Cột mốc đáng lo của nhiệt độ toàn cầu
Năm 2024 có nhiệt độ cao hơn 0,1 độ C so với năm 2023 và trở thành năm nóng kỷ lục mà con người từng ghi nhận.
- 12-12-2024Hà Nội sắp đón đợt rét đậm đầu tiên, nhiệt độ thấp nhấp 10 độ C
- 11-12-2024Tại sao máy bay luôn để nhiệt độ lạnh dù nhiều hành khách “kêu ca”?
- 10-12-2024Đón không khí lạnh mạnh, miền Bắc rét âm u suốt tuần, Hà Nội nhiệt độ thấp nhất 15 độ C
- 08-12-2024Hà Nội chìm sâu trong không khí lạnh, Miền Bắc rét đỉnh điểm, nhiệt độ thấp nhất chỉ 5 độ C
Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) hôm 10-1 cho biết.
Điều đáng lo là nhiệt độ trung bình năm 2024 cao hơn 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900).
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Anh ước tính nhiệt độ trung bình của năm 2024 cao hơn 1,53 độ C so với thời tiền công nghiệp, thấp hơn một chút so với con số C3S đưa ra.
Theo giới khoa học, năm 2024 là năm đầu tiên có nhiệt độ toàn cầu vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là giới hạn được đặt ra bởi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, liên quan đến các bất thường về nhiệt độ được tính trung bình trong ít nhất 20 năm.
Vì vậy, giới hạn này vẫn chưa bị phá vỡ nhưng các dữ liệu mới nói trên cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động của nhiệt độ toàn cầu.
Đáng chú ý, theo C3S, 44% bề mặt hành tinh chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng nhiệt từ mạnh đến cực đoan vào ngày 10-7-2024, một con số cao kỷ lục. Ngoài ra, ngày 22-7-2024 là ngày nóng nhất từng được ghi nhận.
Cũng trong năm ngoái, tổng lượng hơi nước trong khí quyển đã đạt mức cao kỷ lục - cao hơn khoảng 5% so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020 và cao hơn đáng kể so với năm 2023.
Bầu khí quyển ẩm bất thường đã làm tăng khả năng xảy ra mưa cực đoan và, khi kết hợp với nhiệt độ bề mặt biển cao, góp phần hình thành các cơn bão lớn. Theo một số nghiên cứu, sự kết hợp giữa nhiệt độ cực đoan và độ ẩm cao có thể ảnh hưởng đến 3,5 tỉ người vào năm 2070.
Giám đốc C3S Carlo Buontempo nói với Reuters rằng lượng khí thải nhà kính gia tăng đồng nghĩa thế giới đang trên đà sớm vượt qua mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhưng vẫn chưa quá muộn để các quốc gia nhanh chóng cắt giảm lượng phát thải nhằm tránh nhiệt độ tăng thêm đến mức thảm họa.
Trong khi đó, bà Diana Urge-Vorsatz, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nói với trang Euronews rằng thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa và tham vọng hơn ở nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như châu Âu đã rất thành công trong việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo như gió và mặt trời chỉ trong khoảng một thập kỷ.
Tuy nhiên, bà Urge-Vorsatz cho rằng nhu cầu năng lượng của thế giới đang tăng nhanh hơn tốc độ triển khai các nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng xe điện chậm hơn so với yêu cầu và nhiên liệu hóa thạch không bị loại bỏ đủ nhanh.
Năm ngoái chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây không ít thiệt hại trên thế giới, từ bão lũ, hạn hán, cho đến nắng nóng và cháy rừng. Khi những sự kiện này xảy ra ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn, cuộc sống và sinh kế của con người đang bị đe dọa.
Vì thế, diễn biến trên là lời nhắc nhở rằng việc thích ứng với thực tế của biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng, nhất là cần chuẩn bị cho các hiện tượng như lũ lụt, hạn hán và nắng nóng cực đoan.
Anh Thư - Xuân Mai