MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ tranh nhau bán thời trang nữ và hàng Trung Quốc, Lingo đã sập, các sàn TMĐT Việt Nam không còn gì khác để bán?

Sàn TMĐT Lingo đóng cửa sau khi tiêu sạch tiền đầu tư trong cuộc cạnh tranh khuyến mại giảm giá thời trang, đồ điện tử là bài học đắt giá cho nhiều chiến binh trong ngành còn sót lại. Và có lẽ, các chiến binh cần có chiến lược và hướng đi đúng đắn mới có thể tránh khỏi vết xe đổ của Lingo.

Phải chẳng, đã đến lúc các sàn TMĐT nên nghĩ tới mở rộng thị trường thay vì cạnh tranh về giá?

Bỏ TMĐT ở thành thị đi và hãy nghĩ đến nông thôn

Lingo là sàn TMĐT mới nhất của Việt Nam bổ sung vào danh sách đóng cửa. Theo nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề vẫn là cuộc cạnh tranh về khuyến mại, giảm giá nhưng không đủ sức mở rộng thị trường. Đây là một kịch bản được định sẵn với nhiều sàn TMĐT Việt Nam trong thời kỳ bùng nổ kinh doanh online. Muốn tồn tại, các sàn TMĐT phải thoát được bài toán cạnh tranh khuyến mại.

Dẫn nguồn từ số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2016 của công ty CP Công nghệ DKT, từ dữ liệu 20.000 doanh nghiệp kinh doanh online trên nền tảng Bizweb, hơn 73% trong số đó có trụ sở tại TP HCM và Hà Nội. 27% website TMĐT còn lại đang được chia đều cho 61 tỉnh thành phố trên khắp cả nước, tức là mỗi tỉnh chiếm chưa đến 1% số website kinh doanh online. Điều này có nghĩa là TMĐT Việt Nam mới chỉ phổ thông hóa tại thành thị.

Cũng trong báo cáo của công ty này, 26% trong số các mặt hàng kinh doanh trên mạng là thời trang, mỹ phẩm, 19% là các đồ điện tử, điện lạnh. Trong khi đó, rau sạch, thực phẩm sạch của người nông dân chỉ chiếm 7% doanh nghiệp kinh doanh online. Đối với đồ thủ công mỹ nghệ , con số còn thấp hơn, chỉ gần 3%.

Thời trang, mỹ phẩm, đồ điện tử đã quá phổ biến online từ các sàn TMĐT, các website nhỏ lẻ và fanpage của Facebook. Dường như, thị trường này gần như đã bão hòa về cả người mua và người bán.

Vì thế, đây là lúc các DN nên nghĩ đến chuyện tập trung vào các mặt hàng sản phẩm truyền thống hay sản phẩm nông nghiệp để đưa lên online. Mở rộng mặt hàng là hướng đi mới cho các sàn TMĐT.

Học Jack Ma để trở thành ông lớn trong TMĐT

Dạo qua sàn TMĐT Lazada , một trong những “siêu thị online” vào hàng quy mô nhất tại Việt Nam hiện nay, riêng ngành hàng “Thời trang nữ” có 7 mục nhỏ và hơn 30 tiểu mục con để khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, một điều đặc biệt là không có một gian hàng bán thực phẩm ở siêu thị khổng lồ này.

Hay như nói đến sàn TMĐT Sendo cũng có rất ít sản phần nông nghiệp được mua bán, trong khi Tiki thì chưa có dấu hiệu đầu tư kinh doanh sang các loại mặt hàng nông sản hay thủ công mỹ nghệ.

Các sàn thương mại điện tử dường như rất ít gian hàng dành cho mặt hàng nông sản hoặc đồ thủ công mỹ nghệ.

Hãy nhớ lại sự thành công của Jack Ma, ông trùm TMĐT với chiến lược “Phổ thông hóa TMĐT” đã thành công khi đã đầu tư hơn 100.000 trung tâm tư vấn dịch vụ bán hàng trực tuyến tại các khu vực nông thôn. Tại đây, các tư vấn viên sẽ hướng dẫn người dân cách mở cửa hàng trực tuyến, cách tạo tài khoản trên trang thương mại điện tử Taobao, cách quản lý hoạt động kinh doanh…

Không đâu xa, ngay tại làng nghề Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh, Alibaba cũng có cả một đội ngũ sẵn sàng đi xe máy hơn chục cây số, len lỏi trong khắp các ngõ ngách làng quê để gặp từng hộ kinh doanh, tư vấn mời họ mở gian hàng trên Taobao. Một khi doanh nghiệp mua gói dịch vụ, họ sẽ được nhân viên đến tận nơi hỗ trợ về gian hàng, chụp ảnh và trưng bày sản phẩm.

Khi Alibaba mua lại Lazada, nhiều khả năng ông lớn này sẽ tận dụng thị trường nông thôn Việt Nam chưa có ai khai phá để mở rộng thị trường.

Bài toán chiến lược ở đây là sàn TMĐT nào sớm nhảy ra khỏi đại dương đỏ để khai phá thị trường nông thôn nhiều khả năng sẽ giành được lợi thế.

Dù rằng phải nói, việc tạo thói quen người dùng mua hàng trực tuyến cũng như tạo lòng tin cho khách hàng là bài toán chung mà doanh nghiệp cần và phải giải quyết, song, về nông thôn, tiếp cận nguồn hàng mới, đa dạng hơn rất có thể sẽ là một hướng đi đúng đắn cho các sàn TMĐT muốn sống sót trong môi trường khốc liệt này.

Theo Hồng Minh

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên