Cuộc đời đắt đỏ, đừng lãng phí thời gian và sức lực vào những người không đáng: Sau tuổi trung niên, tránh 3 điều để sống trí tuệ và hạnh phúc hơn!
Cuộc đời giống như điêu khắc, chỉ khi đẽo bỏ những phần thừa thì mới giữ được tinh hoa. Khi bạn nắm chặt đôi tay, bên trong chẳng có gì. Khi bạn mở rộng đôi tay, thế giới nằm trong tay của bạn.
- 12-08-2020Người khôn ngoan duy trì 3 điều "tiết chế" này, cả đời sống thảnh thơi, khỏe mạnh
- 12-08-202025 tuổi sống vì kỳ vọng, 30 tuổi sống vì lo toan, 40 tuổi mới có thể thực sự vì chính mình: Hãy lên kế hoạch cẩn thận, giữ sức khỏe tốt để đạt tới đạt đỉnh cao mà ai cũng mong muốn
- 12-08-2020Sự thật phũ phàng nơi công sở khiến ai ai cũng tỉnh ngộ: Giỏi chuyên môn không quyết định lương cao, quan trọng nhất là thái độ này
Từng có người hỏi nhà điêu khắc Michelangelo rằng: "Làm thế nào để đẽo được tượng David?"
Ông không hề do dự lập tức trả lời: "Rất đơn giản, chỉ cần gọt bỏ những phần không thuộc về David là được".
Thế sự đổi thay, cuộc đời như mơ. Sau tuổi trung niên chúng ta buộc phải tránh xa ba thứ để sống thông minh, lương thiện và trí tuệ hơn.
01
Người thông minh không dính dáng đến những kẻ tào lao, việc tào lao
Từng có người hỏi rằng: "Gặp phải những kẻ tào lao, việc tào lao thì nên xử lý như thế nào?"
Trong đó có một câu trả lời tuy ngắn nhưng rất nổi bật: "Không dính dáng chính là cách xử lý tốt nhất".
Tôi từng đọc được một câu chuyện:
Một ngày nọ, học trò của Khổng Tử đang quét dọn bên ngoài sân, chợt có khách đến hỏi:
- Một năm rốt cuộc có bao nhiêu mùa?
Học trò đáp:
- Bốn mùa xuân hạ thu đông ạ.
Vị khách lắc đầu:
- Không đúng, một năm chỉ có ba mùa.
Hai người cãi nhau lên xuống không phân thắng bại, quyết định cá cược: Nếu là 4 mùa, vị khách sẽ phải lạy người học trò 3 cái. Ngược lại, nếu là 3 mùa người học trò sẽ phải lạy vị khách 3 cái.
Người học trò thầm nghĩ trong lòng, câu hỏi đơn giản như vậy, mình chắc chắn thắng, nên hào hứng đưa vị khách đi tìm Khổng Tử.
Vừa hay, Khổng Tử từ trong nhà bước ra. Học trò bước lên phía trước hỏi:
- Thưa thầy, một năm có mấy mùa ạ?
Khổng Tử nhìn qua vị khách rồi đáp:
- Một năm có 3 mùa.
Người học trò cảm thấy uất ức, đành phải ngoan ngoãn cúi lạy vị khách 3 cái.
Sau khi vị khách rời đi, người học trò vội vàng hỏi Khổng Tử:
- Thưa thầy, một năm rõ ràng có 4 mùa, tại sao thầy lại nói là 3 mùa ạ?
Khổng Tử đáp:
- Con không thấy người đó toàn thân một màu xanh sao? Người đó là châu chấu, châu chấu sinh vào mùa xuân và chết vào mùa thu, chưa bao giờ nhìn thấy mùa đông.
- Con nói có 3 mùa, họ sẽ hài lòng, còn nói có 4 mùa, cãi đến tối cũng không cãi được. Con chịu thiệt một chút, lạy 3 cái cũng chẳng sao.
Không nên vướng víu hay dính dáng tới những người không biết lý, hay cãi cùn. Nếu không, người tổn thương cuối cùng có thể sẽ là chính bạn. Bởi dù bạn có 10 cái miệng cũng không thể thắng nổi 1 cái miệng hay tào lao.
Chúng ta không thể thay đổi được những người tào lao ở xung quanh mình, nhưng chúng ta có thể chọn cách không dính dáng.
Nhân sinh ngắn ngủi, không nhất thiết phải lãng phí thời gian và sức lực vào bất cứ điều gì vô nghĩa. Trước những người tào lao, việc tào lao, không dính dáng mới là cách xử lý minh trí nhất.
02
Người lương thiện, không tùy tiện đánh giá người khác
Trong cuốn "The Great Gatsby" có viết:
Khi tôi còn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm, cha tôi từng nói với tôi một câu mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in:
"Khi con muốn phê bình bất cứ ai, con phải nhớ rằng, không phải ai trên thế giới này cũng đều có điều kiện tốt như con".
Đúng là như vậy. Tôi nhớ, mình từng đọc một mẩu tin: Một người mẹ trẻ nổi nóng với cậu con trai bé bỏng của mình ngay trên tàu chỉ vì cậu bé đánh mất tờ vé tàu trị giá 15 nghìn đồng. Không những liên tục gào lên, thậm chí còn đánh cả vào đầu cậu bé.
Hành khách trên tàu thấy người mẹ ra tay quá đáng, không chịu được bèn lên tiếng khuyên can: "Chị mua thêm 1 tấm vé khác là được mà, đừng đánh trẻ con nữa".
Người mẹ nói: "Tôi không có nhiều tiền như vậy"
Một hành khách lên tiếng: "Có hơn chục nghìn thôi mà? Hơn chục nghìn nhiều quá sao?"
Người mẹ đáp: "Tiền rất khó kiếm".
Nhiều người thi nhau bình luận dưới dòng tin.
Có người nói, tiền mất thì đã mất rồi, đánh con có tác dụng gì đâu.
Có người chỉ trích, người này không xứng làm mẹ, trẻ con đánh rơi đồ là điều hết sức bình thường.
Cũng có người bình luận, đánh vào người con nhưng đau ở lòng mẹ, tin rằng, người mẹ đó cũng không muốn làm như vậy.
Hơn chục nghìn mặc dù rất ít nhưng lại là ngọn cỏ cuối cùng đè chết lạc đà, khiến người mẹ trẻ đánh mất lý trí.
Chân tướng sự thật, đó là một bà mẹ đơn thân, chồng cô ấy sớm đã không màng tới sự sống chết của hai mẹ con. Cô ấy mỗi tháng vất vả cũng chỉ kiếm được vài triệu bạc, phải phụng dưỡng cha mẹ già và chăm sóc con nhỏ. Hai mẹ con cô ấy đang trên đường đến nhà họ hàng vay tiền mua đồ về quê ăn tết nên mới sảy ra chuyện như vậy.
Đánh mắng con cái đích thị là sai, nhưng tôi lại không nhẫn tâm chỉ trích cô ấy. Chưa trải qua hoàn cảnh khốn đốn, đâu có ai dám buông lời "cuộc sống này dễ".
Trên thế giới này, không bao giờ có cái gọi là "đồng cảm" thực sự. Bạn không biết cuộc sống của người khác như thế nào, thì đừng vội tùy tiện đánh giá họ.
Giống như kim không cắm vào người bạn, bạn sẽ không thể hiểu được nó đau đến mức nào. Phải nhớ rằng, không được dễ dàng đưa ra kết luận, cũng đừng tùy tiện đánh giá người khác.
Bạn cũng không cần phải sống trong sự đánh giá của người khác, bởi cuộc sống này là của bạn, bạn sống không phải vì lấy lòng ai cả.
03
Người trí tuệ, không giải thích mình với người khác
Người xưa có câu: "Người hiểu ta, thì nói lòng ta ưu sầu, người không hiểu ta, thì nói ta đang tìm kiếm vật gì".
Giữa người với người, hiểu nhầm cũng được, tiếc nuối cũng được. Những người hiểu bạn, không cần phải giải thích. Những người không hiểu bạn, hà cơ chi phải giải thích nhiều.
Nhà văn Mạc Ngôn từng kể một câu chuyện như sau:
Một lần, Mạc Ngôn mời khách ăn vịt quay. Sau khi ăn uống no say, trên bàn vẫn còn thừa một chút cơm canh. Mạc Ngôn vốn xuất thân nông thôn, không muốn lãng phí đồ ăn, nên ngồi ăn cố.
Không ngờ, người khách cười nhạo Mạc Ngôn nói: "Nhìn Mạc Ngôn kìa, ăn bằng hết cho bõ số tiền mình đã bỏ ra chắc".
Mạc Ngôn cảm thấy uất ức trong lòng. Vì không muốn bị người khác cười chê, Mạc Ngôn nghe theo lời dạy của mẹ, nếu có đi ăn tiệc thì sẽ ăn trước gì đó, để tránh bị người khác chỉ trích.
Sau này, mỗi lần Mạc Ngôn đi ăn tiệc đều hết sức từ tốn. Vậy mà vẫn có người chế giễu nói: "Nhìn bộ dạng trả vờ trả vịt của Mạc Ngôn kìa, giống như kiểu chỉ ăn bằng cửa mà có thể thành Giả Bảo Ngọc ấy".
Trong cuộc sống, vẫn luôn có những người, dù bạn làm gì, làm như thế nào họ cũng không hài lòng. Nếu như bạn cố gắng giải thích với họ sẽ chỉ khiến bạn hao tâm tổn tứ, kiệt quệ cả về tinh thần lẫn sức lực.
Thay vì ra sức giải thích với những người không quan trọng, chi bằng dành thời gian và tâm sức vào những việc mà mình muốn làm. Cảnh giới nhân sinh cao nhất không phải là nhìn rõ được bao nhiêu việc mà là xem nhẹ và buông bỏ được bao nhiêu việc.
Người khác nghĩ gì, chúng ta không thể kiểm soát, người khác nói gì, chúng ta càng không thể ngăn cản. Thứ duy nhất mà chúng ta có thể làm đó là tận tâm tận lực là chính mình.
Con người sống ở đời, dù giỏi đến mức nào vẫn luôn có người ghét bạn, dù lương thiện đến mức nào cũng luôn có người bôi nhọ bạn. Thay vì lấy lòng người khác, hãy lấy lòng chính mình, không cần phải giải thích với bất cứ ai.
Tôi rất thích câu nói của Tô Thức: "Cuộc đời giống như quán trọ, ta cũng chỉ là khách qua đường".
Cuộc đời giống như một chuyến du lịch, dù đi qua bao nhiêu chặng đường, dù gặp qua bao nhiêu người, cuối cùng, sẽ phát hiện ra rằng, không có gì là không thể buông bỏ.
Cuộc đời này đắt lắm, đừng lãng phí thời gian và sức lực vào những người không đáng.
"Chúng ta từng khao khát những con sóng của số phận, nhưng cuối cùng lại phát hiện ra rằng, cảnh đẹp nhất trên đời này chính là sự điềm nhiên và ung dung trong lòng".
Thế giới này là của chính mình, chẳng liên quan tới bất cứ ai. Hãy sống là chính mình, chỉ cần không hổ thẹn với lương tâm là đủ.
Nhịp Sống kinh tế