Cục Hàng hải Việt Nam: Vì sao cần xem xét kỹ khi điều chỉnh giá dịch vụ tại cảng biển?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, nội dung điều chỉnh và thời gian ban hành cần bảo đảm chi phí logistics không gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về ổn định mức giá dịch vụ trong giai đoạn hiện nay.
- 10-06-2021TP HCM: 9.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vì COVID-19
- 10-06-2021Nhu cầu trong nước có dấu hiệu yếu dần, VDSC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 6,5%
- 10-06-2021Đắk Lắk đề xuất bổ sung 1.500 MW điện gió vào quy hoạch điện 8
Vừa qua, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) đã có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục từ ngày 1/7/2021.
Ngoài ra, các cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải tăng ít nhất 20% so với mức tối thiểu đã được quy định tại Thông tư 54 từ ngày 1/7/2021 và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023.
Giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước?
Thực tế, các hãng tàu nước ngoài hiện đang thu từ khách hàng xuất nhập khẩu Việt Nam nhiều khoản phụ thu, trong đó phí xếp dỡ tại cảng THC (Terminal Handling Charge) rất cao, rơi vào khoảng 114-173 USD/container (tùy 20 feet hay 40 feet), ngang bằng các nước trong khu vực. Nhưng các cảng biển Việt Nam chỉ thu được giá bốc dỡ container rất thấp, với 33 USD/teu (20 feet) tại khu vực Đình Vũ, 52 USD/teu tại khu vực Cái Mép và 41 USD/teu tại khu vực TPHCM.
Bảng so sánh phí THC bình quân giữa các nước
So với các nước, giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam đang ở mức thấp nhất (bằng 70% của Malaysia, 61% của Indonesia, 46% của Singapore). Trong đó, thấp nhất là khu vực I (khu vực cảng miền Bắc với giá 33 USD/cont 20’ và 50 USD/cont 40’), cao nhất là khu vực cảng Lạch Huyện và Cái Mép- Thị Vải (52 USD/cont 20’ và 77 USD/cont 40’).
Nhìn chung, mức giá hiện tại được coi là lợi thế cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam để thu hút tàu trọng tải lớn vào khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện. Thời gian qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng khi sản lượng tăng trưởng trung bình 13%/năm, thu hút được gần 40 hãng tàu trên thế giới ra vào làm hàng.
Đến nay, cảng biển Việt Nam đã đón được 28 tuyến tàu mẹ tại khu vực Cái Mép và 2 tuyến tại khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện. Hàng hóa Việt Nam đi thẳng sang thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3, góp phần giảm chi phí logistics, giảm thời gian lưu thông hàng hóa.
Hải Phòng đang có hơn 10 doanh nghiệp cảng biển container. Để thu thu hút khách hàng, một số doanh nghiệp cảng đã giảm giá dịch vụ xuống mức rất thấp, thậm chí tại thời điểm chưa ban hành khung giá, giá giảm chỉ còn 25-28 USD/cont 20’. Tuy vậy, sau khi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT được ban hành, mức giá tại khu vực Hải Phòng đã được điều chỉnh tăng lên 33 USD/cont 20’, khu vực Lạch Huyện điều chỉnh tăng từ 46 USD/cont 20’ lên 52 USD/cont 20’.
Với mức giá áp dụng Thông tư 54, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển thời gian vừa qua đều ghi nhận có lãi. Quý 1/2021, cảng Hải Phòng ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 173 tỷ đồng, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn cũng ghi nhận lợi nhuận tăng lần lượt từ 7% và 27% nhờ doanh thu từ khai thác cảng cải thiện trong những tháng đầu năm.
Theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT, các doanh nghiệp cảng biển hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cao hơn mức giá tối thiểu mà không cần điều chỉnh Thông tư 54. Cụ thể, khung giá quy định khu vực I cho phép thu từ 33-53 USD/cont 20’, khu vực Cái Mép và Lạch Huyện là 52-60 USD/cont 20’. Nhưng thực tế, các cảng biển Việt Nam hiện nay đều đang áp dụng mức giá bằng giá tối thiểu.