Cùng thuộc nhóm làm việc nhiều nhất cả nước, 2 khu vực này lại có mức độ quan tâm sức khỏe "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Đây là 2 vùng thuộc nhóm kinh tế phát triển hàng đầu Việt Nam. Dù vậy, người ta vẫn chứng kiến những sự khác biệt trong tỷ lệ thăm khám, chữa bệnh và mức chi tiêu y tế bình quân trong giai đoạn 10 năm (2010-2022) tại 2 vùng này.
- 08-05-2023Bán ngũ cốc giá 1 triệu/hộp để lấy vốn kinh doanh, tôi nhận ra: Nắm được chân lý này, không giàu cũng khó
- 07-05-2023Con cái lớn lên không hiếu thảo, nguyên nhân có thể ẩn chứa trong 4 câu cửa miệng của cha mẹ vô tâm
- 02-05-2023Nhà tuyển dụng: 'Vì sao nhiều người không thích đi họp lớp?' - Ứng viên phân tích ra 4 nguyên do, được nhận vào làm ngay
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam (giai đoạn 10 năm từ năm 2010 đến năm 2020), số giờ làm việc bình quân mỗi tuần của một lao động có xu hướng tăng lên. Cụ thể, năm 2010, con số này ở mức 32,7 giờ/tuần thì tới năm 2020, con số đã tăng lên 36,9 giờ/tuần.
Trong đó, số giờ làm việc bình quân/tuần của lao động ở thành thị năm 2020 đã đạt mức 42,6 giờ/tuần. Còn số giờ làm việc bình quân ở nông thôn đạt mức 33,8 giờ/tuần.
Có thể thấy, trong số 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, lao động ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số giờ làm việc trung bình mỗi tuần cao nhất cả nước. Năm 2020, cả 2 đều đạt xấp xỉ quanh ngưỡng 40 giờ/tuần, trong khi cả 4 khu vực còn lại đều chưa đạt con số này.
Hai vùng Trung du và miền núi phía Bắc cùng với Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là nơi có số giờ làm việc thấp nhất. Dù vậy, sau 10 năm, hai khu vực này cũng ghi nhận xu hướng tăng cao.
Xét theo mức tăng số giờ làm việc trung bình 1 người 1 tuần trong giai đoạn 10 năm, khu vực Đồng bằng sông Hồng ghi nhận mức tăng nhiều nhất, lên tới 5,4 giờ/tuần. Sau đó, biểu đồ chứng kiến sự tăng nhanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nối tiếp sau đó là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (đều từ mức 4 đổ lên).
Còn khu vực Đông Nam Bộ vốn đã có số giờ làm việc lớn nên sở hữu mức tăng ít nhất.
Năm 2020, cả nước có 36,8% người có khám chữa bệnh trong 12 tháng trước điều tra. Đặc điểm giới cũng cho thấy rõ phụ nữ sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh nhiều hơn so với nam giới.
Tổng quan, chi tiêu y tế bình quân một người có khám chữa bệnh trong năm 2020 là 3.033,2 nghìn đồng/người/năm, chiếm tỷ trọng 5,8% trong tổng chi tiêu đời sống của hộ gia đình. Tỷ lệ hộ có chi cho y tế vượt 10% so với tổng chi tiêu là 11,7%, vượt 25% là 3%. Chỉ tiêu đánh giá khả năng bảo vệ tài chính của hộ gia đình trước các rủi ro tài chính liên quan đến phát sinh sử dụng dịch vụ y tế.
Có thể thấy, ngày càng nhiều người bắt đầu quan tâm tới sức khỏe. Khi điều kiện sống nâng cao, họ cũng sẵn sàng dành nhiều tiền hơn cho các hoạt động thăm, khám chữa bệnh.
Vậy đặt ở 2 vùng kinh tế - xã hội làm việc nhiều nhất cả nước, trong giai đoạn 10 năm qua, xu hướng này thay đổi như thế nào?
Cũng theo báo cáo này của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người có khám, chữa bệnh trong 12 tháng qua xu hướng giảm xuống.
Tổng quan, con số này đã giảm từ 40,9% (2010) xuống còn 36,8% (2020). Trong đó, tỷ lệ ở khu vực thành thị năm 2020 là 39,1% (giảm 3% so với năm 2010). Còn tỷ lệ ở khu vực nông thôn là 35,5 giờ/tuần (giảm 5% so với 10 năm trước).
Còn xét theo vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, dân cư ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ không nằm trong nhóm có tỷ lệ khám, chữa bệnh cao nhất cả nước năm 2020.
Từ biểu đồ so sánh có thể thấy, trong xu hướng giảm chung của cả nước, tỷ lệ tại Đồng bằng sông Hồng cũng giảm đáng kể sau 10 năm.
Trong khi đó, tỷ lệ này tại Đông Nam Bộ có giảm xuống từ năm 2010 - 2014, nhưng sau đó tăng trở lại trong 6 năm sau đó. Đỉnh của nhóm Đông Nam Bộ cao hơn so với vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng hoặc cả nước nói chung.
Biểu đồ cũng cho thấy, năm 2014 là thời điểm tỷ lệ người có khám, chữa bệnh thấp nhất. Sau đó, tới năm 2016, tất cả các khu vực đều có sự gia tăng trở lại.
Xét mức giảm cụ thể, khu vực Đồng bằng sông Hồng vẫn giảm mạnh hơn so với mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, tỷ lệ tại khu vực Đông Nam Bộ không thay đổi sau giai đoạn 10 năm.
Xét theo chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám, chữa bệnh trong 12 tháng qua, có thể thấy xu hướng tăng mạnh và rõ rệt trên cả nước. Năm 2010, mức chi tiêu trung bình là 1.358.000 đồng/người thì chỉ sau 10 năm, con số đã tăng gấp đôi, lên tới 3.033.000 đồng/người.
Tổng quan trong giai đoạn 10 năm, khu vực thành thị chứng kiến mức chi tiêu tăng 69% nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với khu vực nông thôn (tăng mạnh tới 158%).
Còn xét theo vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, chúng ta dễ dàng nhận thấy: Dân cư ở khu vực Đồng bằng sông Hồng là nhóm có mức chi cao nhất cả nước năm 2020.
Từ biểu đồ so sánh có thể thấy, trong xu hướng tăng chung của cả nước, khu vực Đồng bằng sông Hồng chứng kiến sự gia tăng rõ rệt qua từng năm. Đây cũng là vùng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong giai đoạn 10 năm (270%). Khu vực Đông Nam Bộ lại có đà tăng chậm hơn.
Trong khi ở năm 2010, chi tiêu y tế bình quân tại vùng Đồng bằng sông Hồng thấp hơn hẳn so với vùng Đông Nam Bộ, cũng thấp hơn so với trung bình của cả nước. Nhưng tới năm 2020, biểu đồ cho thấy diễn biến hoàn toàn ngược lại. Dân cư tại Đông Nam Bộ chi tiêu cho y tế thấp hơn rất nhiều so với người dân ở vùng Đồng bằng sông Hồng và trung bình cả nước.
Trong giai đoạn 10 năm, xét mức tăng cụ thể, chi tiêu y tế bình quân của Đồng bằng sông Hồng chứng kiến đà tăng vượt trội, cao hơn cả trung bình cả nước. Con số này thậm chí gần gấp 3 lần mức tăng của Đông Nam Bộ.
Kết luận:
Mặc dù Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng có số giờ làm việc bình quân cao nhất, nhưng mức độ quan tâm sức khỏe của 2 khu vực có xu hướng khác biệt rõ rệt.
Từ 2010-2020, xét theo tỷ lệ người có khám, chữa bệnh trong năm, khu vực Đông Nam Bộ có xu hướng tăng, còn Đồng bằng sông Hồng có xu hướng giảm.
Cũng trong giai đoạn này, xét theo chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám, chữa bệnh trong năm, khu vực Đồng bằng sông Hồng tăng mạnh hơn so với khu vực Đông Nam Bộ.
(*Số liệu theo Tổng cục thống kê)
Trí Thức Trẻ