MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến giữa họa sĩ và AI: Khi phong cách nghệ thuật cũng trở thành nguồn dữ liệu

25-10-2022 - 15:45 PM | Kinh tế số

Cuộc chiến giữa họa sĩ và AI: Khi phong cách nghệ thuật cũng trở thành nguồn dữ liệu

Họa sĩ Erin Hanson đã dành ra nhiều năm để tạo dựng nên phong cách tranh sơn dầu của riêng mình. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tái hiện lại tác phẩm của bà chỉ sau vài thao tác đơn giản.

Bà Hanson đã mất nhiều năm để phát triển bộ màu và những nét vẽ chỉn chu tạo nên phong cách tranh sơn dầu của riêng mình. Nhưng Stable Diffusion, công cụ AI tạo hình ảnh từ văn bản được ra mắt vào tháng 8/2022, có thể tái hiện phong cách của bà chỉ thông qua những mô tả văn bản đơn giản.

Sau khi xem những tác phẩm của công cụ này, bà chia sẻ: “Ồ, thật đáng ngạc nhiên. Bức tranh có hoa tím và hoàng hôn giống hệt tranh của tôi. Nếu là người ngoài, tôi cũng sẽ treo chúng lên tường”.

Họa sĩ Hanson chỉ là một trong nhiều họa sĩ chuyên nghiệp có tác phẩm được đưa vào bộ dữ liệu huấn luyện Stable Diffusion. Rất nhiều họa sĩ tỏ ra không hài lòng, thậm chí nổi giận khi biết tác phẩm của họ được sử dụng không xin phép hay trả tiền tác quyền.

Công cụ tạo ảnh từ văn bản bằng AI đang ngày càng phổ biến và có khả năng xử lý mạnh mẽ hơn. Những công cụ này cũng đã thu hút được một lượng lớn tiền đầu tư như Stable Diffusion gọi được vốn hơn 100 triệu USD, hay Dall-E nhận được hơn 1 tỷ USD tiền đầu tư.

Những phần mềm này đủ sức tạo mọi loại hình ảnh chỉ bằng vài từ mô tả, học phong cách đặc trưng của nhiều họa sĩ, đến mức một số bức giống như chính họ sáng tác. Chỉ trong vài tháng, hàng triệu người đã dùng AI tạo ảnh bằng văn bản để dựng phim, làm bìa tạp chí, tranh minh họa… Thậm chí tranh được tạo bởi AI Midjourney còn giành giải trong cuộc triển lãm hội họa tại Hội chợ bang Colorado (Mỹ).

Cuộc chiến giữa họa sĩ và AI: Khi phong cách nghệ thuật cũng trở thành nguồn dữ liệu - Ảnh 1.

Tác phẩm “Crystalline Maples” của họa sĩ Erin Hanson. Ảnh: CNN

Các tác phẩm của những họa sĩ như bà Hanson đang được dùng để huấn luyện phần mềm máy tính và chính chúng có thể giành giật công việc của họ trong tương lai. Bất kỳ ai tạo ảnh bằng Stable Diffusion hay Dall-E đều có thể bán sản phẩm, tùy thuộc vào điều kiện bản quyền của từng bức ảnh.

Họa sĩ vẽ tranh minh họa Daniel Danger cho biết: "Tôi không muốn liên quan gì đến những cỗ máy có thể làm công việc của mình mất giá".

Khi nghệ thuật cũng là một nguồn dữ liệu

Công cụ AI biến văn bản thành tranh ảnh không phải phép màu. Để làm được điều đó, chúng phải được huấn luyện bởi lượng dữ liệu khổng lồ, gồm hàng tỷ bức ảnh lấy từ Internet và kết hợp với các mô tả bằng văn bản.

Một số dịch vụ như Dall-E của OpenAI không tiết lộ bộ dữ liệu được sử dụng để huấn luyện AI. Với Stable Diffusion, công ty Stability AI cho biết bộ dữ liệu cốt lõi được lấy từ hình ảnh và mô tả trong kho LAION-5B do tổ chức phi lợi nhuận LAION (Mạng lưới AI mở quy mô lớn) có trụ sở tại Đức xây dựng.

Sử dụng hình ảnh và nội dung từ Internet làm dữ liệu đào tạo AI không có gì mới mẻ. Luật bản quyền tại Mỹ cho phép sử dụng các tác phẩm bản quyền trong một số trường hợp như dạy máy tính nhận biết một con mèo.

Tuy nhiên, dữ liệu đào tạo ngày càng lớn hơn và cho phép tạo ra những hệ thống AI mạnh mẽ, dẫn đến những tác phẩm không khác gì tranh ảnh thật chỉ sau vài giây.

Ông Emad Mostaque, nhà sáng lập và CEO của Stability AI, khẳng định hội họa chỉ là một phần rất nhỏ trong bộ dữ liệu LAION dùng cho Stable Diffusion. "Hội họa chiếm đưa đầy 0,1% bộ dữ liệu và chỉ được tạo ra khi người dùng yêu cầu", ông cho hay.

Cuộc chiến giữa họa sĩ và AI: Khi phong cách nghệ thuật cũng trở thành nguồn dữ liệu - Ảnh 2.

Một tác phẩm của họa sĩ minh họa Daniel Danger đã được đưa vào dữ liệu đào tạo AI của Stable Diffusion. Ảnh: CNN

Những họa sĩ tức giận

Họa sĩ Danger lo ngại AI vẽ tranh có thể đe dọa công ăn việc làm của giới họa sĩ. Ông chia sẻ: “Tại sao phải trả 1.000 USD cho họa sĩ nếu có thể tạo 1.000 bức tranh miễn phí để khách hàng thoải mái lựa chọn. Mọi người luôn tìm cách cắt giảm chi phí”.

Những lo ngại này có cơ sở, nhưng chưa có biện pháp giải quyết rõ ràng. Theo bà Zahr Said, giáo sư ngành luật của Đại học Washington, ngay cả khi AI có thể tạo ảnh hưởng lớn, chúng không hề vi phạm bản quyền nghệ thuật.

Bà cũng cho biết: “Rất khó xin cấp phép cho từng bức ảnh trong bộ dữ liệu huấn luyện trước khi sử dụng chúng. Mọi người có thể cảm thấy đồng cảm với giới nghệ sĩ và muốn hỗ trợ họ, nhưng phải xin phép từng bức ảnh đồng nghĩa đặt dấu chấm hết cho công nghệ máy học”.

Nhiều họa sĩ đã nghĩ đến giải pháp in chữ ký lên tranh trước khi đăng lên mạng, nhưng bỏ ý định này vì cho rằng dấu in sẽ làm hỏng giá trị nghệ thuật và niềm vui của người xem tranh. Họa sĩ Danger muốn xóa tác phẩm của mình khỏi bộ dữ liệu huấn luyện AI, nhưng điều đó cũng không ngăn được Stable Diffusion tạo ra những bức tranh theo phong cách của ông.

Ông Christoph Schuhmann, một trong những người sáng lập LAION, cho rằng rút tác phẩm khỏi bộ dữ liệu chỉ phát huy tác dụng nếu toàn bộ các thành phần của mô hình AI tuân thủ quyết định đó. Ông cho biết thêm: “Tiếp cận đơn phương với kiểm soát cấp phép sẽ không đủ với thế giới AI, chúng ta cần hệ thống liên ngành công nghiệp để làm điều đó”.

Thảm khảo: CNN

Anh Ngọc

Trí thức trẻ

Trở lên trên