Cuộc chiến luận tội thêm phần căng thẳng, ông Trump chịu thêm sức ép lớn và đối diện nguy cơ bị "hất cẳng" khỏi Nhà Trắng?
Nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump đang ở tình thế lung lay sau khi Hạ viện bỏ phiếu để thông qua và tiến hành cuộc điều tra luận tội ông.
- 01-11-2019Hạ viện Mỹ mở toang cánh cửa điều tra luận tội ông Trump
- 31-10-2019Quan chức Nhà Trắng từ chức trước ngày điều trần luận tội
- 30-10-2019Đảng Dân chủ công bố dự thảo nghị quyết luận tội Tổng thống Trump
Hạ viện thông qua nghị quyết với tỷ lệ ủng hộ 232 phiếu chống và 196 phiếu thuận, không những cho phép công khai các phiên điều trần, mà còn thể hiện rõ ràng rằng việc bỏ phiếu để luận tội và đưa ông Trump ra điều trần tại Thượng viện là điều không thể tránh khỏi. Việc này sẽ cho các cử tri thấy rõ Tổng thống đã lạm quyền ra sao khi gây sức ép lên chính phủ Ukraine nhằm tạo điều kiện cho chiến dịch tái tranh cử sắp tới.
Cho đến nay, ông Trump là tổng thống Mỹ thứ 4 đứng chịu áp lực từ nguy cơ bị luận tội. Hai trong số đó, Bill Clinton và Andrew Johnson, bị luận tội tại Hạ viện nhưng không bị kết án tại Thượng viện. Trong khi đó, Richard Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu để thông qua quá trình luận tội.
Tuy nhiên, ông Trump có thể trở thành tổng thống đầu tiên bị luận tội và sau đó tham gia tái tranh cử. Việc này đặt ra một thách thức với ông, bởi nỗ lực để giữ ổn định cho đảng Cộng hoà, không chỉ để tránh khỏi việc ông bị Thượng viện yêu cầu rời khỏi ghế Tổng thống mà còn thuyết phục các cử tri.
Phe Dân chủ cho rằng đã họ đã thu thập đủ bằng chứng để luận tội ông Trump, trong đó có cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào ngày 25/7. Nội dung cuộc điện đàm này cho thấy ông Trump đã nêu khả năng Kiev điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden.
Những động thái được đưa ra gần đây cho thấy ông Trump nhận thức rõ nguy hiểm đang rình rập. Dù nhiều lần bác bỏ ý tưởng về việc tuyển dụng thêm nhân viên để chống lại nỗ lực luận tội của đảng Dân chủ, nhưng có khả năng ông sẽ đưa cựu phát ngôn viên của Bộ Tài chính, Rony Sayegh, vào Nhà Trắng nhằm hỗ trợ về mặt truyền thông có liên quan đến việc luận tội. Theo nguồn tin thân cận, vị trí của Sayegh chỉ là tạm thời và ông có thể sẽ làm về vấn đề khác ngoài luận tội.
Trong khi đó, ông đã chi một khoản tiền hậu hĩnh để chạy một chương trình quảng cáo trên truyền hình cho chiến dịch của mình. Được biết, chiến dịch của ông Trump "ngập tràn" trong tiền mặt và đã chi hàng triệu USD để chạy chương trình quả cáo, kể lại những thành tựu của ông và nói đảng Dân Chủ "sẽ tập trung vào những cuộc điều tra được dàn dựng, mà bỏ qua những vấn đề thực."
Theo một quan chức chính quyền, ông Trump đã trực tiếp gặp hơn 60 thành viên Hạ viện nhằm giữ tinh thần của đảng ủng hộ ông ổn định. Bởi vậy, không có thành viên đảng Cộng hoà nào ở Hạ viện bỏ phiếu cho nghị quyết luận tội. Chỉ có Justin Amash - cựu thành viên đảng Cộng hoà và từ lâu đã phản đối ông Trump, bỏ phiếu.
Đến hiện tại, không có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trump hay Nhà Trắng có kế hoạch hợp tác với cuộc điều tra luận tội, ngay cả sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đáp ứng yêu cầu bỏ phiếu để chính thức hoá cuộc điều tra của Luật sư Nhà Trắng - Pat Cipollone. Ngoài ra, chiến dịch tái tranh cử của ông đang chỉ trích các đối thủ của ông rất dữ dội, cho rằng họ là những chính trị gia rảnh rỗi, bị ám ảnh bởi việc "đá" ông ra khỏi Nhà Trắng.
Cuộc điều tra này tập trung vào những chi tiết chưa rõ ràng xung quanh việc liệu ông Trump có gây sức ép, buộc giới chức Ukraine điều tra cha con nhà Biden, với mục đích mang lợi thế cho ông trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020 hay không. Cho đến nay, nhiều lần ông đã bác bỏ cáo buộc này của đảng Dân chủ.
Trước đó, một nhà ngoại giao của Mỹ tại Ukraine nói với các uỷ ban quốc hội Mỹ rằng ông Trump nhiều lần tìm cách dàn xếp hội nghị thượng đỉnh và viện trợ quân sự cho Ukraine để đổi lấy việc họ điều tra các đối thủ chính trị của ông. Đây được coi là bằng chứng gây chấn động và có sức ép lớn nhất trong cuộc điều tra luận tội ông Trump.
Khi "cuộc chiến" luận tội leo thang tại Hạ viện, ông Trump còn phải đối mẳ với áp lực phải thể hiện cho đảng của mình và công chúng thấy rằng ông vẫn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Lập luận chính của ông nhằm chống lại việc luận tội là ông đã mang đến rất nhiều thành tựu cho đất nước, đặc biệt là nền kinh tế đang bùng nổ.
Một trong những nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của ông là đảm bảo một thoả thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc. Dẫu vậy, đây có thể trở thành mục tiêu khó khi sự kiện APEC ở Chile đã bị huỷ bỏ, bởi 2 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết thoả thuận giai đoạn 1 tại đây. Dù ông Trump ngay sau đó đã trấn an thị trường khi chia sẻ rằng địa điểm mới để ký kết thoả thuận sẽ sớm được công bố, nhưng giới chức Trung Quốc vẫn không chắc chắn về thoả thuận thương mại toàn diện.