Covid-19 lây lan khắp đất nước, đà tăng trưởng dài nhất lịch sử của kinh tế Mỹ đang "sụt sùi"
Các chuyên gia dự báo về kinh tế và thị trường tài chính đang cảnh báo về rủi ro ngày càng lớn đối với Mỹ và cả nền kinh tế toàn cầu, khi đối mặt với sự lây lan của virus corona.
- 09-03-2020Chứng khoán châu Âu giảm 6,5%, cổ phiếu BP mất ¼ giá trị vì cú sập của giá dầu
- 09-03-2020Cuộc khủng hoảng danh tính của Bitcoin
- 09-03-2020Ví Covid-19 như “thiên nga đen của 2020", quỹ đầu tư tại Silicon Valley gửi thư đến startup: Người sống sót sau cùng không phải kẻ mạnh nhất mà là người dễ thích nghi để thay đổi nhất!
Thị trường việc làm tăng trưởng mạnh mẽ đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và đưa nền kinh tế Mỹ bước ra khỏi "vũng lầy" do thương chiến với Trung Quốc gây ra, cùng với hoạt động sản xuất trên toàn cầu suy giảm và nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, tuần vừa qua, thị trường đã "loé" lên những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là trong thị trường trái phiếu, khi lợi suất trái phiếu Mỹ rớt xuống mức thấp kỷ lục.
Hiện tại, thị trường lao động Mỹ vẫn là một rào chắn tốt, khi số lượng việc làm mới của tháng trước là 273.000. Tuy nhiên, thị trường này sẽ gặp thách thức khi virus corona lây lan và chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn. Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, đã rơi vào suy thoái do "cú sốc" Covid-19.
Diane Swonk – kinh tế gia trưởng tại công ty tư vấn và kế toán Grant Thornton, ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong nửa đầu năm 2020, nhưng cũng không rơi vào suy thoái. Theo bà, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm còn 0,5% trong nửa đầu năm, đây là mức giảm đáng kể so với đà tăng 2,3% trong năm ngoái. Bà cũng dự đoán nhà hàng, khách sạn và các công ty hàng không sẽ sa thải nhân viên và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức thấp trong 50 năm qua.
Các ngành dịch vụ, trong đó có vận tải hàng không, địa điểm tổ chức hội nghị và khách sạn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Hôm 5/3, Southwest Airlines – chủ yếu khai thác các chuyến bay nội địa Mỹ, cho biết họ đã chứng kiến nhu cầu khách hàng sụt giảm đáng kể và số lượng chuyến bay bị hủy tăng lên. United Airlines, Deutsche Lufthansa và Cathay Pacific đang khuyến khích nhân viên nghỉ không lương trong thời gian các hãng hàng không đang cắt giảm lịch bay.
Các nhà hàng, ngành giải trí và bán lẻ vốn phụ thuộc vào tiêu dùng và lưu lượng khách hàng cũng chịu rủi ro. Erik Herrmann, đứng đầu bộ phân đầu tư nhà hàng tại CapitalSpring, cho sẻ: "Các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào kinh doanh nhà hàng có thể phải tạm thời đóng cửa nếu tình hình xấu đi." Ông cho rằng chỉ dịch vụ mua mang đi mới có thể hưởng lợi khi khách hàng lo ngại về việc ăn tại nhà hàng.
Nhiều công ty lớn trong các ngành khác cũng đang nhận thấy những tác động từ dịch bệnh. United and Hyatt Hotels dự tính sẽ ngừng tuyển dụng. General Motors và Nestlé đang đưa ra quy định hạn chế đi lại cho nhân viên. Các sự kiện lớn như South by Southwest tại Austin (bang Texas) gần đây cũng đã bị huỷ bỏ.
Facebook và Amazon cũng thông báo đóng cửa văn phòng ở thành phố Seattle. Khi các nhân viên ngành công nghệ cao có thể làm việc tại nhà, thì các tài xế Uber và những tiệm bánh sandwich có thể sẽ "ế" khách.
Bà Swonk nhận định về việc này: "Toàn bộ người lao động không thể làm việc tại nhà, vì sản lượng thiếu hụt sẽ không bao giờ có thể bù đắp được. Bạn không thể tham dự một sự kiện đã hoãn, hay bạn không thể mua một chiếc áo len bạn thích vào tháng 3 hay cuối tháng 4."
Số liệu kinh tế dần cho thấy những dấu hiệu tiêu cực
Có một câu hỏi đối với nước Mỹ là liệu tác động của Covid-19 có lây lan sang các lĩnh vực kinh doanh khác hay không. Các nhà sản xuất gần đây cũng thông báo về sự gián đoạn nguồn cung do nhà máy tại Trung Quốc ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp nhỏ lo ngại về việc liệu họ có thể vay thêm tiền để khắc phụ hậu quả khi nhu cầu sụt giảm hay không. Hơn nữa, sự suy thoái kinh tế tạm thời có thể khiến một số công ty vỡ nợ.
Trước khi thị trường biến động, nền kinh tế Mỹ đã có một bước đi vững chắc. Hồi tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp đã chạm mức thấp nhất trong 50 năm và tiền lương tăng. Các báo cáo cần đây cũng cho thấy tỷ lệ sa thải ở mức thấp nhất lịch sử, chi tiêu tiêu dùng ổn định, lạm phát thấp và thu nhập hộ gia đình tăng lên.
Sau đó, virus corona bắt đầu hoành hành. Dù mức độ thiệt hại của nền kinh tế hiện tại vẫn chưa rõ ràng – phụ thuộc vào dịch bệnh kéo dài bao lâu, quy mô như thế nào và cách người dân phản ứng, nhưng những dấu hiệu ban đầu đã xuất hiện.
Theo số liệu từ IHS Markit, hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ trogn tháng 2 đã sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2013. Các công ty khảo sát cũng cho biết nhu cầu khách hàng và hoạt động kinh doanh mới cũng đi xuống. Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết hoạt động sản xuất cũng ảm đạm trong tháng 2, khi virus corona gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng, được Đại học Michigan công bố, đã tăng trong cả tháng 2 nhưng 1/5 trong số những người được hỏi vào những ngày kết thúc khảo sát cho biết họ đang lo lắng hơn về dịch bệnh.
Hiện tại, tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư đã được thể hiện ở thị trường trái phiếu, khi lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm đã rớt xuống mức thấp nhất trong lịch sử, giao dịch quanh mức 0,4% tính đến 16 giờ (giờ Việt Nam) ngày 9/3.
Động thái từ phía chính phủ
Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và các nước đã thực hiện những bước quan trọng để giảm bớt những tác động tiêu cực do dịch bệnh lây lan, trong đó có động thái hại lãi suất của các NHTW Mỹ, Canada và Australia. BOJ cũng cung cấp khoản vay 500 tỷ yen (4,6 tỷ USD) cho các công ty tài chính. Fed đưa ra dấu hiệu cho biết NHTW có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất, nhưng các quan chức cũng kêy gọi chính phủ Mỹ nên có thêm những biện pháp kích thích tài khoá.
Quan chức của nhóm các nước G7 hồi tuần trước cho biết họ đã sẵn sàng phối hợp để hành động, trong đó sẽ đưa ra những biện pháp kích thích tài khoá để ứng phó với rủi ro do virus corona gây ra. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã ký một dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD để chống lại dịch bệnh, phát triển vắc-xin và hỗ trợ các địa phương, các bang.
Megan Greene – kinh tế gia tại Đại học Harvard Kennedy, cho rằng cần phải có những biện pháp tài chính mạnh mẽ hơn để bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Những bước đi đó có thể là giảm thuế thu nhập, hỗ trợ trực tiếp hơn đối với các doanh nghiệp và cá nhân. Bà nhận định: "Sẽ có sự sụt giảm khá mạnh trong hoạt động kinh tế. Đà suy giảm kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào dịch tễ học và chúng tôi không có câu trả lời cho điều này."
Tham khảo WSJ