MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cuộc đào tẩu" khỏi thành phố lớn: Khi lương tăng nhưng sức khoẻ giảm sút, chuyển tới nơi lương chỉ còn 1 nửa nhưng rảnh rỗi - bạn sẽ chọn gì?

06-05-2022 - 09:22 AM | Sống

Không có lựa chọn nào là sai lầm cả và mỗi quyết định của bạn đều sẽ mang lại bài học.

Tôi đã nghe câu hỏi này nhiều lần: “Bạn muốn sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu với thu nhập hàng tháng là 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu), hay thành phố hạng hai với thu nhập hàng tháng là 7.000 nhân dân tệ (khoảng 24 triệu)?” Thực tế, ba năm trước, tôi đã lựa chọn phương án đầu tiên mà không do dự. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm nay, tôi đã kéo hành lý và bỏ trốn khỏi Thượng Hải cùng với hai con mèo của mình.

Ba năm trước, tháng 6 tốt nghiệp, tháng 7 đi làm, tôi đã phải chiến đấu với cha mẹ của mình một thời gian dài và cuối cùng xin nghỉ việc tại doanh nghiệp nhà nước mà họ sắp xếp. Tôi đến Thượng Hải một mình và bắt đầu ước mơ “cổ cồn trắng trong thành phố lớn”. Bố mẹ tôi tuy giận dỗi nhưng suy cho cùng, họ cũng không làm gì được nên trong lòng tôi rạo rực, đầu óc chỉ toàn những cảnh các cô nhân viên văn phòng mặc quần áo sang chảnh, tay cầm xấp tài liệu giao cho sếp tổng ký, cuộc sống đô thị hiện đại, giao thông đông đúc trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình thường hay chiếu trên tivi.

Lần đầu tiên đến Thượng Hải, tôi vừa lo lắng vừa cực kỳ kén chọn. Công việc đầu tiên tôi nhận làm chính là copywriter. Không chỉ ngồi viết 9 tiếng trên văn phòng, tôi còn phải viết liên tục trong nhiều đêm cho kịp deadline. Sau khi dự án kết thúc, tôi nằm trên giường và thậm chí không thể nhớ nổi mình đã ăn bao nhiêu bữa trong những ngày vừa ngày qua. Công việc này không dễ dàng để xin nghỉ ốm, lương thuộc mức trung bình trong ngành bởi tôi không có nhiều kinh nghiệm, đến khi kinh tế eo hẹp thì phải cắt xén tiền ăn. Khi quyết định nghỉ công việc này, tôi đã bước xuống đường và khóc, tôi không bao giờ dám than phiền với bố mẹ thông qua những cuộc gọi điện hỏi han. Lúc đó, điều tôi sợ nhất không phải là công việc khó khăn hay tương lai bấp bênh mà là sợ tôi sống không tốt, bố mẹ lại được dịp cằn nhằn: "Thấy chưa, mẹ đã bảo con không được đi Thượng Hải rồi mà…"

Cuộc đào tẩu khỏi thành phố lớn: Khi lương tăng nhưng sức khoẻ giảm sút, chuyển tới nơi lương chỉ còn 1 nửa nhưng rảnh rỗi - bạn sẽ chọn gì? - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Tất nhiên, làm việc chăm chỉ sẽ được đền đáp. Sang năm thứ hai ở Thượng Hải, thêm hai lần nhảy việc nhưng những công ty tôi từng làm việc cũng giúp tôi phát triển nhanh chóng, lương cũng tăng lên đáng kể. Sau khi trả hết những chi phí sinh hoạt cơ bản ở thành phố này, cân đối chi tiêu, thậm chí tôi còn có một khoản tiết kiệm, dù không lớn nhưng cũng đủ cho tôi tự hào. Nỗi lo lắng không biết mình có làm được không vào thời điểm đó từ từ tan biến, và ở Thượng Hải, nơi hoàn toàn tôn trọng phụ nữ và tri thức, tôi dường như đã dần trở thành một người phụ nữ độc lập. Bố mẹ hỏi tôi có tính về quê không, nhưng tôi nhất quyết từ chối bởi lúc đó, tôi cảm thấy mình có thể vượt qua mọi thứ.

Tuy nhiên, bước ngoặt đầu tiên khiến quyết tâm ở lại Thượng Hải của tôi phải lung lay đến từ đầu năm 2016, khi giá nhà đất tại Thượng Hải bất ngờ tăng mạnh, gần như tăng gấp đôi. Nghĩa là dù tôi muốn mua một căn nhà cách chỗ làm hơn tiếng đồng hồ, không nằm trong khu trường học, diện tích 80m2 thì tổng giá cũng ít nhất khoảng 5 triệu tệ (khoảng 17 tỷ). Để kiềm chế giá nhà đất, chính phủ cũng đã đưa ra một loạt chính sách thắt chặt việc mua nhà, được coi là nghiêm ngặt nhất trong lịch sử. Tôi đã định cùng bạn trai mua nhà rồi tự trả các khoản vay nhưng kế hoạch này phải gác lại một thời gian rất lâu nữa. Lúc này tôi vẫn tự an ủi mình rằng: “Không mua nhà cũng được, đi thuê nhà cũng sống được.”

Một ngày nọ, một đồng nghiệp người Thượng Hải hơn tôi vài tuổi đã nhờ tôi “điều tra thị trường". Tôi nghe xong, trong lòng đầy nghi ngờ: "Con của chị còn 4 tháng nữa mới đến ngày dự sinh, sao phải tìm nhà trẻ sớm thế?” Cô ấy bất đắc dĩ nói: "Em không biết rồi, nhà trẻ công lập tốt rất khó vào được, đợi con đến tuổi nhà trẻ sẽ không có chỗ. Nếu không sẽ phải vào trường tư, học phí có thể lên tới hơn 100.000 tệ/ năm (khoảng 347 triệu)". Sự lo lắng của đồng nghiệp đã khiến tôi chợt nhận ra rằng cuộc đấu tranh để sống được ở thành phố lớn không chỉ là của tôi, mà còn cho những thế hệ sau. Cuộc sống độc thân, xinh đẹp, giàu có và không gò bó ở các thành phố hạng nhất sẽ kết thúc vào thời điểm kết hôn và sinh con. Bởi hầu hết chúng ta vẫn sẽ chọn hôn nhân và con cái, thậm chí, bản thân tôi vẫn chưa đủ tự tin có thể sống theo lối DINK (đủ điều kiện nhưng không sinh con).

Cuộc đào tẩu khỏi thành phố lớn: Khi lương tăng nhưng sức khoẻ giảm sút, chuyển tới nơi lương chỉ còn 1 nửa nhưng rảnh rỗi - bạn sẽ chọn gì? - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Mặc dù ngay từ đầu tôi đã hiểu rằng ở một thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, muốn sống một cuộc sống sung túc thì phải phấn đấu và cạnh tranh không ngừng, nhưng khi thực tế ngày càng rõ ràng, tôi bắt đầu lo lắng. Giá nhà ngày càng tăng nhanh nhưng sức khoẻ thì ngày càng sa sút. Là thế hệ sau những năm 90, lo lắng về chân tóc ngày càng thưa thớt của mình quả thực không phải chuyện đùa, ít nhất bản thân tôi cũng bị rụng tóc nghiêm trọng sau khoảng thời gian dài thức khuya. Vì áp lực nên cân nặng cũng ngày càng tăng, ra ngoài thì hầu như không skincare hay trang điểm, có thể này thì nước tiên cũng chẳng đỡ.

Trước đây tôi không cảm thấy áp lực và vất vả, nhưng khi biết cuộc sống rẽ theo hướng này, tôi bỗng tuyệt vọng. Một đêm, tôi đột nhiên bị tức ngực đến mức khó thở, nhịp tim chỉ còn 35 nhịp/ phút, và tôi vô cùng sợ hãi. Ngày hôm sau, tôi xin nghỉ việc và đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ nói: “Không phải bệnh gì quá đáng sợ, mà là tuyến giáp thấp. Cần phải chú ý nghỉ ngơi, nếu bị suy giáp thì rất khó để chữa khỏi, thậm chí nó cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.” Nghe được những câu này, tôi đã hạ quyết tâm: “Trốn đi!” Nhưng không giống như những người chạy trốn khỏi thành phố lớn và trở về quê hương, tôi đã chọn một thành phố hạng hai, cũng không phải là quê hương của tôi - Thành Đô; đó cũng là lựa chọn của rất nhiều “kẻ đào tẩu" từ thành phố hạng nhất giống tôi.

Cũng giống như ở Thượng Hải, tôi vẫn làm việc trong một công ty quảng cáo và rất bận rộn. Lương của tôi chỉ bằng một nửa ở Thượng Hải, nhưng toàn bộ cuộc sống và tâm trạng của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi đột ngột chuyển từ chế độ “điên cuồng" sang chế độ “tận hưởng". Thứ nhất, chất lượng cuộc sống đã tăng lên. Mặc dù tiền lương đã giảm gần một nửa, nhưng giá cả ở Thành Đô tương đối thấp. Với 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu), tôi chỉ có thể thuê một phòng ngủ rộng 10 mét vuông tại một trong những căn hộ hai phòng ngủ ở Thượng Hải. Tôi đã dành gần 3 giờ mỗi ngày trên tàu điện ngầm, chịu đựng sự đông đúc và mệt mỏi để di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại. Khi về đến nhà, tôi đã kiệt sức. Nhưng cũng với mức giá đó, tôi có thể thuê một căn hộ hai phòng ngủ rộng hơn 70m2 ở Thành Đô gần trung tâm thành phố, một phòng cho tôi, một phòng lại tiếp tục cho thuê. Bây giờ tôi chỉ cần đi tàu điện ngầm 15 phút để đi làm mỗi ngày, thậm chí thời gian tăng ca cũng giảm xuống rất nhiều, tôi đã có nhiều thời gian hơn để làm những gì mình thích.

Cuộc đào tẩu khỏi thành phố lớn: Khi lương tăng nhưng sức khoẻ giảm sút, chuyển tới nơi lương chỉ còn 1 nửa nhưng rảnh rỗi - bạn sẽ chọn gì? - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Thượng Hải là siêu đô thị bậc nhất của Trung Quốc, thậm chí là trên thế giới. Tuy rằng Thành Đô không thể hoàn toàn so với Thượng Hải nhưng lại cho những người thích cuộc sống bình thường song phải sinh động hơn vùng quê. Hơn nữa, bây giờ Internet đã cực kỳ phát triển, với kinh nghiệm của một người đã sống ở hai thành phố này, tôi thấy không có nhiều khác biệt. Khi tôi đi trên một con đường ở Thành Đô, tôi cảm thấy như mình vẫn đang đi trên đường Nam Kinh Đông ở Thượng Hải, điều đó không tệ chút nào.

Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Hàng Châu... khi bạn còn trẻ, những thành phố này quả thực rất đáng để các bạn trẻ làm việc chăm chỉ, bởi ở đó bạn sẽ học được cách siêng năng, học cách kiên trì, và khi bạn tìm được cách tốt nhất và hiệu quả nhất, bạn sẽ hiểu ý nghĩa của sự nỗ lực. Nhưng nếu không làm được, bạn quyết định “trốn đi" thì cũng không có nghĩa là chúng ta bị đánh bại và thừa nhận thất bại. Tất cả chúng ta đang cố gắng thoát ra khỏi cái lồng, gông cùm của thực tại để giải phóng cơ thể và tâm trí của chúng ta. Bởi biết đâu, rời thành phố hạng nhất, sang thành phố hạng hai, trong môi trường phù hợp với bạn hơn, bạn sẽ tìm thấy con đường để nhận thức được giá trị của bản thân?

https://kenh14.vn/cuoc-dao-tau-khoi-thanh-pho-lon-khi-luong-tang-nhung-suc-khoe-giam-sut-chuyen-toi-noi-luong-chi-con-1-nua-nhung-ranh-roi-ban-se-chon-gi-20220505021414238.chn

Theo Cô Chang

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên