CPTPP có hiệu lực: Người Việt có mua được ôtô giá rẻ?
Bộ Công Thương cho biết, với 11 nước tham gia, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ, sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
- 17-01-2019Không mơ tôm hùm rẻ, DN Việt phải đối mặt nhiều thách thức từ CPTPP
- 15-01-2019Nhờ CPTPP, người Việt sẽ được mua sữa ngoại, tôm hùm giá rẻ?
- 14-01-2019CPTPP: Giấc mơ ôtô giá rẻ khó thành hiện thực
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, TPP11 sẽ mang lại một số cơ hội bởi đây là lần đầu tiên ta có quan hệ FTA với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, “như mọi FTA khác, TPP11 không phải là mỏ vàng lộ thiên.
Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được. Thách thức cũng vậy”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.
Với kinh nghiệm của hơn 20 năm hội nhập và cạnh tranh, xuất khẩu lại luôn tăng nhanh hơn nhập khẩu, thật sự không có lý do để bi quan với TPP11, nhất là khi Canada, Mexico và Peru đều là những thị trường mà ta đang xuất siêu.
Thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ôtô.
Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico 2,34 tỷ USD, nhập về 567 triệu USD; xuất sang Canada 2,7 tỷ USD, nhập về 774 triệu USD; xuất sang Peru 331 triệu USD, nhập về 117 triệu USD.
Lộ trình thuế quan trong TPP11 được cho là một trong những điểm được trông chờ nhất. Chẳng hạn như nay sau khi CPTPP có hiệu lực thì 66% mặt hàng thuế sẽ được đưa về 0%, 86,5% về 0% sau 3 năm. Tuy nhiên, với câu hỏi về việc người tiêu dùng Việt Nam có được mua ôtô giá rẻ hay không là việc rất được kỳ vọng khi CPTPP có hiệu lực.
Với riêng ôtô, ngoài thuế nhập khẩu còn có thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí. Nếu giảm thuế nhập khẩu nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại phí thì giá ôtô cũng sẽ không giảm như mong đợi.
“Đây là bài toán cân đối giữa cơ sở hạ tầng và số lượng phương tiện rồi, không còn là bài toán bảo hộ nữa. Bên cạnh đó, cơ cấu chủ thể tham gia sản xuất và nhập khẩu ôtô cũng sẽ có tác động lớn tới giá ôtô. Nói thế để thấy thuế nhập khẩu đã, đang và sẽ không bao giờ là yếu tố duy nhất xác định giá ôtô”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Liên quan đến việc khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ cho phép nhập khẩu mặt hàng tân trang, liệu rằng Việt Nam có quản lý được nhóm hàng này để không nhập về “rác thải công nghệ” hay không, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Cam kết về hàng tân trang là một trong các nội dung mới mà Việt Nam chưa từng cam kết trong các FTA đã ký kết.
Tuy nhiên, khi đàm phán và thống nhất nội dung này, Việt Nam cũng đã bảo lưu được một khoảng không chính sách nhất định để Chính phủ có thể quản lý và kiểm soát mặt hàng này một cách chủ động và hiệu quả khi Hiệp định có hiệu lực.
Cụ thể, hàng hóa phải là hàng hóa thu được toàn bộ hoặc một phần từ các nguyên vật liệu được thu hồi, có tuổi thọ và chức năng giống hệt hoặc tương tự hàng mới và có chứng nhận bảo hành như hàng mới mới được coi là hàng tân trang và được phép nhập khẩu vào thị trường CPTPP theo mức thuế suất như đối với hàng mới. Đặc biệt, ta cam kết sẽ chỉ cho phép nhập khẩu loại hàng hóa này sau 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Ngoài ra, Việt Nam cũng bảo lưu một danh mục loại trừ các mặt hàng được cho là hàng tân trang bao gồm: xe máy, xe đạp và một số máy móc điện-điện tử gia dụng như quạt điện, máy điều hòa không khí, máy sấy, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi, v.v... Các mặt hàng này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo cam kết về hàng tân trang.
Đặc biệt, TPP11 có hiệu lực trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra, có người nói rằng với việc tự do hóa thương mại thì không cẩn trọng, Việt Nam thành bên trung gian “bị lợi dụng”.
Trước vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, khi Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột thương mại thì nguy cơ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp của nhau là có. Nguy cơ này xuất hiện không phụ thuộc vào việc ta có tham gia TPP11 hay không. Nguy cơ này đã được nhận diện và Bộ Công Thương đã liên tục có cảnh báo về nguy cơ này.
Một số biện pháp cũng đã được áp dụng để củng cố, kiện toàn công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Việt Nam là đất nước mở cửa, luôn chào đón đầu tư nước ngoài nhưng nếu nhà đầu tư nào có ý định lợi dụng Việt Nam để gian lận xuất xứ thì nên suy nghĩ lại bởi sẽ bị xử lý rất nghiêm nếu bị phát hiện.
Công an nhân dân