MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục TCDN đề xuất chuyển vốn của Bộ Công thương tại Sabeco và Habeco sang cho SCIC nếu chưa hoàn thành bản cáo bạch trước ngày 30/09/2017

Riêng tại Habeco và Sabeco, Cục đề xuất giao Bộ Công thương đẩy nhanh hơn tiến độ bán toàn bộ vốn tại 2 doanh nghiệp này, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 01/12/2017.

Sáng ngày 27/09/2017, tại buổi Họp báo chuyên đề cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của Bộ tài chính, Cục tài chính Doanh nghiệp đã trình Bộ một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Doanh nghiệp nhà nước trong 3 tháng cuối năm nhằm đảm bảo nguồn thu tư cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong năm 2017 là 60.000 tỷ đồng.

Riêng tại Habeco và Sabeco, Cục đề xuất giao Bộ Công thương đẩy nhanh hơn tiến độ bán toàn bộ vốn tại 2 doanh nghiệp này, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 01/12/2017. Trường hợp đến ngày 30/09/2017, Bộ Công thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn.

Cục TCDN cũng trình Bộ chỉ đạo SCIC thực hiện bán 3,33% cổ phần tại Vinamilk theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại công văn (MẬT) số 2105/VPCP-ĐMDN ngày 20/07/2017.

Thoái vốn tại Tổng Công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội và Sài Gòn (Sabeco và Habeco) là hai thương vụ được chờ đợi nhất hiện nay. Tại Sabeco, Bộ Công Thương nắm giữ là 89,59% vốn điều lệ và dự kiến sẽ bán 53,59%. Còn ở Habeco, Bộ Công Thương dự kiến sẽ thoái toàn bộ 81,79% phần vốn đang sở hữu.

Thị phần của Sabeco tính đến 2016 lên tới 40% - tiếp tục dẫn đầu thị trường, trong khi Habeco nắm giữ 18%. Đứng vị trí thứ hai là thương hiệu bia ngoại Heineken với thị phần 25%.

Carlsberg là cổ đông chiến lược tại Habeco đã gần 10 năm với việc nắm 17,51% cổ phần và hiện muốn mua 51% cổ phần của Habeco. Dù đã trải qua 9 phiên đàm phán nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án mà vấn đề lớn nhất là giá bán. Carlsberg muốn đàm phán ở mức giá tương đương với giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Habeco (48.000 đồng) trong khi trên thị trường, giá BHN đã tăng lên trên 100.000 đồng. Hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, cho dù Carlsberg có quyền ưu tiên đàm phán.

Với Sabeco, nhiều doanh nghiệp ngoại đánh tiếng muốn mua như tập đoàn Asahi Group Holdings (Nhật), Thai Beverage, Singha của Thái Lan, Kirin, Heineken và Anheuser-Busch InBev... dù … chê cổ phiếu trên sàn đang quá đắt.

Linh Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên