để duy trì cuộc sống.
Tuy nhiên ở một vài loại hình BĐS có giá trị thực (chung cư, nhà ở thổ cư,...) vẫn có giao dịch đều vì người dân luôn có nhu cầu mua nhà ở. Ví dụ, thị trường chung cư chuyển nhượng hoặc nhà mặt đất trong ngõ vẫn phát sinh mua bán khá đều đặn, mặc dù có thể không bùng nổ như những năm trước.
Giai đoạn này đòi hỏi cá nhân môi giới BĐS phải kiên trì và thực sự quyết tâm nếu muốn gắn bó với nghề. Bởi vì chẳng hạn trước đây tỉ lệ chốt khách là 1/10 (chăm sóc 10 khách hàng, có 1 người mua BĐS), hiện tại tỷ lệ này giảm xuống còn 1/20. Môi giới BĐS phải tăng thời gian làm việc cũng như lượng công việc lên gấp đôi nếu muốn duy trì mức thu nhập như ở thời điểm thị trường tốt.
Song theo Minh Phương, việc này cũng rất khó. Các chi phí phát sinh tăng theo bao gồm tiền đăng tin, quảng cáo, marketing, chi phí di chuyển, tiếp khách,… Vì vậy môi giới BĐS thường tìm kiếm những nguồn thu nhập khác. Chẳng hạn, kết hợp với các môi giới khác, cùng trao đổi về sản phẩm hoặc khách hàng để tăng tỷ lệ giao dịch. Liên kết với các ngân hàng khi khách có nhu cầu vay vốn, hoặc hợp tác cùng các đơn vị thi công xây lắp đặt nội thất khi khách chuyển về nhà mới,... Những việc này giúp môi giới BĐS kiếm thêm hoa hồng tùy vào số tiền khách hàng vay hoặc giá trị sản phẩm bạn giới thiệu được. Song, các nguồn thu nhập kể trên cũng khá bấp bênh. Bởi vì một khi đã không bán được nhà, liên kết các dịch vụ khác cũng không thể thực hiện.
Minh Phương
Dù vậy, cả Minh Phương và Ngọc Linh vẫn cho rằng môi giới BĐS là ngành nghề có tiềm năng trong tương lai. “Ngành BĐS có thể cho bạn một mức thu nhập tốt, không giới hạn và khá linh động về mặt thời gian. Ngoài ra, khi làm việc trong ngành này, mình học hỏi được rất nhiều kiến thức và kỹ năng như giao tiếp, đàm phán và kiến thức về kinh tế, thị trường, đầu tư,...Trong tương lai, khi thị trường hồi phục, mình tin môi giới BĐS sẽ là ngành nghề thu hút nhiều nhân lực”, Ngọc Linh chia sẻ.
Xây dựng nghề tay trái, dành thời gian đi học
Cũng giống như nhiều môi giới BĐS khác, Minh Phương đã làm thêm một vài nghề tay trái. Cụ thể, anh chàng sáng tạo nội dung bằng video trên các nền tảng MXH và vận hành một cửa hàng online nhỏ xinh. Được biết trước đây, sáng tạo nội dung đối với Minh Phương là thú vui, không quá đặt nặng câu chuyện kiếm tiền.
“Tuy nhiên sau khi làm một thời gian mình thấy đây có thể trở thành một nguồn thu nhập cho bản thân. Cộng thêm vào thời điểm 1 năm trước, mình nhận thấy thị trường BĐS bước vào giai đoạn khó khăn, thu nhập phần nào bị tác động, nên mình mới thực sự nghiêm túc tìm hiểu và đầu tư nhiều thời gian hơn vào việc làm video”.
Đối với Minh Phương, sau khi trải qua 1 năm đầy biến động, anh chàng thấy rằng đa dạng thu nhập rất cần thiết. Nó đem lại cảm giác an toàn cho bản thân mình. “Trước đây khi lâu không phát sinh giao dịch từ BĐS, mình cảm thấy rất áp lực, tâm lý nặng nề lúc làm việc, hiệu quả công việc bị ảnh hưởng. Song, khi có thêm nghề tay trái, mình có thể yên tâm rằng những hóa đơn sinh hoạt đã có khả năng chi trả, giải phóng tâm lý khiến công việc suôn sẻ hơn”.
Cũng giống như Minh Phương, Ngọc Linh có một số nghề tay trái đó là đầu tư chứng khoán và tham gia một số dự án marketing. Gần đây, cô bạn đã quyết định học thạc sĩ tại một người trường kinh tế có tiếng ở Hà Nội. “Mình đưa ra quyết định này trong thời gian khá nhanh. Có 2 lý do chính khiến mình lựa chọn như vậy. Thứ nhất, bởi vì thời điểm cách đây 6 tháng, thị trường BĐS đột nhiên đi xuống, nhà đầu tư, khách hàng hầu như ngừng giao dịch đồng nghĩa với việc môi giới BĐS như mình có rất nhiều thời gian rảnh. Còn lý do thứ hai đó là mình muốn trau dồi thêm kiến thức về quản lý, với mình “tri thức" rất quan trọng”.
Thu nhập từ các nghề tay trái không hẳn ổn định, song nó giúp Ngọc Linh giảm thiểu nỗi lo về câu chuyện sinh hoạt hàng ngày. “Còn để thoải mái chi tiêu thì giai đoạn này khá khó khăn, bản thân mình vẫn là người trẻ, ra trường và đi làm được 3 năm. khoản tích lũy về mặt tài chính chưa có nhiều. Bởi vậy giai đoạn này bản thân mình đang cố gắng chi tiêu ở mức hợp lý nhất”.
Phụ nữ số