Cung - cầu cà phê, đường, cacao sẽ ra sao trong vụ này và vụ tới?
Hai mặt hàng cà phê và đường đã giảm khá nhiều trong năm vừa qua, nhưng dự báo đà giảm sẽ chưa kết thúc bởi nguồn cung vẫn nhiều trong khi nhu cầu tăng chậm. Trong khi đó cacao đã tăng giá 30% trong năm qua và vẫn có thể còn tăng thêm nữa.
- 15-02-2019Xuất khẩu hạt tiêu: Phải đi vào chất lượng
- 15-02-2019Trung Quốc có cứu nổi khủng hoảng nguồn cung quặng sắt toàn cầu?
- 15-02-2019Những thương hiệu 'im hơi lặng tiếng' trên thị trường ô tô Việt Nam
Nhu cầu cà phê được dự báo giảm trong vụ này và vụ tới
Trong báo cáo mới nhất, EIU (cơ quan phân tích thuộc The Economist) dự báo nhu cầu cà phê thế giới sẽ giảm 2,3% trong năm 2018/19 và giảm tiếp 1,8% trong năm 2019/20, trái ngược hẳn với dự báo là tăng lần lượt 2,9% và 2% đưa ra trong báo cáo trước đây. Nguyên nhân bởi kinh tế sa sút, nhất là ở Châu Âu và Mỹ. Những chính sách ngày một thắt chặt hơn ở những nước tiêu thụ chủ chốt sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu cà phê.
Tại những nền kinh tế đang phát triển thì cà phê vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ nên nếu thu nhập sụt giảm sẽ tác động trực tiếp đến nhu cầu, trong khi ở những nước phát triển thì nếu kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ tự pha cà phê ở nhà chứ không năng lui tới nhà hàng.
Về nguồn cung, sản lượng cao theo chu kỳ (2 năm một lần) ở Brazil – nước sản xuất lớn nhất thế giới – sẽ tiếp tục tắc động đến sản lượng cà phê toàn cầu. EIU dự báo sản lượng cà phê thế giới sẽ hồi phục và tăng 6,9% trong năm 2018/19, trong đó 80% mức tăng đến từ Brazil. Bên cạnh đó, sản lượng cũng tăng ở một số nước sản xuất khác thuộc Châu Mỹ Latinh cũng như Châu Á. Tuy nhiên, cũng do yếu tố chu kỳ nên sản lượng của Brazil niên vụ 2019/2020 dự báo sẽ giảm 2,7%, trong bối cảnh sản lượng cùng năm ở những nơi khác chỉ tăng nhẹ (không đủ bù đắp cho sản lương giảm ở Brazil). Nguyên nhân bởi giá cà phê thấp trong thời gian gần đây sẽ khiến người trồng cà phê chán nản nên giảm đầu tư chăm sóc cho loại cây này trong trung hạn, ảnh hưởng tới năng suất.
Nhu cầu đường tăng chậm, trong khi sản lượng tăng nhanh
EIU dự báo tiêu thụ đường toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,1%/năm trong những niên vụ 2018/19 và 2019/2020 (niên vụ kết thúc vào tháng 9). Tiêu thụ tăng chủ yếu bởi dân số và thu nhập ở những thị trường đang phát triển đều tăng, nơi người dân sống ở thành thị ngày càng quen với việc sử dụng thực phẩm và đồ uống giống như ở các nước phát triển. Đường có vai trò quan trọng trong sự thay đổi chế độ ăn uống bởi hầu hết các thực phẩm và đồ uống chế biến đều có đường, và đường cũng là chất liên kết và giữ thực phẩm được bảo quản tốt hơn.
Về nguồn cung, sau khi sản lượng đường thế giới tăng nhanh, khoảng 12,6% trong năm 2017/18, sản lượng niên vụ 2018/19 dự báo sẽ tăng 5,3%, và tăng 1,1% trong năm 2019/2020. Nguyên nhân bởi điều kiện sản xuất không thuận lợi sau năm 2017/18 bội thu.Giá thấp cũng là một trong những nguyên nhân kiềm chế sản lượng tăng mạnh, bởi nhiều cơ sở sản xuất buộc phải giảm bớt công suất hoặc đóng cửa một số cơ sở trong bối cảnh giá đường thấp, hoặc có thể chuyển mía sang sản xuất những sản phẩm khác mang lại lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không diễn ra nhanh chóng, bởi mía là cây trồng nhiều năm, và ngành đường thường ký kết các hợp đồng thời hạn dài. Ngoài ra, diện tích mía tăng và khả năng tăng chi phí đầu vào có thể khiến sản lượng niên vụ 2018/19 và 2019/2020 ở hầu hết các thị trường, nhất là Thái Lan, mặc dù điều kiện sinh trưởng của cây mía không thuận lợi như những năm trước. Sự can thiệp của một số chính phủ, nhất là Ấn Độ, vào thị trường cũng khiến cho các nhà máy đường bị giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, sau 2 năm sản lượng giảm, EIU ch rằng thị trường toàn cầu sẽ gần trở lại cân bằng vào năm 2019/2020.
Cacao sẽ vẫn thiếu cung trong vụ này và vụ tới
Tiêu thụ cacao toàn cầu niên vụ 2017/18 ước tính tăng 2,1%, và dự báo có thể sẽ chỉ tăng chậm lại chút ít trong niên vụ 2018/19 bởi điều kiện kinh tế ở một số quốc gia tiêu thụ cacao chủ chốt vẫn tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, đến năm 2019/2020, tăng trưởng tiêu thụ sẽ giảm tốc rõ rệt, chủ yếu bởi nhu cầu sa sút ở Châu Âu và Mỹ. Mặc dù vậy, nhu cầu trên toàn cầu dự báo sẽ vẫn tăng 1,3% (tuy nhiên mức này thấp hơn so với mức tăng trưởng bền vững khoảng 2%/năm). Tại các nước phát triển, nhu cầu tiêu thụ trung bình người vốn đã cao nên khó có thể tăng mạnh.
Ngoài ra, giá bán lẻ cacao dự báo sẽ tăng bởi giá cacao nguyên liệu trên toàn cầu mấy tháng gần đây tăng lên khiến nhiều người tiêu dùng phải chuyển sang sử dụng các loại bán kẹo không có sôcôla. Kích thước thanh sôcôla – động lực chính thúc đẩy nhu cầu cacao – cũng bị thu hẹp lại, một phần do người tiêu dùng ngày càng lo sợ béo phì, phần nữa để đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất trong bối cảnh cacao nguyên liệu tăng giá. Và điều này cũng sẽ cản trở tăng trưởng tiêu thụ mặt hàng cacao.
Về nguồn cung, sau khi giảm khoảng 3,1% trong niên vụ 2017/18, triển vọng sản lượng cacao toàn cầu niên vụ này và niên vụ tới dự báo sẽ có nhiều biến động. EIU dự báo sản lượng sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2018/19, tăng 1%, sau đó giảm 2,8% trong năm 2019/2020.
Mặc dù có thể sản lượng sẽ tăng mạnh ở Bờ Biển Ngà – nước sản xuất cacao lớn nhất thế giới, song cũng chỉ đủ bù đắp cho sản lượng giảm ở Ghana – nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới – và Cameroon cũng như Nigeria. Nguyên nhân bởi thiếu các chính sách hỗ trợ của chính phủ và niềm tin của người trồng trọt bị giảm (trong trường hợp Cameroon – do bất ổn chính trị). Mặc dù giá tăng trong năm 2018, nhưng trước đó giá giảm kéo dài có thể khiến nông dân không muốn đầu tư nhiều cho phân bón hay thuốc trừ sâu, khiến tỷ lệ cây bị bệnh trong thời gian tới sẽ nhiều, là một trong những lý do khiến sản lượng cacao toàn cầu sụt giảm.
Sản lượng tăng ở các nhà sản xuất khác thuộc Châu Mỹ Latinh và Châu Á sẽ không thể bù đắp sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng cacao của những nhà sản xuất lớn nhất châu Phi.