MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhu cầu trong nước có dấu hiệu yếu dần, VDSC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 6,5%

Nhu cầu trong nước có dấu hiệu yếu dần, VDSC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 6,5%

Theo báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 2/2021 đạt 7,2%. Đồng thời, giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam xuống 6,5% so với mức trước đó là 6,7%.

Đợt bùng phát mới sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng hoạt động sản xuất trong tháng 6

Báo cáo đã chỉ ra một số tác động ban đầu của đợt dịch lần này đối với hoạt động sản xuất ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong số 2 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt bùng phát mới nhất, Bắc Giang là nơi có 13 nhà cung cấp của Samsung và đối tác của Apple (Foxconn và Luxshare), trong khi Samsung có nhiều cơ sở sản xuất tại Bắc Ninh.

Trong tháng 5, việc tạm ngừng hoạt động tại bốn khu công nghiệp đã khiến sản xuất công nghiệp của Bắc Giang giảm 40,9% so với tháng trước và giảm 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, nhờ khu phức hợp của Samsung vẫn hoạt động bình thường trong thời gian dịch bùng phát, sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh chỉ giảm 2,2% so với tháng trước và vẫn tăng 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu trong nước có dấu hiệu yếu dần, VDSC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 6,5% - Ảnh 1.

Theo Tổng cục thống kê, bất chấp tình hình phức tạp của đại dịch trên khắp cả nước, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục mở rộng trong tháng 5 năm 2021 với mức tăng 1,6% so với tháng trước và 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu của Bắc Giang và Bắc Ninh chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giá trị sản phẩm cơ khí điện tử xuất khẩu của các tỉnh này chiếm 30,0% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia.

Tổng giá trị xuất khẩu của Bắc Ninh trong tháng 5 năm nay giảm 5,5% so với tháng trước, nhưng tăng 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ xuất khẩu điện thoại tăng mạnh. Xuất khẩu của cả nước ước tính đạt 26 tỷ USD vào tháng 5 năm 2021, giảm 2,1% so với tháng trước.

VDSC nhận định, nhìn chung, các hoạt động xuất khẩu chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bùng phát mới nhất, nhưng sự gián đoạn kéo dài chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu.

Do mức tăng trưởng thấp trong cùng kỳ năm ngoái, sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo IHS Markit, các hoạt động sản xuất của Việt Nam tiếp tục mở rộng vào tháng 5/2021 nhưng với tốc độ chậm hơn so với những tháng trước.

Do đợt bùng phát gần đây với quy mô lớn và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nên các doanh nghiệp tại Bắc Giang và Bắc Ninh khó có thể nhanh chóng trở lại hoạt động. Các chuyên gia của VDSC đánh giá, đợt bùng phát mới nhất sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 6 năm nay.

Giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm xuống mức 6,5%

Trong quý 2/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do ảnh hưởng của đại dịch, với mức tăng trưởng GDP là 0,36%. Mức nền thấp của năm ngoái là cơ sở cho sự phục hồi mạnh của kinh tế trong quý 2/2021. Trước đó, VDSC dự báo tăng trưởng GDP quý 2/2021 có thể đạt mức 7,4%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng GDP 4,5% trong quý 1/2021.

Trong tháng 4/2021, kinh tế phục hồi với sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp (tăng 22,2% so với cùng kỳ), doanh thu bán lẻ (tăng 30,9% so với cùng kỳ) và xuất khẩu (tăng 50,8% so với cùng kỳ).

Song, sự bùng phát gần đây của đại dịch Covid-19 đã hạn chế đà tăng trưởng của ngành sản xuất và tiêu dùng nội địa vào thời điểm giữa quý 2 của năm. Trong tháng 5/2021, sản xuất công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ, nhưng doanh thu bán lẻ giảm 1 % so với cùng kỳ. Mặt khác, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng 35,6% so với cùng kỳ.

VDSC kỳ vọng, tình trạng đình trệ sản xuất tại các điểm nóng Covid-19 lớn nhất của Việt Nam sẽ được kiểm soát vào tháng 6. Việc đóng cửa 4 khu công nghiệp ở Bắc Giang sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất công nghiệp của đất nước vì các doanh nghiệp FDI lớn đã có thể hoạt động trở lại.

Hoạt động sản xuất của Bắc Ninh có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế, là tỉnh đứng đầu về giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) và đứng thứ hai về kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020. Đến nay, gần 80.000 lao động ở Bắc Ninh đã được tiêm phòng vaccine.

Trong điều kiện Bắc Ninh duy trì hoạt động sản xuất bình thường, VDSC nhận định đợt bùng phát mới nhất có thể kìm hãm tăng trưởng sản xuất vào tháng 6/2021 nhưng sự phục hồi sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2021.

Liên quan đến cầu, VDSC không mấy lạc quan về sự phục hồi của tiêu dùng trong nước được đánh giá không mấy lạc quan do diễn biến mới nhất của đại dịch. Các chuyên gia của công ty chỉ rõ, đại dịch đã gây ra nhiều khó khăn cho đại bộ phận người tiêu dùng trong nước.

Tình trạng mất việc làm và giảm thu nhập có thể trở nên trầm trọng hơn trong đợt lây nhiễm thứ tư. Nhóm ngành dịch vụ vẫn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự lây lan của đại dịch, điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới.

Trong kịch bản cơ sở mà VDSC đưa ra, lĩnh vực sản xuất vẫn có khả năng phục hồi, trong khi nhu cầu trong nước phục hồi yếu hơn dự kiến, tăng trưởng GDP quý 2/2021 ước đạt 7,2%, giảm 0,2 điểm % so với dự báo trước đó. VDSC cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cả năm xuống 6,5% so với dự báo trước đó là 6,7%.

Báo cáo kết luận: "Rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng tiếp tục là sự tái bùng phát đại dịch. Đổi lại, tốc độ tiêm phòng trong nước tăng nhanh có thể giúp Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó giúp tiêu dùng khu vực tư nhân trở lại mức trước Covid-19 sớm hơn mong đợi".

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên