Covid-19: Trận chiến giành khẩu trang, mặt nạ phòng độc... không khoan nhượng
Khi dịch Covid-19 lan rộng ở châu Âu và Mỹ, kéo theo cơn khủng hoảng các trang thiết bị bảo hộ, dẫn đến cuộc chiến giành giật quyết liệt khẩu trang, mặt nạ phòng độc, găng tay… trên phạm vi toàn cầu.
- 05-04-2020Bác sĩ Mỹ nói về sự khốc liệt của Covid-19: Có nơi phải dùng hình thức rút thăm để chọn bệnh nhân dùng máy thở
- 05-04-2020"Ve sầu thoát xác": Chiến lược đơn giản giúp hãng thời trang 70 năm tuổi của Áo vượt qua cơn đại khủng hoảng Covid-19
- 05-04-2020COVID-19 ở TQ: Phong tỏa gần tới ngày kết thúc nhưng vết sẹo kinh tế còn rất lâu mới lành
Giữa cơn khát, một số quốc gia cáo buộc Mỹ cố gắng chiếm đoạt các đơn đặt hàng của họ. Đơn cử như Đức. Chính quyền Berlin mua 200.000 khẩu trang từ một công ty của Mỹ đặt tại Trung Quốc, nhưng lô hàng không về đến nơi vì bị Mỹ "tịch thu" khi quá cảnh tại Bangkok – Thái Lan. Andreas Geisel, người đứng đầu cơ quan nội vụ của Berlin, cho rằng có thể vì chính phủ Mỹ đã cấm xuất khẩu mặt hàng khẩu trang. Tuy nhiên, ông vẫn yêu cầu Washington tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế.
Mỹ "nẫng tay trên" lô khẩu trang tại Trung Quốc
Khi các kho dự trữ giảm dần và các quốc gia bắt tay vào thứ mà một quan chức Pháp gọi là "săn tìm kho báu toàn cầu". Ở Pháp, truyền thông gọi đây là "guerre des masques", nghĩa là "cuộc chiến khẩu trang". Theo cáo buộc của một số quan chức Pháp, lô khẩu trang bảo hộ của họ đặt hàng từ Trung Quốc đã bị Mỹ "nẫng tay trên".
Cáo buộc không nêu đích danh nhưng ít nhất 2 quan chức Pháp đã khẳng định người Mỹ trả cho nhà cung cấp Trung Quốc mức giá cao hơn từ 3 - 4 lần so với thỏa thuận của Pháp, và rồi "bỏ túi" luôn chuyến hàng. Ông Renaud Muselier - chủ tịch vùng Sud - liên tục khẳng định với truyền thông rằng đơn hàng của Pháp đã bị người Mỹ mua lại và chuyến hàng ấy đã bay đến Mỹ, thay vì tới Pháp như thỏa thuận.
Khẩu trang được vận chuyển về sân bay Pháp. Ảnh: KT
Ông Muselier trả lời phóng viên đài BFM-TV: "Đã có một nước trả giá cao gấp 3 lần ngay tại sân bay. Khẩu trang biến mất, còn nơi mua nó thì chẳng có gì". Tuy nhiên sau đó, ông Muselier đã đính chính lại trên Twitter, rằng số khẩu trang cho vùng của ông đang trên đường vận chuyển và "không bị mua bởi thế lực nước ngoài". Khi đài CNN liên hệ, ông Muselier đề nghị phóng viên làm việc với Bộ Ngoại giao Pháp.
Một quan chức khác là Jean Rottner - chủ tịch vùng Grand Est - cũng cáo buộc tương tự. Trả lời đài RTL, ông cho biết đang có một trận chiến căng thẳng mỗi ngày để bảo đảm các đơn đặt hàng. Với ông Muselier, việc mua khẩu trang giờ đây là một cuộc chiến thực sự.
Công nhân bốc dỡ một lô hàng với hơn 1 triệu mặt nạ N95 từ một máy bay, sau khi nó bay từ Thâm Quyến - Trung Quốc và hạ cánh xuống sân bay Logan - Mỹ. Ảnh: EPA
Quan chức thứ 3 của Pháp lên tiếng về sự việc này là Valérie Pécresse - chủ tịch vùng Île-de-France. Bà Pécresse cho biết khẩu trang hiện tại là mặt hàng được cả thế giới săn tìm. "Chúng tôi đã đặt hàng nhưng không thể lấy được nó vì ai đó sẵn sàng trả cao gấp 3 lần giá thị trường" – bà Pécresse chia sẻ với đài Franceinfo. Tuy nhiên, "ai đó" là ai thì bà từ chối nêu đích danh.
Theo Đài CNN, không rõ danh tính của khách hàng trong câu chuyện này. Đó có thể là một công ty tư nhân, nhưng cũng có thể là trung gian làm việc cho chính phủ. Bộ Y tế và dịch vụ xã hội Mỹ từ chối trả lời phóng viên CNN, trong khi Bộ ngoại giao Mỹ tại Pháp thì khẳng định Mỹ "không mua bất kỳ lô khẩu trang nào được chuyển từ Trung Quốc đến Pháp".
Tự thân vận động
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia ngày 2-4, thủ tướng Pháp Edouard Philippe thừa nhận việc đảm bảo an toàn cho các đơn hàng "không phải khi nào cũng dễ dàng". Ông Edouard Philippe cho rằng vấn đề "không nằm ở khó khăn trong khâu vận chuyển, mà là đôi khi đơn hàng được đặt không thể chuyển đến".
"Có nhiều lý do, bao gồm nhu cầu quá lớn dành cho Trung Quốc từ Mỹ, châu Âu và gần như là cả thế giới" – ông Edouard Philippe nói. Để đảm bảo nguồn cung, vùng Bourgogne-Franche-Comté đặt hàng 4 triệu khẩu trang với hai nhà cung cấp khác nhau đề phòng trường hợp nhà cung cấp không giao hàng.
Người dân Hồng Kông mua khẩu trang. Ảnh: Bloomberg
Trong khi đó, chính phủ Brazil tuyên bố rằng nhu cầu của Mỹ đang hút sạch nguồn cung sẵn có. Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cho biết Trung Quốc đã từ chối một số đơn đặt hàng thiết bị của Brazil, giữa lúc Mỹ đưa hơn 20 máy bay chở hàng đến Trung Quốc để mua các sản phẩm tương tự.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha González Laya cho biết lô hàng máy thở đã thanh toán hiện mắc kẹt tại Thổ Nhĩ Kỳ do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên cho việc điều trị bệnh nhân ở nước này. Lô hàng sẽ được chuyển đi cho Tây Ban Nha trong "thời điểm thích hợp".
Nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Đức… lo lắng việc thiếu đồ bảo vệ cho nhân viên y tế. Do đó, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Anh đều đang cố gắng đẩy nhanh sản xuất trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) trong nước.
Người Lao động
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19