MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến căng thẳng giữa học sinh và các phần mềm chống gian lận thi cử trực tuyến

17-11-2020 - 22:24 PM | Sống

Các công ty phát hiện gian lận đã kiếm được hàng triệu USD trong thời kỳ đại dịch và bây giờ, lực lượng học sinh đang tìm cách chống trả.

Khi nữ sinh Arielle G. Brown của Đại học Bang Kỹ thuật và Nông nghiệp Bắc Carolina (Mỹ) tham gia thực hiện bài thi môn Tiếp thị Quốc tế vào tháng 9, một chương trình phát hiện gian lận đã phân tích hành vi của cô qua webcam trong suốt thời gian làm bài. Sau bài kiểm tra, phó giáo sư của cô đã gửi một email đầy giận dữ cho cả lớp, có nội dung liên quan tới một số "hành vi tiêu cực" mà phần mềm nói trên đã "gắn cờ".

"Một học sinh trong vòng 6 phút đã có 776 chuyển động đầu và mắt", vị trợ lý giáo sư này viết. "Tôi rất ghét phải viết bức thư này cho các bạn."

Brown và các bạn cùng lớp của mình đã nhanh chóng bắt đầu một cuộc trò chuyện nhóm. "Làm thế quái nào mà chúng ta kiểm soát đôi mắt của mình", một sinh viên viết. Và Brown sau đó đã chia sẻ email trên lên Twitter, thứ nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và đã có hơn 100.000 lượt "Like".

"Nó chỉ đơn giản là cảm giác bị xâm lược", Brown nói trong một cuộc phỏng vấn sau đó. "Những thứ mà mọi người sẽ không nghĩ đến trong một lớp học thực sự đã được sử dụng để chống lại chúng tôi."

Giáo viên hướng dẫn nói trên và cán bộ nhà trường đã không trả lời yêu cầu bình luận nào.

Cuộc chiến căng thẳng giữa học sinh và các phần mềm chống gian lận thi cử trực tuyến - Ảnh 1.

Email của Brown đã lan truyền mạnh mẽ trên Twitter.

Trong bối cảnh đại dịch lan tràn và các trường học phải tiến hành các cuộc cải tổ lớn về giáo dục, các công ty bán phần mềm giám sát gian lận trực tuyến như trên đã tìm thấy cơ hội đưa các "phần mềm công nghệ cao" của mình vào các lớp học trực tuyến. Chúng được thiết kế để tự động theo dõi webcam và ánh mắt, để phát hiện các học sinh gian lận trong kỳ thi.

Và lợi nhuận của mảng kinh doanh mới này lên tới hàng triệu USD và có xu hướng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm, chúng cũng đã làm dấy lên các cuộc tranh luận và phản đối, thậm chí cả các cuộc tổ chức biểu tình của học sinh sinh viên để yêu cầu các ban quản lý trường học xem xét lại các thỏa thuận này.

Các sinh viên tranh luận rằng hệ thống kiểm tra đã khiến họ sợ hãi việc nhấp chuột quá nhiều hoặc nhắm mắt lại, vì có thể bị hệ thống đánh giá là gian lận. Một số sinh viên cũng cho biết họ đã khóc vì căng thẳng hoặc... "tè dầm" tại bàn của mình vì bị cấm rời khỏi màn hình máy tính.

Một trong các hệ thống này tên là Proctorio, sử dụng phần mềm nhận diện ánh nhìn, nhận diện khuôn mặt và theo dõi máy tính để "gắn cờ" cho các học sinh về bất kỳ chuyển động "bất thường" nào của đầu, chuyển động của chuột máy tính, hành vi đảo mắt, thay đổi kích thước cửa sổ máy tính, mở tab, cuộn, nhấp, nhập và sao chép. Một học sinh có thể bị gắn cờ vì hoàn thành bài kiểm tra quá nhanh hoặc quá chậm, nhấp chuột quá nhiều hoặc không đủ.

Nếu camera nhìn thấy sự xuất hiện của một người khác trong nền, học sinh đó có thể bị gắn cờ vì đã "phát hiện nhiều khuôn mặt". Nếu ai đó làm bài kiểm tra trên cùng một hệ thống mạng - ví dụ, trong một tòa nhà ký túc xá - thì đó có thể bị coi là "sự thông đồng trong kỳ thi". Phòng quá ồn ào, Internet quá nhiễu, camera không hoạt động... tất cả đều bị gắn cờ cảnh báo.

Cuộc chiến căng thẳng giữa học sinh và các phần mềm chống gian lận thi cử trực tuyến - Ảnh 2.

Và khi sự chịu đựng bắt đầu vượt quá giới hạn, nhiều cuộc nổi loạn và phản kháng của học sinh sinh viên đã bùng lên, nhanh chóng trở thành cuộc chiến trực tuyến với các vụ kiện, ẩu đả... Một số sinh viên thậm chí đã cố gắng gỡ phần mềm xuống từ bên trong, mổ xẻ code của nó để biết chi tiết về cách hệ thống này đang giám sát người dùng.

Sự căng thẳng cũng đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sâu sắc hơn về sự thay đổi chóng mặt của việc giáo dục trực tuyến. Ví dụ như việc ngăn chặn một vài kẻ gian lận có đáng phải trả giá bằng việc đối xử với mọi học sinh như một kẻ lừa đảo? Và liệu bất kỳ bài kiểm tra nào trong số này có quan trọng đến mức gây thêm căng thẳng cho những học sinh mà cuộc sống của họ vốn đã bị lật nhào?

Jesse Stommel, một giáo viên 20 năm và là người sáng lập một tạp chí học thuật, đã công khai trao đổi với giám đốc của Proctorio vào mùa hè này. Ông cho biết mình đã nhận được rất nhiều thông điệp xúc động từ các sinh viên "nói về nỗi đau, sự lo lắng, sợ hãi... mà họ đang trải nghiệm xung quanh điều này."

"Không có gì lạ, họ đang chống trả", ông nói. Và nhận xét về cốt lõi của phần mềm, giáo viên giàu kinh nghiệm này cho rằng giá trị rõ ràng nhất mà nó truyền đạt cho các sinh viên là: "Chúng tôi không tin tưởng bạn".

Những phần mềm gây hoảng loạn

Các công ty, với những cái tên như ProctorU, Respondus và Honorlock, đang quảng cáo một loạt các công nghệ phát hiện lừa đảo có thể khóa trình duyệt Web của sinh viên, theo dõi hoạt động máy tính hoặc kết nối micro và webcam với các trung tâm lớn, thứ sẽ theo dõi cách các học sinh làm bài kiểm tra. Một số công ty cũng cung cấp phần mềm trí tuệ nhân tạo để phát hiện hành vi có khả năng gây nghi ngờ, bao gồm máy quét khuôn mặt để xác minh danh tính của người dự thi và cảm biến mắt để gắn cờ nếu họ nhìn quá lâu ngoài màn hình.

Các công ty cho biết hệ thống của họ có thể phát hiện ra nhiều cách gian lận sáng tạo trong các bài kiểm tra của sinh viên, chẳng hạn như treo các ghi chú trên tường, sao chép từ các trang web khác hoặc nghe câu trả lời từ một người bạn. Với Proctorio, bất kỳ "hành vi bất thường" nào trong số này sẽ bị gắn cờ và hệ thống có thể nâng cao "mức độ nghi ngờ" của các học sinh. Tất nhiên, những người đang chịu sự giám sát này đều không hề biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với 14 sinh viên, nhiều người trong số họ cho biết hệ thống cũng gắn cờ họ vì rất nhiều cử động nhỏ vô hại, chẳng hạn như khi họ ghi chú hoặc đọc to câu hỏi hoặc nhìn đi chỗ khác để suy nghĩ. Mặc dù các giáo sư có thể thay đổi hành vi nào thuộc diện giám sát, hay bỏ qua những phát hiện của hệ thống, nhưng nói chung không có gì được đảm bảo. Và để bảo vệ sự chính trực của mình, các sinh viên có thể phải chứng minh rằng hệ thống phát hiện gian lận công nghệ cao bằng cách nào đó đã sai.

Một số sinh viên cho biết trải nghiệm bị người lạ và các thuật toán âm thầm đánh giá chuyển động của họ là điều vô cùng đáng lo ngại. Nhiều sinh viên lo lắng rằng việc bị buộc tội gian lận có thể gây nguy hiểm cho các cơ hội đạt điểm cao, học bổng, thực tập và sự nghiệp sau khi tốt nghiệp. Một số sinh viên cho biết họ giờ đây phải cam chịu hàng giờ đồng hồ bị theo dõi trong các bài kiểm tra video tại chính phòng ngủ của mình.

"Bạn biết sẽ thế nào ở trường trung học, khi bạn đang làm một bài kiểm tra và một giáo viên sẽ đi vòng quanh và nhìn qua vai bạn?", một sinh viên giấu tên cho biết. "Bạn cảm thấy lo lắng trong 10 giây đó? Nhưng giờ đây, cảm giác đó luôn được cảm thấy mọi lúc".

Một người khác nói: "Có cảm giác việc ai đó đang theo dõi khiến tôi mất trí."

Cuộc chiến căng thẳng giữa học sinh và các phần mềm chống gian lận thi cử trực tuyến - Ảnh 3.

Bên trong văn phòng của ProctorU, công ty bán phần mềm kiểm soát gian lận thi cử trực tuyến.

Trong khi đó, các giám đốc điều hành của công ty bán phần mềm lại nói rằng một học kỳ không có giám thị sẽ biến việc kiểm tra trực tuyến thành một "vùng đất hoang vô pháp luật". Scott McFarland, giám đốc điều hành của ProctorU, cho biết công ty đã làm việc với hơn 1.200 trường học trên toàn thế giới và dữ liệu của công ty trong năm qua cho biết hệ thống đã bắt được vô số lượt gian lận thi cử của học sinh. Cụ thể, hệ thống này đã gắn cờ 247.000 lần vi phạm - hay khoảng 6% - trong số 3,9 triệu bài kiểm tra được giám sát.

Mike Olsen, giám đốc điều hành của Proctorio, đã tính phí một số trường khoảng 500.000 USD cho một năm sử dụng dịch vụ. Và công ty ông dự kiến ​​sẽ giám sát hơn 25 triệu bài kiểm tra trên hơn 1.000 trường trong năm nay. Ông nói rằng nếu không có các biện pháp chống gian lận trong thời kỳ đại dịch, thành tích đại học của sinh viên sẽ "mãi mãi bị hoen ố" và các tấm bằng tốt nghiệp đẹp đẽ có thể sẽ bị các nhà tuyển dụng trong tương lai đánh giá rằng "không đáng tin cậy."

Nhưng, các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống đã khiến việc thực hiện các bài kiểm tra trở nên gần như phức tạp. Một sinh viên tại Đại học Wilfrid Laurier ở Ontario đã chia sẻ hướng dẫn cho phần thi trực tuyến môn Đại số tuyến tính giữa kỳ như sau: 5 trang, tổng cộng hơn 2.000 từ, yêu cầu sinh viên sử dụng một trình duyệt Web đặc biệt và phải giữ cho khuôn mặt, bàn tay và bàn của họ xuất hiện trên camera mọi lúc.

Để bắt đầu, học sinh phải tiến hành "quét môi trường" bằng cách giơ mọi thứ mà họ có thể sử dụng cho bài kiểm tra của mình, bao gồm máy tính và bất kỳ tờ giấy nháp nào, trước webcam trong 3 giây cho mỗi bài. Họ cũng phải đặt một tấm gương phản chiếu lại webcam để chứng minh không có gì được gắn vào màn hình và bản thân chiếc gương cũng phải được quét.

Bất kỳ học sinh nào muốn đi vệ sinh trước tiên phải "hét vào micro" rằng: "Tôi cần đi vệ sinh và sẽ quay lại nhanh chóng!", hướng dẫn viết. Những học sinh vi phạm quy tắc hoặc gặp khó khăn về kỹ thuật có thể bị điều tra về hành vi sai trái trong học tập.

"Các hướng dẫn", học sinh này chia sẻ, "khiến tôi lo lắng hơn chính bài kiểm tra."

Kỳ thi quan trọng nhất trong đời

Nỗi sợ hãi về việc thiết lập báo động của hệ thống đã khiến nhiều học sinh tự tìm cách xoay sở theo những cách đáng lo ngại. Những học sinh có làn da ngăm đen phải chiếu đèn sáng vào mặt họ, do lo lắng hệ thống không thể nhận ra mình.

Một số sinh viên luật tham gia kỳ thi cấp phép luật sư trực tuyến kéo dài 90 phút đầu tiên ở New York vào tháng trước, cho biết họ đã đi tiểu trên ghế vì căng thẳng và không được phép rời khỏi máy tính. Điều này khiến các nhà lập pháp bang đang thúc đẩy việc thay đổi các quy tắc cấp phép mới trong thời kỳ đại dịch.

"Tôi đã thông báo bằng cách nói to vào micro rằng tôi phải đi tiểu… Tôi phải nhìn vào máy ảnh của mình để không vi phạm các quy tắc. Thật vô cùng xấu hổ và nhục nhã. Bây giờ một số giám thị vô danh có video quay cảnh tôi xin đi tiểu trong khi làm bài thi", một người tham dự kỳ thi cho biết.

Các nhà lập pháp đã chỉ trích "sự thiếu nghiêm túc sâu sắc" của bài kiểm tra nói trên và nói rằng hàng trăm người khác đã gặp phải trục trặc kỹ thuật. Nici Sandberg, người phát ngôn của ExamSoft - công ty phát triển phần mềm giám sát cho kỳ thi - nói rằng việc tránh xa máy quay có thể cấu thành "vi phạm tính liêm chính" và tất cả những người dự thi đã được thông báo về "định dạng và thông số của kỳ thi trước thời hạn."

Một số sinh viên cho biết họ sợ rằng họ có thể bị cho là đáng ngờ vì những chuyển động hoặc nhu cầu ngoài tầm kiểm soát của họ. Trong một cuộc khảo sát vào mùa hè này vừa qua, hàng trăm người cho biết họ lo lắng sẽ bị trừng phạt vì tình trạng khuyết tật của bản thân trong kỳ thi mà họ gọi là "kỳ thi quan trọng nhất trong đời tôi".

"Nếu chúng tôi bị gắn cờ là gian lận," một người chia sẻ, "chúng tôi cũng có thể phải tạm biệt giấy phép của mình".

Những người khác thì cho biết họ lo lắng các hệ thống này sẽ làm tăng thêm khoảng cách kỹ thuật số, bởi vì chỉ những sinh viên có kết nối Internet hoàn hảo, không gian làm việc tách biệt và các thiết bị công nghệ phù hợp mới có thể vượt qua các bài kiểm tra tính toàn vẹn của hệ thống.

Cuộc chiến căng thẳng giữa học sinh và các phần mềm chống gian lận thi cử trực tuyến - Ảnh 4.

Phần mềm Proctorio yêu cầu sinh viên đồng ý được giám sát "bằng webcam, micro, trình duyệt, máy tính để bàn hoặc bất kỳ phương tiện nào khác cần thiết để duy trì tính toàn vẹn".

Sarah Seyk, một sinh viên điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Thành phố Sacramento, đã cố gắng hết sức vào đầu năm nay để chuẩn bị cho một kỳ thi do phần mềm Proctorio giám sát. Giữa các ca làm việc trong đơn vị tại một viện dưỡng lão, cô vào căn phòng yên tĩnh nhất trong nhà - phòng của em gái mình - đi vòng quanh vừa giơ máy tính xách tay lên để chứng minh không gian quanh mình hoàn toàn sạch sẽ.

Tuy nhiên, sau khi bài kiểm tra bắt đầu, cô đã bị kích ra khỏi hệ thống ba lần. Giải thích cho vấn đề, cô nói rằng đó là do thói quen nhìn ra khỏi màn hình khi chìm trong suy nghĩ. Mỗi lần như vậy, cô phải xác minh lại danh tính của mình và môi trường xung quanh, một công việc tốn khá nhiều thời gian quan trọng. Theo quy định của Proctorio, bài thi chỉ kết thúc nếu truy cập Internet của học sinh bị mất trong hơn 2 phút hoặc nếu họ cố gắng mở một chương trình trái phép.

"Tôi không muốn di chuyển mắt quá nhiều. Tôi không muốn viết quá nhiều. Tôi đã hoàn toàn lo lắng theo một cách điên cuồng", Seyk nói. "Cô em gái tội nghiệp của tôi cứ cố vào phòng, nhưng bạn không được phép cho ai vào."

'Một cuộc chiến cho tương lai'

Ngày càng nhiều học sinh sinh viên thể hiện sự tức giận của họ khi phải làm bài kiểm tra dưới sự theo dõi liên tục. Họ đã quay các video TikTok đẫm nước mắt và liệt kê những câu chuyện kinh dị của mình trên các tài khoản Twitter. Họ cũng đã đưa ra các đánh giá trên mạng về những rủi ro đáng sợ khi để những người lạ nhìn vào bên trong nhà của mình, bày tỏ lo ngại về việc liệu người giám sát có thể theo dõi họ trên mạng xã hội sau bài kiểm tra hay không. Một học sinh nói rằng giám thị của cô ấy liên tục gọi cô ấy là "người yêu".

Nhưng không dừng lại ở đó, nhiều người đã tìm cách giải quyết vấn đề từ bên trong, bằng cách đào sâu hơn vào chính công nghệ này. Vào tháng 9, Erik Johnson, một sinh viên kỹ thuật 18 tuổi tại Đại học Miami ở Ohio, cho biết anh đã xem xét các tệp mà Proctorio lưu vào máy tính của người dùng vì muốn hiểu cách công ty bảo mật dữ liệu của sinh viên.

Nam sinh viên này sau đó đã chia sẻ những phát hiện của mình, đồng thời đặt câu hỏi về độ sâu trong việc giám sát của hệ thống giám sát khi truy cập vào máy tính của sinh viên. Và rất nhanh, Erik đã thấy công ty phần mềm đáp trả trả nhanh chóng như thế nào. Các chia sẻ trên Twitter bị gắn thẻ, các trang web đăng bài bị xóa. Proctorio cũng chặn địa chỉ giao thức Internet và Erik cho rằng mình sẽ bị hệ thống ngăn cản trong các kỳ thi trong tương lai.

Cuộc chiến căng thẳng giữa học sinh và các phần mềm chống gian lận thi cử trực tuyến - Ảnh 5.

Olsen, đại diện của Proctorio, cho biết Erik Johnson đã đưa ra những "giả định sai lầm" về hệ thống và vi phạm các quy tắc và bản quyền của công ty. Olsen cho biết ông đã đề nghị thu hồi lệnh cấm IP, thứ mà theo ông nói là do phần mềm đã "tự động kích hoạt". Trong khi đó, trường học của anh đã không trả lời yêu cầu bình luận nào.

Đây không phải là lần đầu tiên Proctorio phản ứng mạnh mẽ với những người chỉ trích. Vào tháng 6, chính Olsen đã tiến hành một cuộc tấn công bất thường nhằm vào một sinh viên Đại học British Columbia, người đã đăng nhật ký trò chuyện hỗ trợ khách hàng lên Reddit.

Nhưng cuộc giao tranh gay gắt nhất có thể được quyết định tại tòa án. Vào tháng 8, Ian Linkletter, một chuyên gia công nghệ, đã chỉ trích các video đào tạo của Proctorio, có nội dung hướng dẫn giảng viên cách xem cảnh quay webcam của sinh viên. Ông nói đây là bằng chứng rõ ràng về "tác hại tinh thần mà bạn đang gây ra cho sinh viên khi sử dụng công nghệ này". Proctorio đã nhanh chóng xóa các video, gọi chúng là "bí mật và độc quyền". Một tuần sau đó, công ty đã đệ đơn kiện Linkletter đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm bản quyền.

Olsen cho biết các video đã được nhúng trong một "trung tâm trợ giúp" của giảng viên được bảo vệ bằng mật khẩu và ông lập luận rằng việc đệ đơn lên tòa án nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của công ty.

"Chúng tôi không quan tâm đến tiền của anh ấy", Olsen nói. "Nếu chúng tôi muốn theo đuổi công việc của anh ấy [chuyên gia công nghệ], chúng tôi chỉ cần tới trường đại học."

"Đại học luôn căng thẳng"

Hàng ngàn sinh viên đại học đã ký đơn yêu cầu hủy việc sử dụng dịch vụ giám sát trực tuyến ở các bang California, Colorado, Florida, Massachusetts, New York, Ohio, Texas, Wisconsin và tiểu bang Washington. Những người khác đã tổ chức các chiến dịch viết thư để nói rằng công nghệ này quá mức "xâm lấn" để sử dụng.

Các sinh viên cũng đã chỉ ra kho dữ liệu video cá nhân của các công ty có thể là một mục tiêu cho các cuộc tấn công mạng. Vào tháng 7, tin tặc đã công bố hơn 400.000 bản ghi được lấy từ ProctorU, bao gồm tên, mật khẩu và địa chỉ nhà. ProctorU cho biết kể từ đó họ đã kích hoạt các biện pháp bảo mật mới.

Tháng trước, công ty mẹ của Proctortrack, đã quảng cáo về "giải pháp giám sát trực tuyến từ xa tiên tiến nhất thế giới" và cho biết họ sẽ xác minh danh tính của sinh viên thông qua khuôn mặt hoặc "quét khớp ngón tay". Dịch vụ này được đưa ra sau khi tin tặc tấn công làm rò rỉ mã nguồn hệ thống và gửi các email xúc phạm. Công ty đã xin lỗi và cho biết không có dữ liệu cá nhân nào bị truy cập.

Tuy nhiên, các vấn đề trên dường như không phải là thứ các trường đại học bận tâm. Gần 60% các cơ sở giáo dục đại học được thăm dò ý kiến ​​vào tháng 4 cho biết họ đang sử dụng hoặc xem xét sử dụng công nghệ nói trên trong các kỳ thi. Ít ra, một số trường, bao gồm cả Đại học California ở Berkeley, đã cấm công nghệ này do lo ngại về quyền riêng tư và khả năng tiếp cận.

Olsen của Proctorio, đã lên tiếng bảo vệ công ty và nói rằng "rất nhiều giảng viên đang phản ứng thái quá trong những ngày này". Ông cũng chỉ trích phản ứng dữ dội của sinh viên là sai lầm.

"Học đại học rất căng thẳng. … Nó luôn căng thẳng", ông nói, và yêu cầu các sinh viên phải làm quen với điều đó.

Tham khảo Washingtonpost

Theo Bảo Nam

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên