Cử tri lo ngại lương chưa tăng giá đã tăng, Bộ Tài chính nói gì?
Bộ Tài chính nhấn mạnh để ổn định giá cả thị trường, đặc biệt trước thông tin tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- 08-02-2023Tăng lương cơ sở, lương hưu sẽ thay đổi ra sao?
- 01-02-2023Sớm trình Chính phủ Nghị định về tăng lương cơ sở
- 13-01-202388% công ty tại Việt Nam cho biết sẵn sàng tăng lương cho nhân viên
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri về việc thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, ổn định cuộc sống của người dân.
Cụ thể, cử tri tỉnh Thái Bình bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước tình trạng lương chưa tăng nhưng giá cả đã tăng trước.
Cử tri tỉnh Sóc Trăng phản ánh việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ 1-7-2023. Tuy nhiên, hiện nay giá cả các mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng. Đây cũng là phản ánh của cử tri tỉnh Hà Nam, tỉnh Bình Phước.
Theo cử tri, để tránh tăng thêm gánh nặng cho người dân, giảm khó khăn cho người dân, kiến nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp để bình ổn giá cả thị trường, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu.
Cử tri lo ngại lương chưa tăng nhưng giá cả hàng hoá đã rục rịch tăng
Trả lời cử tri, Bộ Tài chính nhấn mạnh để ổn định giá cả thị trường, đặc biệt trước thông tin tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hoá.
Các bộ ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng nhà nước định giá. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bộ Tài chính nhấn mạnh cơ quan này tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri để cùng với các bộ ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ các biện pháp, giải pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong thời gian tới.
Trong đó, Bộ Tài chính với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ theo sát tình hình chung, tham mưu Chính phủ chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.
Các bộ ngành cần thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường.
Cũng theo Bộ Tài chính, cơ quan này sẽ sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành phù hợp.
Người lao động