MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường giao đồ ăn: GrabFood có công nghệ và đội shipper hùng hổ từ GrabBike; Now lead thị trường với 20.000 đối tác nhà hàng

06-10-2018 - 10:21 AM | Doanh nghiệp

Sự gia nhập cùng những "làn gió mới" về công nghệ, vận hành của các startup tham vọng từ nước ngoài sẽ đem đến áp lực cho những cái tên cũ. Người đi trước như Now có tận dụng thế mạnh có sẵn, đồng thời thay đổi để thích nghi với thời cuộc?

Mới đây ngày 2/10, GrabFood chính thức ra mắt tại Hà Nội sau 1 tháng thử nghiệm tại thành phố này, làm tăng thêm độ nóng của thị trường giao nhận đồ ăn . Trước đó, dịch vụ giao đồ ăn của Grab đã có mặt tại TPHCM từ tháng 5.

Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam tuy khá mới nhưng đã vô cùng sôi động. Cái tên sừng sỏ nhất đang lead thị trường là Now (tên cũ là DeliveryNow), thuộc Foody . Ứng dụng giao và đặt đồ ăn của Foody đã "cắm rễ" trên thị trường từ vài năm nay, đứng đầu về số lượng đơn hàng (khoảng 25.000 đơn/ngày, theo một nguồn tin). Tại TPHCM, những chiếc áo đỏ của shipper Now đã trở nên rất quen thuộc…Bên cạnh Now, còn có một số cái tên khác như Lala, Vietnammm, Lozi (Loship), tuy nhiên chưa ai tỏ ra là đối trọng đủ lớn với kẻ dẫn đầu thị trường.

Now – bá đạo mảng ẩm thực nhưng công nghệ còn "thủ công"

Về cơ bản, các dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến như Now hay GrabFood thực hiện kết nối giữa 3 bộ phận: khách hàng, nhà hàng và shipper.

Số lượng nhà hàng hiện diện trên hệ thống của Now hiện đang là đông đảo nhất và có sức nặng nhất với khoảng 20.000 nhà cung cấp, nhờ được xây dựng liên tục trong vài năm qua. Trong khi GrabFood vẫn chỉ là tân binh trong lĩnh vực này, mới bắt đầu quá trình kết nối với các nhà hàng, quán ăn. Các lựa chọn ẩm thực của khách hàng khi đặt món qua Now vì thế cũng phong phú hơn.

Now là ứng dụng thuộc Foody, một startup sở hữu hệ sinh thái ẩm thực toàn diện và có "lực" nhất tại Việt Nam. Từ vài năm nay, trước cả khi Now ra đời, Foody đã xây dựng được lượng user đáng kể xem review nhà hàng, sau này là đặt bàn qua TableNow và rồi đặt món qua Now.

Theo VnExpress, một khảo sát của Havas Riverorchid xác nhận rằng Delivery Now (tên cũ của Now) là cái tên đầu tiên được người dùng nhắm đến khi hỏi về dịch vụ đặt món ăn tại TP HCM.

Là một startup công nghệ, nhưng yếu điểm lớn nhất của Now, lại là công nghệ .

Như nói ở trên, Now hay GrabFood thực hiện kết nối giữa 3 bộ phận: khách hàng, nhà hàng và shipper. Khi khách hàng vào web hoặc ứng dụng để đặt món, nhà hàng sẽ nhận được thông tin về đơn hàng để chuẩn bị chế biến, đóng gói. Trong khi đó, shipper được thông báo để di chuyển đến nhà hàng và sau đó mang thức ăn đến địa điểm của người mua.

Tuy nhiên, để quá trình đặt hàng và giao hàng này diễn ra nhanh chóng và tối ưu thì vai trò của công nghệ là rất lớn.

Tại Việt Nam, quá trình này của Now vẫn khá "thủ công" khi phụ thuộc nhiều vào call center – đội ngũ trực tổng đài điện thoại. Bộ phận call center của Now có nhiệm vụ tiếp nhận cuộc gọi và liên hệ với nhà hàng để đặt hàng, rồi chuyển giao đơn hàng cho shipper . Tức là quy trình vẫn chưa tự động hóa nhiều, vẫn có sự can thiệp nhiều bởi bàn tay con người. Vì thế, tốc độ xử lý đơn hàng và giao nhận đồ ăn không là lợi thế của Now. Khi đặt hàng món ăn qua Now, khách hàng thường phải chờ đợi đến cả tiếng đồng hồ.

Chưa kể, quy trình chưa tự động hóa nhiều khiến hệ thống dễ quá tải nếu số lượng đơn hàng đổ về quá nhiều trong giờ cao điểm.

Grab: Tiền nhiều, công nghệ mạnh, shipper đông nhưng đi sau và làm quá nhiều thứ

Là người đến sau cùng trên thị trường giao nhận đồ ăn hiện tại, nhưng Grab sở hữu công nghệ mạnh và kinh nghiệm triển khai thành công ở thị trường Indonesia và Thái Lan.

Nhìn về thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, từ khi Uber rút lui, có nhiều ứng dụng Việt tuyên bố đấu với Grab nhưng khi trải nghiệm ứng dụng thì còn nhiều lỗi, không đủ "mượt" như Grab. Founder của một trong số startup này cũng phải thừa nhận, doanh nghiệp mình sau khi tuyên bố đấu với Grab, phải dừng tăng quy mô để dành ra thời gian nhiều tháng để cải thiện công nghệ vì nhận ra công nghệ không thể đáp ứng nếu quy mô tăng.

Rõ ràng công nghệ mạnh là một chìa khóa quan trọng trong việc giữ chân khách hàng, phân phối dịch vụ hiệu quả và giảm thiểu thời gian cũng như sai sót do con người.

Tại buổi ra mắt chính thức dịch vụ ở Hà Nội ngày 2/10, Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim từng tuyên bố tốc độ giao nhận 1 đơn hàng của GrabFood vào khoảng 25 phút, sẽ hướng đến cắt giảm còn 20 phút trong tương lai.

Sự tự tin về tốc độ giao hàng của Giám đốc Grab - một phần còn đến từ số lượng tài xế đông đảo của Grab. Theo con số 175 nghìn đối tác mà Grab đã công bố, trừ đi số tài xế 4 bánh thì số lượng tài xế 2 bánh của Grab vẫn rất cao. Số lượng tài xế áo xanh Grab phủ khắp nội đô có lẽ là lí do giúp ông Jerry Lim tự tin khi nhắc đến lợi thế về tốc độ giao hàng của GrabFood:

"Chúng tôi có mạng lưới đối tác tài xế rộng rãi, dày đặc nhất nên đương nhiên chúng tôi có lợi thế về lĩnh vực này".

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường giao đồ ăn: GrabFood có công nghệ và đội shipper hùng hổ từ GrabBike; Now lead thị trường với 20.000 đối tác nhà hàng - Ảnh 1.

"5000 anh em" GrabBike - đội ngũ shipper đông đảo của GrabFood

Ngoài ra, nhờ sử dụng tài xế tự do, chi phí và nguồn lực quản lý các "đối tác" của GrabFood cũng ít đi đang kể so với việc có đội ngũ shipper riêng như Now.

CEO của một ứng dụng gọi xe Việt từng chia sẻ với chúng tôi: "Grab chỉ là làm trung gian thôi. Còn các hãng giao hàng Việt Nam khác thì chi phí rất cao, bộ máy rất lớn, quản lý nhiều nhân viên, không thể là xu hướng của tương lai".

Now lại tập trung phát triển đội shipper của riêng mình. Theo thông tin trên website Now.vn, ứng dụng này liên tục tuyển dụng các cá nhân để thực hiện việc giao hàng – Now cung cấp app một số dụng cụ cần thiết để shipper tiếp nhận và giao hàng.

Để xây dựng và duy trì hệ thống shipper cồng kềnh này, mặc dù đã có ứng dụng, Now - cũng như một vài ứng dụng giao thức ăn Việt khác - có thể phải tốn nhiều nguồn lực hơn GrabFood. Bù lại, tính chuyên nghiệp của shipper sẽ cao hơn vì không "bận rộn" với các cuốc chở khách/chở hàng mà hủy cuốc ship đồ ăn, shipper cũng sẽ nhận về nhiều quyền lợi trực tiếp từ công ty như một nhân sự chính thức, thay vì chỉ là đối tác với các thỏa thuận công việc có phần "lỏng lẻo" như Grab.

Chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào"

Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, shipper tự do nhưng cũng có thể là một điểm trừ cho Grab. Chính vị CEO từng nhận định hệ thống shipper của Now cồng kềnh cũng nói thêm: "Mỗi loại hình cũng có 1 cái hay. Các hãng giao hàng truyền thống dùng nhân sự của mình (trả lương nhân viên) nên có cái hay là các đơn hàng tự chủ động được. Còn GrabFood dùng tài xế tự do, có thể họ sẽ không nhận đơn đó".

Nếu lực lượng shipper không đảm bảo tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giao nhận đồ ăn.

Mà trước mắt, vì phải chi tiền túi để trả tiền cho các quán ăn trước như hiện nay đang khiến nhiều tài xế của GrabBike cũng không mặn mà gì với GrabFood. Được biết GrabFood đang thưởng mạnh cho tài xế để khuyến khích các bác tài nhận cuốc giao đồ ăn.

Một điểm yếu nữa của GrabFood, là ứng dụng này chỉ là một trong rất nhiều mảng thuộc "siêu ứng dụng" của Grab. Việc đi sâu về ẩm thức và nằm trong hệ sinh thái ẩm thực của Foody có thể giúp Now đem lại trải nghiệm tinh tế hơn cho thực khách.

Kết

Thị trường giao đồ ăn đang ngày càng tăng nhiệt và được nhận định sẽ "nóng bỏng" không kém gì thị trường đặt xe công nghệ. Trong một diễn biến khác, Go-Viet cũng đặt kế hoạch ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, dự kiến vào cuối năm nay.

Sự gia nhập cùng những "làn gió mới" về công nghệ, vận hành của các startup tham vọng từ nước ngoài sẽ đem đến áp lực cho những cái tên cũ. Người đi trước như Now liệu có thể tận dụng thế mạnh có sẵn, đồng thời thay đổi để thích nghi với thời cuộc? Nhiều tình tiết hấp dẫn còn đang ở phía trước...


Theo Thảo Thảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên