MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cư dân mạng Mỹ hào hứng với phong trào 'anti-work', các cuộc thảo luận trên diễn đàn lớn nhất thế giới bùng nổ khi hàng triệu người Mỹ bỏ việc

12-01-2022 - 09:19 AM | Tài chính quốc tế

Cư dân mạng Mỹ hào hứng với phong trào 'anti-work', các cuộc thảo luận trên diễn đàn lớn nhất thế giới bùng nổ khi hàng triệu người Mỹ bỏ việc

Những thành viên của cộng đồng trực tuyến Reddit phàn nàn về sếp và đồng loạt động viên nhau nghỉ việc.

Doreen Ford đã làm việc 10 năm ở những cửa hàng bán lẻ trong khu vực Boston và cô ghét phải làm công việc này.

Năm 2017, bà của Ford khuyên cô nên bỏ việc đó và làm công việc liên quan đến điều mà cô yêu thích, cụ thể ở đây là cô có tình yêu rất lớn với loài chó. Nghe vậy, cô đã ngay lập tức làm theo, bỏ công việc cũ và làm nghề dắt chó đi dạo bán thời gian. Cô cho biết cô chưa bao giờ hạnh phúc đến thế.

Ford (30 tuổi) nói: "Thường thì tôi thấy công việc tôi làm khá là vô nghĩa, và tệ nhất là với công việc đó tôi bị hạ thấp, xỉ nhục và bị bóc lột sức lao động".

Ford là người tiên phong của phong trào "antiwork" (phong trào không đi làm), cô khuyến khích những người theo dõi cô trên Reddit hạn chế làm những công việc truyền thống nhất có thể, hoặc khuyên họ hãy hoàn toàn từ bỏ những công việc này để tự kinh doanh, với mục tiêu ưu tiên thời gian giải trí của bản thân.

Cô cũng là người điều hành chuyên mục r/antiwork - chuyên mục có tầm ảnh hưởng trên diễn đàn Reddit. Tính từ tháng 10/2020 đến nay, số thành viên của chuyên mục này đã tăng từ 180.000 người lên 1,6 triệu người, bởi coronavirus đã khiến cho nhiều người đang phải cân nhắc lại những công việc của mình.

Hôm thứ Ba vừa rồi, báo cáo của Bộ lao động cho biết có rất nhiều người Mỹ đã bỏ việc vào năm ngoái, trong số đó có 4,5 triệu người đã bỏ việc vào tháng 11. Theo bộ, kể từ năm 2001 đến nay, đây là tỷ lệ bỏ việc cao nhất.

Dữ liệu cho thấy rằng có thể nhiều nhân viên đã bỏ việc sau khi nhận được những lời đề nghị làm việc tốt hơn. Tuy vậy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động hiện tại đang thấp hơn so với trước đại dịch. Điều này cho thấy một bộ phận người lao động vẫn chưa quay trở lại làm việc dù có rất nhiều cơ hội việc làm. Cũng có thể một số người đang tập trung vào việc chăm sóc gia đình hoặc lo sợ bị mắc Covid-19 trong môi trường làm việc.

Nhưng chắc chắn rằng cũng có không ít những người lao động như Ford - vỡ mộng với những cơ hội việc làm trong thời kỳ đại dịch nên không muốn đi làm.

Với số lượng lớn những người có suy nghĩ như vậy, một nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sach vào tháng 11 đã cảnh báo rằng "phong trào không đi làm" có thể gây ra "những rủi ro lâu dài" cho thị trường lao động.

Ford nói:"Tôi nghĩ có rất nhiều công việc không mang lại tác dụng gì và không có lí do để tồn tại". Cô cũng cho rằng:"Nhiều người chỉ đang làm những công việc nhàm chán trong văn phòng mà chẳng có mục đích gì. Thực sự, làm thế chẳng có ích gì cho ai cả."

Các thành viên của "phong trào không đi làm" tự gọi họ là "những người lười biếng". Đa số bọn họ đều tin rằng mọi người nên cố gắng làm việc ít nhất có thể và tốt hơn hết là nên tự kinh doanh. Nhiều người đã nghỉ việc cho biết: giống như Ford, họ cũng đang điều hành những doanh nghiệp nhỏ của riêng mình, hoặc làm những công việc bán thời gian. Theo Ford, một số người trong số đó đang tìm bạn cùng phòng hoặc tìm kiếm thức ăn trong thùng rác để cắt giảm chi phí sinh hoạt.

"Phong trào không đi làm" có hệ tư tưởng khá giống với triết học chủ nghĩa Mác, bởi cả hai hệ tư tưởng này đều cho rằng khi nhân loại có thể phát triển đến một mức nào đó thì con người không còn phải làm việc để kiếm sống. Thế hệ millennials (thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) của Trung Quốc cũng đang làm những điều tương tự. Họ từ bỏ sự nghiệp đầy tham vọng để trở về cuộc sống đơn giản hơn, bình lặng hơn và ít vật chất hơn.

"Phong trào không đi làm"xuất hiện lần đầu tiên trên Reddit vào năm 2013. Một cuộc khảo sát với sự tham gia của gần 1.600 thành viên của chuyên mục này cho thấy thành viên của phong trào này hầu hết là nam giới và sống ở Bắc Mỹ. Có đến một nửa số người được hỏi cho biết rằng họ vẫn đang làm công việc toàn thời gian.

Chuyên mục này của Reddit tràn ngập những câu chuyện về sự thiếu quan tâm của những ông chủ đối với người lao động.

Tài khoản người dùng có tên amethysttt07 kể rằng lẽ ra sếp cô phải tăng lương cho cô như đã hứa, nhưng thay vì thế ông ta lại tăng lương cho đồng nghiệp của cô mà không có một lời giải thích. Cô viết: "Mặc dù đau lòng, nhưng tôi muốn nhắc mọi người nhớ một điều nho nhỏ rằng: mặc dù bạn có cố gắng làm việc hết sức và lao động như nô lệ trong nhiều giờ liền thì bạn cũng sẽ chẳng được đền đáp. Họ có thể thuê bạn trong một khoảng thời gian rồi nhanh chóng kiếm một người khác thay thế."

Một người khác với nickname Brotendo88 khoe rằng ông đang làm việc tại nhà do bị nhiễm Covid-19, nhưng lại "chơi trò chơi điện tử đến 85% thời gian". Ông nói: "Ông chủ kiếm được 1 USD thì tôi chỉ kiếm được 1 xu, đó là lý do tại sao tôi ít đến công ty."

Nhưng những bài đăng được nhiều người quan tâm nhất trên trang này là ảnh chụp màn hình của những tin nhắn và email từ chức. Những bài đăng này nhiều đến mức người kiểm duyệt của diễn đàn này chỉ duyệt đăng loại bài này vào mỗi Chủ nhật hàng tuần.

Nhà sử học Benjamin Hunnicutt là giáo sư của trường Đại học Iowa. Ông là tác giả của những cuốn sách về lịch sử công việc được đăng trên thư viện của chuyên mục r/antiwork. Ông cho biết: "Chúng ta có thể cân nhắc tìm những công việc khác để có thể tự làm việc cho chính mình, thay vì xoay quanh cuộc sống của những người giàu có nhất và đem lại lợi nhuận cho họ.

Các nhà kinh tế học nói rằng rất khó để đo lường được rằng phong trào này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường lao động. Nhưng phong trào này có thể giúp chúng ta giải thích được một số thay đổi của thị trường. Những nhà tuyển dụng của các công ty như Tyson Foods hay FedEx đang phàn nàn rằng họ không thể tuyển đủ được công nhân mặc dù đã trả lương cao hơn.

Mức lương còm cõi và tình trạng dịch bệnh vào mùa thu năm ngoái đã khiến cho nhiều người lao động tổ chức một làn sóng đình công nhằm gây áp lực buộc các ông chủ phải tăng quyền lợi cho họ. Thậm chí "những người lười biếng" cũng tham gia vào những hành động này bằng cách gửi hàng nghìn đơn đăng ký giả đến trang web tuyển dụng của công ty Kellogg, khi công ty này đăng tuyển dụng công nhân để thay thế những người đình công tại các nhà máy ngũ cốc.

Với những hoạt động tích cực, nhiều người đã so sánh chuyên mục r/antiwork với chuyên mục WallStreetBets (cũng trên nền tảng Reddit). Năm ngoái, những nhà giao dịch bán lẻ của diễn đàn này đã phối hợp với nhau đẩy giá "cổ phiếu meme" của nhiều công ty (trong đó có công ty bán lẻ trò chơi điện tử GameStop và chuỗi rạp chiếu phim AMC) nhằm trừng phạt những quỹ đầu cơ đã bán khống các cổ phiếu đó.

Ford nói: "Hầu hết chúng ta chỉ là những người bình thường và nhiều người trong chúng ta đang làm những công việc mà chúng ta không thích. Đó là toàn bộ lý do tại sao chúng tôi bắt đầu phong trào này."

Hường Hoàng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên