MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty tiên phong khai thác dầu khí đá phiến Chesapeake Energy phá sản: Lời cảnh báo cho ngành năng lượng

02-07-2020 - 14:21 PM | Doanh nghiệp

Thời đỉnh cao, Chesapeake được định giá tới 38 tỷ USD (Ảnh: Securities Research Company)

Cuối tháng 6/2020, nối tiếp động thái hãng dầu khí BP công bố ghi nhận giảm tới 17.5 tỷ USD các tài sản liên quan đến dầu khí, Chesapeake Energy, một công ty sản xuất dầu, khí tự nhiên và các sản phẩm hóa lỏng từ đá phiến nổi tiếng ở khu vực Oklahoma, Hoa Kỳ cũng đã sẵn sàng để điền vào đơn phá sản. 

Nhắc đến Chesapeake Energy, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đội bóng rổ nổi tiếng ở thành phố Oklahoma là Thunders, khi hãng năng lượng này là nhà tài trợ tên sân của đội bóng trong nhiều năm qua. Được thành lập từ năm 1989 bởi Aubrey McClendon và Tom Ward, với tên của công ty để thể hiện tình yêu với vịnh Chesapeake của người sáng lập.

Năm 2019, công ty có lượng sản xuất tương đương 484 nghìn thùng dầu mỗi ngày, trong đó phần lớn là khí đốt tự nhiên (chiếm 69% tổng lượng sản xuất), đạt doanh thu 8.6 tỷ USD nhưng lợi nhuận lại ở mức âm 300 triệu USD. Công ty đứng thứ 309 trong bảng xếp hạng Fortune 500, nhưng cũng nằm trong top 100 công ty gây ô nhiễm môi trường hàng đầu thế giới.

Chesapeake là một trong những công ty hàng đầu của ngành dầu đá phiến Mỹ và cũng là một trong các doanh nghiệp có nhiều tai tiếng nhất. Đầu tiên phải kể đến việc họ hủy bỏ hàng trăm hợp đồng thuê đất tại bang Michigan, sau khi giành được quyền khai thác dầu khí tại khu vực này, khiến họ phải bỏ ra 25 triệu USD để dàn xếp với các chủ đất.

Họ cũng liên quan tới gây ô nhiễm môi trường khi một công ty con của Chesapeake bị buộc tội xả thải vào suối và đầm lầy; công ty phải chi ra 6.5 triệu USD để khắc phục hậu quả. Ông chủ của công ty là McClendon cũng dính dáng tới việc gian lận trong quá trình đấu thầu thuê đất, khi được cho là đã dàn xếp với các công ty khác nhằm giành chiến thắng.

Công ty tiên phong khai thác dầu khí đá phiến Chesapeake Energy phá sản: Lời cảnh báo cho ngành năng lượng - Ảnh 1.

Một trong hai đồng sáng lập của công ty – McClendon đã dính líu tới gian lận về thao túng giá thuê đất (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh những tai tiếng nói trên, cách phát triển công ty của Chesapeake cũng có nhiều vấn đề mà cuối cùng đã dẫn tới việc họ phải điền vào đơn phá sản trong vài ngày tới đây. Là một công ty đi tiên phong với tham vọng rất lớn, vào năm 2006, thời điểm đồng sáng lập Tom Ward tách ra và thành lập SandRidge Energy, Chesapeake đã chi trung bình 1 tỷ USD mỗi năm để giành quyền khai thác dầu từ Texas tới Pennsylvania.

Trong khoảng thời gian 13 năm (từ 2000 đến 2013), công ty tăng sản lượng khai thác lên gấp 10 lần, đầu tư mạnh mẽ vào việc vận chuyển khí tự nhiên và mở rộng khai thác, sản xuất ra ngoài nước Mỹ. Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, công ty được so sánh với Exxon và có mức định giá lên tới 38 tỷ USD.

Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, khi công ty chỉ tạo được dòng tiền dương 2 năm trong tổng số 30 năm hình thành và phát triển, cho thấy sự phồn thịnh là hoàn toàn giả tạo. Khi sản lượng khí đốt từ các mỏ đá phiến mới khai thác tràn ngập thị trường và giá cả sụt giảm vì nguồn cung dư thừa, Chesapeake đã phải vật lộn để tìm nhà đầu tư mới hoặc tìm kiếm các đối tác để vay nợ nhằm có tiền mặt phục vụ sản xuất kinh doanh.

Vào năm 2012, nợ ròng của doanh nghiệp đã gấp đôi quy mô của Exxon, một công ty có giá trị thị trường lớn hơn 27 lần. Chesapeake liên tục bị cảnh báo về vấn đề cạn kiệt tiền mặt, trong khi mức vay nợ luôn ở mức cao (lên tới 12 tỷ USD trong giai đoạn 2010 – 2014).

Công ty tiên phong khai thác dầu khí đá phiến Chesapeake Energy phá sản: Lời cảnh báo cho ngành năng lượng - Ảnh 2.

Khoản nợ khổng lồ của Chesapeake qua các năm (Ảnh: Bloomberg)

Những vấn đề nêu trên của Chesapeake đã dẫn đến sự sụt giảm về lợi nhuận chưa từng có trong quý 1 năm nay, khi mà nguồn cung dầu đã quá dư thừa; trong khi đó, dịch Covid – 19 khiến các ngành vận tải như hàng không phải dừng hoạt động làm nhu cầu sụt giảm mạnh. Tính đến ngày 31/3/2020, Chesapeake có lợi nhuận sau thuế ở mức âm 8.3 tỷ USD, một con số khổng lồ nếu so sánh với mức lỗ 346 triệu USD chỉ 3 tháng trước đó. Khoản nợ ròng của công ty vẫn ở mức 9.5 tỷ USD và là một con số vượt quá khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Công ty tiên phong khai thác dầu khí đá phiến Chesapeake Energy phá sản: Lời cảnh báo cho ngành năng lượng - Ảnh 3.

Lợi nhuận sụt giảm cùng khoản nợ khổng lồ đã đánh gục Chesapeake (Dữ liệu: SeekingAlpha)

Với việc mất khả năng chi trả cho khoản nợ khổng lồ của mình, ngày 16/6 vừa qua, công ty đã tuyên bố sẽ sớm phá sản sau khi không thể thanh toán một khoản nợ lãi cho các chủ nợ. Chesapeake đang trong giai đoạn hoàn thành đàm phán với các chủ nợ, với các kế hoạch tái cơ cấu sau khi điền vào đơn phá sản, dự kiến vào ngày thứ 5 tới đây.

Chủ nợ lớn nhất và quan trọng nhất của công ty là Franklin Resources sẽ tiếp quản và tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm xóa bỏ khoản nợ trị giá tới 7 tỷ USD. Tính đến ngày 16/6, giá cổ phiếu của công ty đang ở mức thấp kỷ lục là 15.36 USD và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa sau tin phá sản.

Công ty tiên phong khai thác dầu khí đá phiến Chesapeake Energy phá sản: Lời cảnh báo cho ngành năng lượng - Ảnh 4.

Cổ phiếu công ty giảm giá kỷ lục sau thông tin về việc doanh nghiệp ký đơn phá sản (Ảnh: Google Finance)

Như vậy sau hơn 30 năm hình thành và phát triển tiên phong trong ngành dầu đá phiến, những bê bối gian lận và những quyết định đầu tư sản xuất sai lầm của công ty đã dẫn họ tới bờ vực phá sản để có thể làm lại từ đầu.

Chesapeake có lẽ sẽ không phải là cái tên cuối cùng của ngành dầu đá phiến rơi vào cảnh phá sản, mặc dù nguồn cung dầu đã giảm và nhu cầu của các hãng hàng không đã bắt đầu trở lại, nhưng những chính sách phát triển không lành mạnh cùng với việc dịch Covid ở Mỹ vẫn đang lan rộng sẽ tiếp tục gây ra cái kết không mong muốn cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Phạm Tiến Đạt

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên