MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cục trưởng nói về cơ hội của các hãng hàng không mới

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, luôn ủng hộ các hãng hàng không mới ra đời, nhưng các hãng cần tránh tập trung vào khai thác đường trục Bắc – Nam, với các sân bay đã quá tải như Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (Hà Nội). Đồng thời cảnh báo, đây là lĩnh vực “đốt tiền”, cần có tiềm lực mạnh.

Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhận định, kinh doanh hàng không đòi hỏi vốn lớn, dù kiếm tiền nhanh, nhưng thiệt hại cũng rất nhanh. Có đường bay có thể sinh lãi ngay, nhưng cũng có đường bay cần thời gian để xây dựng. Hàng không có đặc điểm là theo mùa, cao và thấp điểm. Nên phải chuẩn bị đủ cho khi bay cao điểm, và nguồn lực duy trì khi vắng khách. Có hãng phải bay 1-2 năm lỗ mới phát động được thị trường có lãi. Do đó, vốn tối thiểu với hàng không rất lớn.

“Làm hàng không rất khó, đặc biệt về khai thác vận tải. Chúng tôi cũng cảnh báo làm hàng không là ‘đốt tiền’ thật sự, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay”, ông Thắng nói.

Lãnh đạo Cục Hàng không tiếp tục thừa nhận sự quá tải của hạ tầng hàng không, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, thời gian này Cục không cấp phép bay cho hãng nào đi/đến sân bay này. Theo ông Thắng, các hãng mới thành lập cũng biến điều đó, nên trong các Đề án xin cấp phép bay đều tránh Tân Sơn Nhất, chuyển hướng khai thác các sân bay khác.

Ngoài ra, các hãng mới cũng phải chấp nhận khai thác các slot còn trống, các đường bay chưa có hãng khai thác, và chờ đợi cơ hội khi các sân bay lớn hiện nay tăng năng lực. Còn với các đường bay có slot “giờ vàng” mà các hãng hiện hữu đang khai thác, các hãng mới sẽ không thể chen chân vào đẩy hãng cũ đi.

Cục trưởng nói về cơ hội của các hãng hàng không mới - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng.

 Theo ông Thắng, hiện các thị trường ngách vẫn còn cơ hội cho hãng mới, và Cục Hàng không luôn ủng hộ hướng đi này. Điển hình như Vietravel Airlines chỉ tập trung khai thác mô hình thuê chuyến (charter), vì hiện Việt Nam chưa có hãng nào chuyên biệt trong lĩnh vực này, và Vietravel cũng là hãng lữ hành thuê chuyến lớn nhất nước hiện nay. Trên thế giới cũng có nhiều hãng thành công với mô hình này.

Tuy vậy, theo vị lãnh đạo này, bay charter có thách thức là hiện các sân bay đã đông đúc thường ít tiếp nhận các chuyến bay theo hình thức này, để ưu tiên các đường bay định kỳ. Đồng thời, hãng phải đảm bảo tần suất khai thác tàu bay lớn để đảm bảo giảm chi phí, tăng tính hiệu quả. Như Vietjet hiện khai thác bình quân 1 tàu bay khoảng 13 giờ/ngày, Vietnam Airlines khoảng 10 giờ/ngày, còn nếu 1 ngày mỗi tàu bay chỉ hoạt động 3-4 tiếng sẽ không đảm bảo có hiệu quả khi chi phí cao.

Lãnh đạo Cục Hàng không cũng đánh giá tốt với Đề án của hãng hàng không Vinpearl Air, khi có nhà đầu tư với tiềm lực tài chính và thương hiệu mạnh. Đồng thời, có cách tiếp cận nghiêm túc, bài bản. Theo ông Thắng, Vinpearl Air xác định làm hàng không không dễ, nên lựa chọn cách đi từ từ, không vội vàng đưa tàu bay vào khai thác ngay. Thay vào đó, thực hiện đào tạo nhân lực trước...

“Cơ hội làm hàng không luôn còn rất nhiều, không chỉ kiếm lời, hàng không còn giúp làm thương hiệu rất tốt, và Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển”, ông Thắng nói.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên