MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng là sa thải hàng loạt, một số công ty có nguy cơ ‘sập bẫy’ để rồi hối tiếc về sau

05-03-2023 - 11:54 AM | Tài chính quốc tế

Cùng là sa thải hàng loạt, một số công ty có nguy cơ ‘sập bẫy’ để rồi hối tiếc về sau

Các công ty như Goldman Sachs, Meta và Ford cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những thiệt hại lâu dài về tinh thần khi họ sa thải nhân viên.

Cắt giảm nhân sự là vấn đề nhiều công ty đang cân nhắc. Đợt sa thải đầu tiên đã càn quét lĩnh vực công nghệ vào tháng 11. Đến tháng 1/2023, các công ty Mỹ như Goldman Sachs, Microsoft và Amazon tiếp tục sa thải gần 103.000 người, mức cao nhất hàng tháng kể từ đỉnh điểm của đại dịch.

Hiện tại, làn sóng đang lan rộng, vì các giám đốc buộc lòng phải cắt giảm chi phí trước một cuộc suy thoái tiềm tàng. Nhóm công ty công nghệ còn cắt giảm mạnh tay hơn khi đã đánh giá sai tác động của đại dịch đến thói quen của khách hàng.

Các công ty tài chính và tư vấn cũng đang đối phó với thị trường biến động và khối lượng giao dịch giảm. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô đang phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều cách để cắt giảm nhân sự. Một số nhà tuyển dụng lớn có thể đang rơi vào những “cái bẫy” nguy cơ gây thiệt hại lâu dài về tinh thần và sự phát triển trong tương lai.

Họ cũng thừa nhận một trong những sai lầm là khiến nhân viên cảm thấy như công ty hướng đến mục tiêu cắt giảm chi phí nhanh chóng, chứ không phải là các kế hoạch chiến lược dài hạn.

Cùng là sa thải hàng loạt, một số công ty có nguy cơ ‘sập bẫy’ để rồi hối tiếc về sau - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành David Solomon của Goldman Sachs đã thừa nhận rằng lẽ ra ông nên giảm số lượng nhân viên sớm hơn. Ảnh: RT

Các công ty phải hành động dứt khoát

Các chuyên gia quản lý cảnh báo các công ty đừng để quá trình sa thải kéo dài. Phó giáo sư tài chính Kairong Xiao tại Trường Kinh doanh Columbia cho biết: “Điều tồi tệ nhất mà các công ty làm là thực hiện sa thải chậm chạp và đau đớn. Nếu anh nói ‘chúng ta sẽ cắt giảm nhân sự trong 3 tháng’, thì trong 3 tháng đó, không ai làm được việc gì cả”.

Các ngân hàng Phố Wall như Goldman và Morgan Stanley đang thực hiện cắt giảm nhân sự theo những cách trái ngược nhau.

Tại Morgan Stanley, 1.800 nhân viên, chiếm hơn 2% tổng số lao động trong công ty, đã bị sa thải vào đầu tháng 12. Với quyết định dứt khoát này, nỗi lo lắng còn đọng lại rất ít.

Trong khi đó, Goldman cắt giảm 3.200 người, tương đương 6,5% tổng số nhân viên. Đến đầu tháng 12, các trưởng nhóm tiếp tục lập danh sách những người có nguy cơ bị sa thải. Kế hoạch này đã bị rò rỉ thông tin và khiến toàn công ty hoang mang không biết sai sẽ bị cho thôi việc.

Tại Amazon, quá trình sa thải 18.000 nhân viên, nhiều nhất trong lịch sử của công ty, cũng bị kéo dài. Năm ngoái, công ty đã cho đóng băng tuyển dụng, sau đó là cắt giảm nhân sự thuộc các đơn vị thử nghiệm hoặc làm ăn thua lỗ. Các cuộc thảo luận nội bộ trên kênh làm việc Slack cho thấy nỗi thất vọng của nhiều nhân viên. Họ cảm thấy như bị bỏ rơi trong bóng tối.

Cùng là sa thải hàng loạt, một số công ty có nguy cơ ‘sập bẫy’ để rồi hối tiếc về sau - Ảnh 2.

Công nhân của Ford. Ảnh: Bloomberg

Xếp hạng và cắt giảm

Một số công ty có ý định sử dụng biện pháp cắt giảm để sa thải những người làm việc kém. Nhưng hệ thống đánh giá có thể không đáp ứng được nhiệm vụ đó.

Tháng 9 năm ngoái, Mark Zuckerberg của Meta đã ra lệnh cho các giám đốc soạn danh sách 15% nhân sự mỗi nhóm để đưa vào đánh giá hiệu suất. Chưa đầy 2 tháng sau, Meta đã sa thải 11.000 người, chiếm 13% tổng lực lượng lao động của công ty vào thời điểm đó. Đây là đợt sa thải trong một ngày lớn nhất trong lịch sử của Meta.

Việc cắt giảm phần lớn dựa trên hiệu suất và ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận, mặc dù một số lĩnh vực như tuyển dụng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Trưởng khoa Angie Kamath tại Đại học New York cho biết một điều đáng thất vọng về đợt sa thải năm 2023 là có rất ít công ty cố gắng tìm ra những cách sáng tạo để cắt giảm chi phí ngoài sa thải nhân viên.

Một số doanh nghiệp rõ ràng đang phải đối mặt với áp lực theo chu kỳ mà họ thường gặp, nhưng có vẻ như rất ít công ty muốn thử cho nhân viên nghỉ phép hoặc chuyển sang làm bán thời gian cho đến khi hoạt động kinh doanh khởi sắc.

“Đó là những lựa chọn khả thi và các công ty nên suy nghĩ thêm về điều đó”, bà nói và lưu ý thêm rằng cuộc chiến tranh giành nhân tài sẽ rất tốn kém.

Tham khảo FT

Thiên Di

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên