COO Indochina Capital: Để nền kinh tế Việt Nam phục hồi như trước Covid-19, cần khuyến khích người dân chi tiêu cho du lịch nội địa!
Indochina Capital vừa công bố khảo sát thói quen và sở thích của khách du lịch tại Việt Nam trong bối cảnh Covid, bao gồm một số yếu tố liên quan đến sức khỏe và an toàn có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi lưu trú.
- 07-10-2020"Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn: EVFTA mở cơ hội cho VIệt Nam thu hút 100 triệu du khách đến mua đồ hiệu miễn thuế
- 07-10-202060% tổng công suất điện mặt trời mái nhà của EVN đến từ khu vực phía nam
- 06-10-2020East Asia Forum: Người dân cũng như nền kinh tế Việt Nam là 'biểu tượng của sự kiên cường'
- 06-10-2020LG chọn Đà Nẵng để viết "câu chuyện mới" về nghiên cứu và phát triển điện tử
Khảo sát được thực hiện tháng 8/2020 trên 700 đối tượng với 90% là người Việt Nam và 10% là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, du lịch nội địa của Việt Nam đã tăng từ 57 triệu lượt khách đến 90 triệu khách. Đáng chú ý, người Việt ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho các kỳ nghỉ. Cụ thể, 99,7% người cho biết họ đi du lịch nội địa ít nhất một lần mỗi năm và 83,7% đi du lịch ít nhất hai lần mỗi năm.
Đặc biệt, khảo sát được thực hiện ngay sau làn sóng Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam. Tuy vậy, 68% người tham gia khảo sát cho biết họ mong muốn du lịch sớm phục hồi, trước hoặc trong quý IV/2020. Đây chính là minh chứng cho thấy người Việt sẵn sàng đi du lịch và tin tưởng vào những biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.
Du lịch cùng gia đình cũng là một hình thức du lịch phổ biến ở Việt Nam. Lý do là hầu hết cha mẹ Việt Nam đều muốn cho trẻ thử nghiệm mới, cơ hội để khám phá các nơi thú vị. Ngoài ra, 92% người được khảo sát sẽ chọn đi du lịch bằng hàng không, và thường chọn các địa điểm du lịch biển. Đà Nẵng, Đà Lạt và Nha Trang là những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất. Đối với du lịch thương mại, TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội là những địa điểm phổ biến nhất.
Khảo sát cũng chỉ ra xu hướng dẫn đầu của các kênh online – 64% khách du lịch có xu hướng sử dụng các kênh online, các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) để đặt phòng và 91% để ý tới quảng cáo online, digital từ các khách sạn.
Khảo sát cũng khẳng định du khách tại Việt Nam ưa chuộng các chuyến du lịch ngắn ngày, dưới 4 đêm nghỉ, và thời gian lưu trú đối với các chuyến công tác hầu hết không quá 2 đêm. Đối với giá phòng, 58% du khách sẵn sàng chi trả trên 1.500.000 VND/ đêm và chỉ 26% du khách sẵn sàng chi trả trên 2.000.000 VND/đêm. Đối với các chuyến đi công tác, con số này còn thấp hơn với 50% người sẵn sàng chi trả từ 500.000 - 1.500.000 VND/đêm. Chỉ 16% người sẵn sàng chi trả hơn 2.000.000 VND/đêm cho chuyến đi công tác của họ.
Đại dịch Covid-19 cũng đã tác động đến hành vi du lịch của du khách. Cụ thể, 90% người nhận định yếu tố sức khoẻ và an toàn là quan trọng khi chọn phòng trong chuyến tham quan. 1/3 người vẫn quan ngại khi đưa ra quyết định đi du lịch trong năm nay và một vài cho rằng họ sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình hình dịch bệnh.
94% du khách tin rằng khách sạn của họ cần phải có các khu vực khử trùng. Những yếu tố khác như nhà vệ sinh đáp ứng tiêu chuẩn, khu vực công cộng sạch sẽ, có quy định cụ thể về kiểm tra nhiệt độ, rửa tay cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nơi lưu trú của khách du lịch.
Giám đốc Điều hành Indochina Capital, ông Michael Piro chia sẻ: "Du lịch và bất động sản chắc chắn sẽ là hai ngành đóng góp mạnh mẽ, thúc đẩy phục hồi kinh tế cho Việt Nam. Để nền kinh tế có thể phục hồi như giai đoạn trước Covid-19, người dân cần được khuyến khích chi tiêu cho du lịch. Thị trường nội địa sẽ là động lực chính, đặc biệt khi việc mở cửa biên giới cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 đã nâng tầm vị thế của đất nước, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn. Với khảo sát này, chúng tôi chỉ ra những yếu tố nổi bật sẽ giúp các chủ khách sạn và chủ sở hữu bất động sản du lịch cải thiện lợi nhuận tài chính của họ".