Cùng hợp tác phát triển năng lượng xanh
Nhận thức đúng về tương lai hệ thống năng lượng toàn cầu, mỗi quốc gia cần đưa ra quan điểm như thế nào để hợp tác thành công sử dụng năng lượng hiệu quả.
Nội dung này đã được đề cập đến trong chương trình Phát triển kinh tế năng lượng do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan sản xuất và phát sóng trên kênh VTV2.
Theo báo cáo đến năm 2050, thế giới năng lượng sẽ hoàn toàn khác. Nhu cầu năng lượng toàn cầu nhỏ hơn khoảng 8% so với hiện nay, nhưng nó phục vụ một nền kinh tế lớn hơn gấp đôi và dân số tăng thêm 2 tỷ người. Các công nghệ năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió là chìa khóa để giảm lượng khí thải trong ngành điện, vốn là nguồn phát thải CO2 lớn nhất hiện nay.
Gần 90% sản lượng điện đến từ các nguồn tái tạo, trong đó điện gió và mặt trời chiếm gần 70%. Năng lượng mặt trời là nguồn cung cấp tổng năng lượng lớn nhất thế giới. Nhiên liệu hóa thạch giảm từ gần 4/5 tổng nguồn cung năng lượng ngày nay xuống khoảng 1/5.
Lượng khí thải toàn cầu đã giảm vào năm 2020 do cuộc khủng hoảng Covid-19 nhưng đã nhanh chóng tăng trở lại khi các nền kinh tế phục hồi. Con đường để đến được mục tiêu khí thải bằng 0 ngày càng trở nên chật hẹp mà để duy trì nó đòi hỏi phải triển khai ngay lập tức tất cả các công nghệ sạch và hiệu quả. Hiện nay, có 5 nguồn năng lượng sạch đang được nghiên cứu phát triển và khai thác mạnh mẽ trên khắp thế giới
Năng lượng mặt trời: là nguồn năng lượng sạch và dồi dào mà con người có thể khai thác được trong khoảng thời gian rất dài, ước tính là 5 tỉ năm. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu lắp những tấm pin năng lượng mặt trời vào một tòa nhà cao 1km thì sản lượng điện mà nó tạo ra sẽ đủ để cung cấp cho khoảng 200 nghìn hộ gia đình.
*Năng lượng gió: Cối xay gió trong quá khứ ngày nay được thay thế bằng những cánh quạt gió như thế này. Hiện nay năng lượng gió được khai thác mới chỉ chiếm được 1% nhu cầu điện của thế giới. Mỹ, Đức, Trung Quốc là các quốc gia phát triển nguồn năng lượng này mạnh nhất.
*Năng lượng địa nhiệt: cứ xuống sâu 33m, nhiệt độ trong lòng đất sẽ tăng thêm 1 độ C. Ở độ sâu 60km, nhiệt độ có thể đạt tới 1800 độ C, và ở độ sâu từ khoảng 30km trở xuống, bất kỳ chỗ nào cũng có đủ nhiệt để sản xuất điện. Nhiệt độ các giếng sâu 3-5km trong lòng đất có thể khiến nước sôi lên, hơi nước bôc lên theo ống dẫn làm quay tuabin máy phát điện. Vì thế đây chính là nguồn năng lượng dồi dào có thể khai thác cho tương lai. Mỹ, Philippines, Indonesia là các quốc gia đứng đầu về sản xuất điện địa nhiệt.
*Năng lượng sóng biển: được đánh giá là nguồn năng lượng vô cùng lớn và trường tồn với thời gian. Mỗi trạm điện sóng biển có các phao nổi, di chuyển theo tác động của sóng. Chuyển động lên xuống của chúng được sử dụng để chạy máy phát điện. Các quốc gia đang tích cực nghiên cứu để phát triển nguồn năng lượng này.
*Năng lượng sinh khối: Sinh khối bao gồm cây cối, các loài tảo thực vật khác, bã nông nghiệp và lâm nghiệp, giấy vụn, mê tan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải....Năng lượng sinh khối có thể tạo nhiệt, sản xuất điện năng, làm nhiên liệu cho ngành giao thông vận tải. Năng lượng sinh khối đang chiếm khoảng 15% tổng năng lượng tiêu thụ và đứng thứ 4 trong các nguồn năng lượng được khai thác.
Theo đó, những năm gần đây đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, hướng tới mục tiêu xác định và tháo gỡ các rào cản thương mại không cần thiết, thúc đẩy các cơ chế đầu tư thông thoáng, minh bạch và công bằng nhằm thu hút nguồn lực sẵn có từ khu vực tư nhân cho phát triển năng lượng tái tạo
Mời quý vị và các bạn tiếp tục đón xem chương trình phát sóng vào 8h10 thứ bảy và chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV2. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo).