MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cung ứng đủ tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022

Cung ứng đủ tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngành ngân hàng bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022 diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngành ngân hàng bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp, đặc biệt là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.

"Nhiệm vụ này đòi hỏi trách nhiệm của lãnh đạo tất cả đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Mặt khác, việc quản lý tiền mặt không chỉ là trách nhiệm của riêng Ngân hàng Nhà nước, mà còn của tất cả các tổ chức tín dụng", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh thêm.

Phó Thống đốc cho rằng cần đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông, đảm bảo cơ cấu mệnh giá hợp lý và cần thiết; phấn đấu giảm thanh toán bằng tiền mặt bằng cách đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội; trong đó, ảnh hưởng lớn đến điều hòa, điều chuyển, cung ứng tiền mặt ra lưu thông, an toàn kho quỹ.

Cung ứng đủ tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022 - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: TTXVN)

Về công tác quản lý tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng. Việc bảo đảm an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng được Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đã được ban hành.

"Thời gian qua, ngành ngân hàng cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, cơ cấu mệnh giá đồng tiền tương đối đáp ứng được nhu cầu thanh toán thực tế. Công tác an toàn kho quỹ được quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất các nguy cơ có thể xảy ra rủi ro", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc yêu cầu cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền mặt trong toàn ngành, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định, cơ chế… liên quan đến vấn đề quản lý kho quỹ, tiền mặt cho phù hợp với thực tiễn hơn và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào lĩnh vực này.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra giám sát, kiểm tra đối với tất cả các tổ chức tín dụng; đưa nội dung thanh tra về an toàn kho quỹ, chấp hành quy định về quản lý tiền mặt, kho quỹ là nội dung thường xuyên.

Các tổ chức tín dụng tự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hơn các chi nhánh, phòng giao dịch để tránh những rủi ro có thể xảy ra; cùng đó, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển phục vụ cho việc đảm bảo an toàn lĩnh vực kho quỹ…

Theo PV

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên