MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19 ở châu Âu: Ca nhiễm mới tăng sốc, dịch kéo dài tới mùa hè 2021

24-10-2020 - 08:39 AM | Tài chính quốc tế

Châu Âu phải đối mặt với cuộc chiến chống dịch Covid-19 kéo dài, ít nhất là cho đến giữa năm 2021. Chính phủ các nước lo lắng thắt chặt các quy định phòng ngừa để hạn chế dịch bệnh một lần nữa gia tăng khắp châu lục.

Các ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong 10 ngày qua, đạt tổng cộng 7,8 triệu ca và khoảng 247.000 ca tử vong. Theo đài SBS của Úc, đợt nhiễm Covid-19 ngay trước mùa đông đã dập tắt hy vọng hồi phục kinh tế.

Trong chuyến thăm một bệnh viện gần thủ đô Paris hôm 23-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: "Các nhà khoa học nói rằng Pháp sẽ chiến đấu với virus SARS-CoV-2 cho đến ít nhất là mùa hè năm tới. số ca mắc Covid-19 đã vượt ngưỡng một triệu người vào ngày 23-10 kể từ khi dịch bệnh xuất hiện vào cuối tháng 1 năm nay".

 Covid-19 ở châu Âu: Ca nhiễm mới tăng sốc, dịch kéo dài tới mùa hè 2021  - Ảnh 1.

Nhóm y tế được khử trùng trước khi rời khu cách ly Covid-19 tại bệnh viện Severo Ochoa ở ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AAP

Tuy nhiên, ông Macron cho biết vẫn còn quá sớm để nói liệu Pháp sẽ phong tỏa hoàn toàn hay một phần. Trước mắt, lệnh giới nghiêm áp dụng từ 21 giờ đến 6 giờ hôm sau ở nước này đã được gia hạn, có hiệu lực mở rộng ra 54 trên tổng số 101 tỉnh từ ngày 24-10, thay vì chỉ 16 tỉnh trong tuần vừa qua.

Ông Martin Hirsch, một lãnh đạo của hệ thống bệnh viện Paris, đánh giá làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Pháp "có thể tồi tệ hơn" đợt đầu tiên. Thủ tướng Pháp Jean Castex cũng cảnh báo: "Những tuần tới sẽ rất khó khăn và số người tử vong sẽ tiếp tục tăng".

Tính riêng ngày 23-10, Pháp ghi nhận hơn 40.000 trường hợp mắc mới và 298 trường hợp tử vong. Các quốc gia khác bao gồm Nga, Ba Lan, Ý và Thụy Sĩ cũng có số ca nhiễm mới tăng cao.

Đầu tuần này, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ghi nhận 1 triệu ca nhiễm. Đến hôm 23-10, Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết "con số thực tế có thể là hơn 3 triệu".

Bộ trưởng Y tế và một số chính quyền khu vực đã thúc giục ông Sánchez áp đặt lệnh giới nghiêm qua đêm nhưng một số nơi tỏ ra miễn cưỡng, lo ngại ảnh hưởng kinh tế.

 Covid-19 ở châu Âu: Ca nhiễm mới tăng sốc, dịch kéo dài tới mùa hè 2021  - Ảnh 2.

Một giám đốc bệnh viện ở Pháp cảnh báo nhiều người nhiễm Covid-19 ra đường mà không hề hay biết. Ảnh: Reuters

Đài BBC dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sự gia tăng đột biến số ca bệnh ở châu Âu hiện là thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 23-10 nói với các phóng viên rằng trong vài tháng tới sẽ rất khó khăn và một số quốc gia đang trên đà nguy hiểm.

Toàn cầu đã có hơn 42 triệu ca mắc và 1,1 triệu ca tử vong. WHO kêu gọi hành động nhanh chóng để ngăn chặn các dịch vụ y tế các nơi bị quá tải.

Theo trang web chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (nato.int), liên minh này ngày 23-10 quyết định giao 60 máy thở cho Cộng hòa Czech để đối phó với dịch Covid-19. Các máy thở được cung cấp từ kho dự trữ thiết bị và vật tư y tế mà NATO thành lập để có thể cứu trợ ngay lập tức cho các nước đồng minh hoặc đối tác có nhu cầu.

Ngày 23-10, Phó Tổng thống Colombia Marta Lucia Ramirez thông báo bà mắc Covid-19, cho biết bà đang cách ly và sức khỏe hiện vẫn ổn định.

Trước đó, bà Sophie Wilmes, bộ trưởng ngoại giao kiêm cựu thủ tướng Bỉ, đã được đưa vào khu chăm sóc tích cực sau khi dương tính với Covid-19 trong bối cảnh nước này đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2. Ngày 17-10, bà Wilmes thông báo dương tính với Covid-19 và cho rằng mình bị lây từ một người họ hàng.


Theo H.Bình

Người Lao Động

Trở lên trên