MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng thu hút lao động di cư nhưng TP. HCM có gì khác xa Bình Dương?

Cùng thu hút lao động di cư nhưng TP. HCM có gì khác xa Bình Dương?

Tỷ lệ lao động nhập cư cao nhất được ghi nhận tại Bình Dương với 26,3%, tức cứ 100 lao động làm việc tại Bình Dương thì có khoảng 26 người là lao động nhập cư từ tỉnh khác.

Kết quả điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2020 cho thấy, 11 địa phương có tỷ suất di cư thuần dương, các địa phương còn lại tỷ suất di cư thuần đều âm. Bình Dương vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ suất di cư thuần dương 58,6‰, đứng thứ hai là Bắc Ninh với tỷ suất di cư thuần dương 35,8‰, vị trí thứ ba là thành phố Hồ Chí Minh với tỷ suất di cư thuần dương 18‰.

Tỷ suất di cư thuần là hiệu số giữa số người nhập cư và số người xuất cư của một đơn vị lãnh thổ trong kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính bình quân trên 1000 dân của đơn vị lãnh thổ đó.

Về lao động di cư, theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Bình Dương, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Đà Nẵng - các tỉnh có hoạt động kinh tế sôi động, tập trung nhiều khu công nghiệp, là các tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động nhập cư cao nhất cả nước. 

Trong đó, tỷ lệ lao động nhập cư cao nhất được ghi nhận tại Bình Dương với 26,3%, tức cứ 100 lao động làm việc tại Bình Dương thì có khoảng 26 người là lao động nhập cư từ tỉnh khác. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỉnh có tỷ lệ nhập cư cao thứ 2 cả nước là tỉnh Bắc Ninh với 15,8% lao động là người nhập cư.

Cùng thu hút lao động di cư nhưng TP. HCM có gì khác xa Bình Dương? - Ảnh 2.

Theo báo cáo, tại Bình Dương và Bắc Ninh, đa số lao động di cư làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng. Tỷ trọng lao động di cư làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng tại Bình Dương và Bắc Ninh năm 2019 lên tới hơn 82%.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba. Năm 2009, đa số lao động di cư làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tới 63,9%. Nhưng đến năm 2019, tỷ trọng lao động di cư làm việc trong khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ gần như tương đồng, tương ứng là 49,8% và 49,6%. 

Đà Nẵng đứng thứ tư, đa số lao động di cư làm việc trong khu vực dịch vụ, năm 2009 là 54% và năm 2019 là 66,2%. Đồng Nai đứng thứ năm, nhưng cũng như Bình Dương và Bắc Ninh, đa số lao động di cư vào Đồng Nai làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng, năm 2009 là 74,8% và năm 2019 là 80,1%. 

Phân tích tỷ trọng lao động lao động di cư làm việc theo khu vực kinh tế ở 5 tỉnh có mức nhập cư cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là hai điểm đến thu hút lao động di cư làm việc trong khu vực dịch vụ. Ba tỉnh còn lại, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai thu hút lao động di cư làm việc chủ yếu ở khu vực công nghiệp và xây dựng. 

Mặt khác, nhóm nghề “bậc trung” (gồm lao động trong các nhóm nghề sau: nhân viên, dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng, nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp, thợ thủ công và các thợ khác có liên quan, thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị) thu hút nhiều lao động nhất đối với cả nhóm lao động di cư và lao động không di cư và tỷ lệ này tăng theo thời gian. 

Tỷ trọng “Lao động giản đơn” hay còn gọi nhóm nghề “bậc thấp” của nhóm lao động không di cư cao hơn so với nhóm di cư.

Xem xét cơ cấu lao động có việc làm của người di cư và không di cư ở 5 tỉnh có mức nhập cư cao nhất, giai đoạn 2009-2019 cho thấy đa số lao động di cư làm việc ở nhóm nghề “bậc trung” với tỷ lệ thấp nhất thuộc về Đà Nẵng, năm 2009 là 62,2% và năm 2019 là 64,3% và tỷ lệ cao nhất thuộc về Bình Dương năm 2009 và đến năm 2019, Bắc Ninh là tỉnh có tỷ lệ cao nhất đạt 87,3%. 

Tỷ lệ lao động nhóm di cư làm việc trong nhóm nghề “bậc cao” ở thành phố Đà Nẵng là cao nhất trong số 5 tỉnh có mức nhập cư lớn nhất, với tỷ lệ năm 2009 là 28,9% và năm 2019 là 29,7%.

Các địa phương thu hút lao động di cư hàng đầu cũng là những tỉnh dẫn đầu về thu nhập bình quân. Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng. TP. HCM đứng thứ hai với 6,537 triệu đồng/người/tháng. Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng đều có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Hoàng Hà

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên