“Cuộc chiến vương quyền” tại các ngân hàng tư nhân Việt
Trong tuần vừa qua, cơn sóng dồn dập liên tục đến với hai ngân hàng NamABank và Eximbank...
- 23-06-2019Xung quanh ồn ào việc khởi tố: Chủ tịch Nam Á Bank lên tiếng
- 22-06-2019Ông Trần Ngô Phúc Vũ được uỷ quyền điều hành HĐQT ngân hàng Nam Á
- 21-06-2019ĐHĐCĐ Eximbank: Tranh cãi nảy lửa, cổ đông nói Ban chủ tọa Eximbank quá yếu, đại hội lại hoãn
"Cuộc chiến vương quyền" là cụm từ phù hợp nhất để mô tả những gì đang diễn ra tại hai ngân hàng tư nhân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (NamABank) và Ngân hàng Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB).
Lùm xùm tranh quyền đoạt vị tại Eximbank và NamABank
Trong tuần vừa qua, cơn sóng dồn dập đến với hai ngân hàng NamABank và Eximbank, dù với lý do khác nhau, song nguyên cớ quy về một mối vẫn là quyền sở hữu và điều hành tại hai nhà băng này.
Tại NamABank, mâu thuẫn bắt đầu lộ ra truyền thông khi hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Chấn (chồng cố nữ đại gia Tư Hường) tổ chức họp báo cho biết khi bà Tư Hường bị bệnh, giao cho con trai là ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị NamABank) quản lý NamABank và Tập đoàn Hoàn Cầu thông qua quyền nắm giữ các cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại NamABank và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về vợ chồng ông.
Tuy nhiên sau đó số tài sản này được cho là đã bị chiếm đoạt, giá trị khoảng 30.000 tỷ đồng. Theo ông Chấn, những người đang chiếm giữ cổ phiếu trái pháp luật ước tính trên 90% vốn điều lệ Ngân hàng Nam Á.
Trong khi đó, ba người con gái của ông Chấn và bà Hường gồm Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Xuân Nữ và Nguyễn Thị Thanh Vân cũng có đơn tố cáo 8 người gồm 7 người con trong gia đình đã lợi dụng ông Chấn tuổi cao nhằm phá hoại các hoạt động kinh doanh của gia đình.
Phản hồi về thông tin này, NamABank cho biết việc tranh chấp này đã diễn ra từ nhiều năm nay trong nội bộ gia đình của ông Nguyễn Chấn và ông Nguyễn Quốc Toàn sau khi nữ doanh nhân Tư Hường mất. Ngân hàng này cũng khẳng định đây là những tranh chấp dân sự về cổ phiếu Nam A Bank, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động Nam A Bank.
Đồng thời, ngân hàng này cũng cho biết, trước sự việc này, người có liên quan trực tiếp là ông Nguyễn Quốc Toàn đã ủy quyền cho một Phó chủ tịch thường trực chịu trách nhiệm xử lý mọi công việc thay thế và sẽ từ nhiệm để tập trung xử lý các tranh chấp nội bộ của gia đình, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của Nam A Bank cũng như quyền lợi của khách hàng.
Còn tại Eximbank, sự đấu đá tranh chấp quyền lực trong nội bộ của ngân hàng này đã kéo dài lâu năm dẫn tới sự mệt mỏi, bức xúc của các cổ đông. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2019, việc truất quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị, lập mới rồi lại giành quyền và thay thế khiến nhà đầu tư gần như rối trí với bộ máy lãnh đạo cấp cao của nhà băng này.
Trong khi Hội đồng quản trị luôn trong tình trạng lộn xộn, rối như tơ vò thì nhóm SMBC (cổ đông chiến lược nắm 15%) lại không có tiếng nói dù nhiều lần gửi văn bản cho Hội đồng quản trị EIB.
Cũng bởi vậy, đến nay, EIB vẫn chưa thể thực hiện họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thành công.
Sức khỏe của hai nhà băng hiện tại
Giữa lùm xùm kiện cáo, tranh chấp, NamABank khẳng định đây là những tranh chấp dân sự về cổ phiếu Nam A Bank, hoàn toàn không liên quan đến hoạt động Nam A Bank và dẫn chứng về việc hoạt động của nhà băng này vẫn rất tốt.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2019, Lợi nhuận trước thuế đạt 426 tỷ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch năm 2019. Tổng tài sản đạt gần 80 nghìn tỷ, hoàn thành 93% kế hoạch năm. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 64 nghìn tỷ, hoàn thành gần 90% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay đạt hơn 55 nghìn tỷ, đạt 92% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 1,85%.
Trước đó, cổ đông NamABank đã thống nhất với các mục tiêu năm 2019 của ngân hàng bao gồm tổng tài sản đạt 86.000 tỷ đồng, tăng 15%; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 72.000 tỷ đồng, tăng 27%; dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 800 tỷ đồng.
Tuy vậy, trên thực tế, như câu chuyện diễn ra với EIB cũng như nhiều doanh nghiệp từng có vấn đề lục đục ở bộ máy thượng tầng thì hoạt động quản trị luôn có quyết định trọng yếu tới sức khỏe của cả một doanh nghiệp.
EIB từ một ngân hàng tư nhân top đầu nay mãi không thể bứt phá, từ "top 5 ngân hàng Thương mại cổ phần từ trên xuống nay lại thuộc top 3 từ dưới lên".
Ban lãnh đạo EIB cho biết năm 2018 là năm hoạt động của Eximbank đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển. Nhiều mặt hoạt động kết quả còn hạn chế như tăng trưởng tổng tài sản thấp, kế hoạch xử lý nợ xấu không đạt mục tiêu năm, hiệu quả kinh doanh chậm được cải thiện, các chương trình tái cấu trúc cũng còn chậm tiến độ và hiệu quả chưa cao.
Theo tài liệu đại hội, năm 2019, EIB lên mục tiêu 181.000 tỷ đồng tổng tài sản, tăng trưởng 18,6%, huy động vốn đạt 143.500 tỷ đồng, tăng 21%; dư nợ cấp tín dụng ở mức 115.570 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.077 tỷ, tăng 30%.
Mặc dù lên kế hoạch tăng trưởng so với năm trước tuy nhiên tới nay đã quá nửa năm, nhưng mục tiêu này vẫn chưa được cổ đông phê duyệt.