MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty tài chính chưa phải “đối thủ” của ngân hàng!

29-03-2017 - 07:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các công ty tài chính hiện chỉ tương đương mức của một ngân hàng nhỏ nhất trong hệ thống.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Gần đây, việc các công ty tài chính đẩy lãi suất huy động lên cao ở mức trên dưới 10%/năm qua chứng chỉ tiền gửi, đúng lúc các ngân hàng thương mại cũng đẩy lãi suất sản phẩm này lên trên dưới 9%/năm đã làm dấy lên lo ngại, phải chăng nhóm công ty tài chính đang là đối thủ cạnh tranh khiến các ngân hàng phải bận tâm trong cuộc đua về vốn?

Trả lời câu hỏi này tại buổi Giao lưu trực tuyến về “Đường đi lãi suất” do Báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp với trang tin tài chính CafeF.vn tổ chức chiều 28/3, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng cần phải phân tích rõ về bản chất của công ty tài chính trong việc huy động vốn và cho vay.

Hiện nay, theo luật công ty tài chính không được huy động tiền gửi từ dân cư, họ chỉ được phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi đối với tổ chức. Tuy nhiên, trái phiếu thì rất khó bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh nên không dễ gì các công ty tài chính huy động được nhiều.

“Tôi cho rằng các công ty tài chính đẩy lãi suất lên là hiện tượng không đáng quan ngại vì quy mô của công ty tài chính hiện còn rất nhỏ bé so với các tổ chức tín dụng Việt Nam. Số liệu mà chúng tôi tổng hợp cho thấy tổng huy động của nhóm công ty này chỉ khoảng 40 nghìn tỷ, tức chiếm khoảng 0,7% tổng lượng vốn huy động toàn hệ thống tổ chức tín dụng”, ông Lực nói.

Ông Lực đồng thời so sánh, lượng vốn mà các công ty tài chính hiện nay huy động chỉ ngang với mức huy động của một ngân hàng nhỏ nhất hệ thống nên họ không thể trở thành đối thủ cạnh tranh vốn với các nhà băng.

“Chúng tôi ước tính trong quý đầu năm nay các công ty tài chính chỉ phát hành (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi – PV) huy động được khoảng 500 - 700 tỷ trong khi cả khối ngân hàng lên đến hơn 200 nghìn tỷ”.

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn bổ sung thêm rằng, xét về góc độ cho vay với nhiều rủi ro hơn, quy mô lại nhỏ và mức độ biến động cao hơn nên họ phải trả lãi suất cao hơn cho các đối tượng gửi tiền là điều tất yếu.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng quy mô của các công ty tài chính còn quá nhỏ, lĩnh vực hoạt động lại khác nhau, tính cạnh tranh cũng không lớn nên không thể xem là yếu tố tạo áp lực hay cạnh tranh với nhóm ngân hàng về huy động vốn.

Đề cập đến câu chuyện phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng và công ty tài chính với lãi suất cao hơn so với trước xuất phát từ nguyên nhân gì, các chuyên gia tham gia tọa đàm đều đề cập đến Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, thông tư 06 quy định từ năm nay hệ thống ngân hàng chỉ được phép dùng 50% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. Còn các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 200% trước thời điểm tháng 7/2006 xuống còn 100%, rồi xuống tiếp 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018. Yêu cầu đó buộc các ngân hàng và công ty tài chính phải chuẩn bị nguồn vốn trung – dài hạn để đảm bảo tỷ lệ này, và chứng chỉ tiền gửi – với bản chất là sản phẩm tiền gửi dài hạn – là lựa chọn tối ưu.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên