COVID-19 và những tác động lâu dài đến sức khỏe
Các triệu chứng COVID-19 đôi khi có thể tồn tại trong nhiều tháng. SARS-CoV-2 cũng có thể gây hại cho phổi, tim và não, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài.
- 28-06-2021Video học sinh tiểu học cứu bé trai đuối nước tại bể bơi gây sốt MXH, kỹ năng quan trọng này bố mẹ nên cho con học càng sớm càng tốt
- 28-06-202140 ngày vật lộn với Covid-19, bệnh nhân chạy ECMO đầu tiên của đợt dịch thứ 4 đã hồi phục
- 28-06-2021Khẩn trương tiêm phòng cho công nhân, doanh nghiệp chủ động chặn dịch
COVID-19 kéo dài
Hầu hết những người nhiễm COVID-19 hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần. Nhưng một số người - ngay cả những người mắc bệnh nhẹ - vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng sau khi hồi phục.
Tình trạng này đôi khi được gọi là "COVID-19 kéo dài" hoặc hội chứng hậu COVID-19. Chúng thường được coi là bất kỳ ảnh hưởng nào của COVID-19 tồn tại hơn bốn tuần sau khi được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2.
Những người lớn tuổi và những người mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng có nhiều khả năng gặp triệu chứng COVID-19 kéo dài, nhưng ngay cả người trẻ tuổi, khỏe mạnh vẫn có thể cảm thấy không khỏe trong vài tuần đến vài tháng sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến bao gồm:
• Mệt mỏi
• Thở gấp hoặc khó thở
• Ho
• Đau khớp
• Đau ngực
• Các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung hoặc giấc ngủ
• Đau cơ hoặc nhức đầu
• Nhịp tim nhanh
• Mất khứu giác hoặc vị giác
• Trầm cảm hoặc lo lắng
• Sốt
• Chóng mặt khi đứng
• Các triệu chứng tồi tệ hơn sau hoạt động thể chất hoặc tinh thần
Hầu hết những người nhiễm COVID-19 hồi phục hoàn toàn trong vòng vài tuần. Nhưng một số người - ngay cả những người mắc bệnh nhẹ - vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng sau khi hồi phục. (Ảnh minh họa)
Tổn thương nội tạng do COVID-19 gây ra
Mặc dù COVID-19 được coi là một căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, nhưng nó cũng có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác. Những tổn thương này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài. Các cơ quan có thể bị ảnh hưởng bởi COVID-19 bao gồm:
- Tim: Các xét nghiệm hình ảnh được thực hiện nhiều tháng sau khi hồi phục từ COVID-19 cho thấy cơ tim bị tổn thương lâu dài, ngay cả ở những người chỉ trải qua các triệu chứng COVID-19 nhẹ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ suy tim hoặc các biến chứng tim khác trong tương lai.
- Phổi: Loại viêm phổi thường liên quan đến COVID-19 có thể gây tổn thương lâu dài cho các túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi. Các mô sẹo được hình thành sau đó có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp lâu dài.
- Não: Ngay cả ở những người trẻ tuổi, COVID-19 có thể gây đột quỵ, co giật và hội chứng Guillain-Barre - một tình trạng gây liệt tạm thời. COVID-19 cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.
Một số người lớn và trẻ em gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống sau khi nhiễm COVID-19. Trong tình trạng này, một số cơ quan và mô bị viêm nghiêm trọng.
Mặc dù COVID-19 được coi là một căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, nhưng nó cũng có thể gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác. (Ảnh minh họa)
Cục máu đông và các vấn đề về mạch máu
COVID-19 có thể làm cho các tế bào máu dễ tụ lại và hình thành cục máu đông. Các cục máu đông lớn có thể gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. Nhưng phần lớn các tổn thương tim do COVID-19 gây ra được cho là xuất phát từ các cục máu đông rất nhỏ làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ (mao mạch) trong cơ tim.
Các bộ phận khác của cơ thể bị ảnh hưởng bởi cục máu đông là phổi, chân, gan và thận. COVID-19 cũng có thể làm suy yếu các mạch máu và khiến chúng bị rò rỉ, góp phần gây ra các vấn đề tiềm ẩn lâu dài với gan và thận.
Các vấn đề về tâm trạng và mệt mỏi
Những người mắc COVID-19 nặng thường phải được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, với sự hỗ trợ của các loại máy như máy thở. Trải nghiệm này có thể khiến người bệnh có nhiều khả năng phát triển hội chứng căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm và lo lắng.
Vì rất khó dự đoán hậu quả lâu dài từ COVID-19, các nhà khoa học đang xem xét những tác động lâu dài được thấy ở các virus liên quan, chẳng hạn như virus gây ra hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (SARS).
Nhiều người khỏi bệnh SARS đã tiếp tục phát triển hội chứng mệt mỏi mãn tính, một chứng rối loạn phức tạp đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi cực độ, trầm trọng hơn khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần nhưng không cải thiện khi nghỉ ngơi. Điều này cũng có thể đúng đối với những người đã nhiễm COVID-19.
Nhiều tác động lâu dài của COVID-19 vẫn chưa được phát hiện
Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ toàn bộ về sự ảnh hưởng của COVID-19 với con người theo thời gian, nhưng các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo các bác sĩ nên theo dõi chặt chẽ những người đã nhiễm COVID-19 để xem các cơ quan của họ hoạt động như thế nào sau khi hồi phục.
Nhiều trung tâm y tế lớn ở Mỹ đang mở các phòng khám chuyên khoa để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người có triệu chứng COVID-19 dai dẳng hoặc các bệnh liên quan sau khi hồi phục.
Điều quan trọng cần nhớ là hầu hết những người mắc COVID-19 đều phục hồi nhanh chóng. Nhưng các vấn đề tiềm ẩn kéo dài do COVID-19 khiến mục tiêu giảm sự lây lan của COVID-19 càng quan trọng. Chúng ta có thể làm được điều này bằng cách tuân theo các biện pháp phòng chống COVID-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tránh đám đông, tiêm vaccine COVID-19 khi đạt điều kiện và rửa tay thường xuyên.
(Nguồn: Phòng khám Mayo, Mỹ)
Doanh nghiệp và Tiếp thị