Covid-19 là cú hích cho thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán nội địa qua dịch vụ thẻ ngân hàng tăng 26,2% về khối lượng và 15,7% về giá trị. Thanh toán qua thiết bị di động tăng 189% về khối lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
- 03-08-2020Hà Nội: Tiết kiệm ngân sách từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế
- 03-08-2020Không "tô hồng", "bôi đen" số liệu thống kê
- 02-08-2020Thủ tướng: Tính toán chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội
Mỗi khi đến đợt thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, chị Đỗ Thanh An, một nhân viên văn phòng 32 tuổi tại Hà Nội lại lấy chiếc điện thoại di động của mình và thực hiện vài thao tác trên một nền tảng ví điện tử. Chị đã duy trì thói quen này kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Dù đã biết đến dịch vụ ví điện tử từ vài năm trước nhưng mãi cho tới gần đây chị mới thực sự quen thuộc với việc thanh toán các hóa đơn điện tử.
Theo quan điểm của nhiều người, việc tập trung hàng quán, đi du lịch nơi đông người và thói quen sử dụng tiền mặt có thể ẩn chứa rủi ro khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiện thuyên giảm. Tuy ảnh hưởng nặng nề tới nhiều ngành công nghiệp, dịch bệnh lại đang mang lại cơ hội cho nhiều nền tảng thanh toán trực tuyến.
"Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta. Tôi thậm chí còn ngại tới việc sử dụng tiền mặt vì sợ nó có thể là nguồn lây lan virus. Đôi khi tôi còn không muốn nhận lại tiền thừa khi đi mua sắm", chị An chia sẻ với The Asean Post. Do đó chị đã bắt đầu sử dụng ví điện tử trong hầu hết các giao dịch của mình, mặc dù đều đã cẩn thận vệ sinh tay sạch sẽ mỗi lần tiếp xúc với tiền mặt.
Chị An là một trong nhiều người tiêu dùng mới quen và ưa thích phương thức thanh toán mới này nhằm hạn chế các tiếp xúc trực tiếp giữa đại dịch Covid-19. "Việc sử dụng dịch vụ này rất đơn giản và an toàn. Chỉ cần vài thao tác để thanh toán và miễn phí nạp tiền hoặc rút tiền từ ví điện tử vào tài khoản ngân hàng của tôi", chị cho biết.
Không chỉ từ phía người tiêu dùng, các chủ cửa hàng cũng bắt đầu ủng hộ và khuyến khích hình thức thanh toán trực tuyến trong giai đoạn này.
Chị Vũ Thị Nhung, chủ sở hữu một cửa hàng quần áo ở thị trấn ngoại ô Hà Nội, khuyến khích khách hàng đến mua đồ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ví điện tử.
"Mặc dù nhiều người vẫn dựa vào phương thức thanh toán bằng tiền mặt truyền thống, tôi thấy có sự gia tăng trong thanh toán không tiền mặt. Phương thức mới khiến chúng tôi thuận tiện và an toàn hơn trong các hoạt động bán hàng", chị nhận xét.
Theo bà Trương Cẩm Thanh, Giám đốc Zalopay, dịch bệnh đã cho thấy thanh toán trực tuyến sẽ phát triển mạnh mẽ và có thể thay thế các phương thức truyền thống trong tương lai gần. Những bên nắm bắt được cơ hội sẽ có khả năng tăng thị phần và cải thiện cạnh tranh trong tương lai.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thanh toán không tiền mặt đã gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là thông qua các thiết bị di động và internet.
Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 88,5 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân, tăng 11% so với năm 2018. Cũng theo ngân hàng trung ương, dự kiến đến cuối năm nay sẽ có khoảng 70% người ở độ tuổi trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng.
Thống kê từ ngân hàng cũng cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán nội địa qua dịch vụ thẻ ngân hàng tăng 26,2% về khối lượng và 15,7% về giá trị. Thanh toán qua thiết bị di động tăng 189% về khối lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết cơ sở hạ tâng thanh toán đã được cải thiện và hệ sinh thái thanh toán điện tử đã hình thành cơ bản tại Việt Nam. Điều này giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn tới các dịch vụ mới.
Theo bà Nguyễn Thanh Thảo, Giảng viên tại Học viện Tài chính, nhiều ngân hàng hiện đã áp dụng công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán bao gồm xác thực dấu vân tay, nhận dạng khuôn mặt, mã QR, thanh toán không tiếp xúc…
Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử quốc tế cho biết giao dịch không tiếp xúc của Visa trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng hơn 500% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc của Visa tăng hơn 600% trong cùng kỳ theo số liệu VisaNet từ tháng 1 đến tháng 6/2020 so với từ tháng 1 đến tháng 6/2019.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết: "Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển, những phương thức thanh toán nhanh chóng và thông minh hơn ngày càng trở nên cần thiết—và công nghệ không tiếp xúc sẽ mở đường cho chúng ta để đáp ứng nhu cầu tăng cao này của thị trường".
Tuy nhiên, bà Thảo cũng lưu ý rằng thành toán không tiền mặt tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng. Số liệu thống kê từ International Data Group cho thấy, năm 2019 có gần 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng tới 80% vẫn sử dụng tiền mặt trong thanh toán hàng ngày. Hơn nữa, có tới 98% người dân dùng tiền mặt để thanh toán các khoản chi dưới 100,000 đồng.
Bà cho rằng thói quen lâu đời, những lo ngại về vấn đề bảo mật và an toàn và phí sử dụng đang là một số rào cản hạn chế người tiêu dùng tiếp cận các dịch vụ mới. Điều cần phải làm là thiếp lập một hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu liên tục, thuận tiện, bảo mật và giá cả hợp lý cho cả bên cung và cầu.