Cuộc đời Shirley Temple: Từ thần đồng diễn xuất đoạt giải Oscar khi mới 7 tuổi đến nữ chính trị gia kiệt xuất được tổng thống Mỹ nể trọng
"Người hùng nước Mỹ" hay "thần đồng nghệ thuật thứ bảy", đó là những gì thân thương mà người ta nói khi nhắc đến người phụ nữ tên Shirley Temple Black.
- 04-09-2018Từ chuyện Bống chè bưởi, thần đồng Đỗ Nhật Nam, đến khái niệm về một "tuổi thơ" đúng nghĩa của trẻ con
- 31-08-2018Câu chuyện về những thần đồng, người có chỉ số IQ cao nhất thế giới nhưng cuộc đời lại là chuỗi bất hạnh: Tài năng là trời phú nhưng không phải đứa trẻ thiên tài nào rồi cũng sẽ thành công
- 01-06-2018Kỳ tích: Thần đồng 11 tuổi nhận học bổng toàn phần của đại học hàng đầu nước Mỹ
Từ thành công của một ngôi sao nhí…
Shirley Temple sinh ra vào ngày 23/4/1928 tại thị trấn biển Santa Monica, ngày đó, mùa xuân của California vừa mới tròn 1 tháng. Bà là con út trong một gia đình có 3 anh chị em, cha đẻ của bà là một giao dịch viên ngân hàng. Sau này ông trở thành quản lý và cố vấn tài chính cho Shirley Temple khi sự nghiệp của con gái ở đỉnh cao.
Tuy không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Shirley Temple đã bộc lộ những tài năng thiên bẩm hiếm có đứa trẻ nào trên thế giới có được.
Từ khi còn rất nhỏ, Shirley Temple đã tỏ ra là một đứa trẻ thiên tài.
Chập chững biết đi, Shirley Temple được mẹ cho tham gia vào các lớp học nhảy. Những bước nhảy đầu tiên của một cô bé 3 tuổi rưỡi tuy chưa cứng cáp nhưng chứa đựng những nỗ lực và cố gắng. Để rồi những nỗ lực và cố gắng ấy cuối cùng cũng được đền đáp. Shirley Temple đã có một hợp đồng đầu tay tại một xưởng làm phim nhỏ. Hợp đồng ấy tuy là giá trị không lớn nhưng nó là trang bắt đầu của một sự nghiệp làm nghệ thuật vĩ đại, trở thành huyền thoại trong lịch sử nước Mỹ.
Shirley Temple (bên phải) trong lễ ký kết hợp đồng vào tháng 10/1932.
Educational Pictures Inc là đối tác đầu tiên của Shirley Temple và đây cũng là công ty bà làm việc sau đó trong khoảng thời gian hơn 1 năm, từ 1932 đến 1933.
Vai diễn đầu tiên của Shirley Temple là trong một phim ngắn có tựa Baby Burlesk. Tiếp sau đó là Frolics of Youth, một vở kịch câm ngắn của Educational Pictures Inc. Chính Frolics of Youth là cơ duyên mang đến bản hợp đồng danh giá với hãng phim Fox (Fox Film Corporation) cho Shirley Temple. Cái bắt tay này đã mang đến cho cô bé Shirley Temple nhỏ tuổi mức thu nhập ổn định với 150 USD/tuần.
Shirley đóng vai chính trong Poor Little Rich Girl (1936).
Shirley trong Bluebird năm 1940.
Không chỉ sở hữu tài năng diễn xuất đáng kinh ngạc, Shirley Temple còn có gương mặt vô cùng đáng yêu, đôi má bầu bĩnh, má lúm đồng tiền xinh xắn và nụ cười rạng rỡ tỏa nắng khiến ai nhìn thấy cũng yêu mến.
Trong thời gian làm cho nhà Fox, Shirley Temple đã có cho mình vai diễn dài tập đầu tiên, đó là trong Carolina, một bộ phim nổi tiếng được Fox cho ra mắt vào năm 1934. Thế nhưng Carolina chưa đủ để đưa Shirley Temple thành "sao". Phải đến bộ phim Stand Up and Cheer, bà mới thực sự trở thành ngôi sao, một ngôi sao nhí của làng điện ảnh xứ sở cờ hoa.
Cũng trong năm đó, sau Stand Up and Cheer, Shirley Temple tiếp tục nhận vai trong 8 sản phẩm phim với thời lượng phát sóng khá dài bao gồm Little Miss Marker và Bright Eyes. Trong đó Little Miss Marker là cột mốc tiếp theo trong sự nghiệp của Shirley Temple bởi đây là sê ri phim đầu tiên bà tham gia với vai trò là một ngôi sao nổi tiếng.
Người ta nói năm 1934 là "năm của Shirley Temple" bởi không chỉ thành công với hàng loạt vai diễn, một bước thành sao mà riêng trong năm này Shirley khi đó mới 7 tuổi đã vinh dự đoạt tượng vàng Oscar. Đây là giải thưởng danh giá dành cho những đóng góp xuất sắc của cô bé diễn viên nhỏ tuổi nhưng đầy tài năng của làng điện ảnh giải trí Mỹ.
Những năm sau đó, Shirley tiếp tục gặt hái được nhiều thành công vang dội với nghiệp diễn xuất của mình. Nét ngây thơ, ngộ nghĩnh của cô bé với má lúm đồng tiền đáng yêu cùng với mái tóc xoăn lọn đặc trưng không phải là tất cả những gì giúp Shirrley Temple thành công. Một tài năng diễn xuất nổi bật, một tài năng vũ đạo thiên bẩm với khả năng học hỏi nhạy bén và những bước nhảy chứa đựng cảm xúc chân thật mới chính là yếu tố để Shirley luôn là cái tên đứng đầu trong danh sách phòng vé.
Tính đến năm 1940, Shirley Temple đã xuất hiện trong 43 sản phẩm điện ảnh, bao gồm cả phim ngắn và phim truyện dài tập. Vào thời đó, rất nhiều nhãn hàng dành cho thiếu nhi như đồ lưu niệm, búp bê, váy, sách… đã sử dụng tên tuổi của Shirley Temple. Điều này đã nói lên phần nào độ phủ sóng của cô bé tài năng này.
Đến thất bại khi thoát khỏi cái bóng của một ngôi sao nhí
Đứa trẻ nào rồi thì cũng phải lớn lên, đó là quy luật, và Shirley Temple cũng phải chấp nhận quy luật ấy. Cô bé nhỏ nhắn ngày nào đã lớn lên từng ngày. Và từng ngày lớn lên ấy cũng chính là từng ngày sự nghiệp của bà xuống dốc. Bởi đơn giản một thực tế, những người hâm mộ không chấp nhận một Shirley trưởng thành, họ chỉ bỏ tiền mua vé xem phim của một cô bé đáng yêu với giọng hát ngọt ngào trong giai điệu của bài hát "On the Good Ship Lolly Pop" và "Animal Crackers" (nhạc phim My Soup).
Thất bại đầu tiên của Shirley là khi The Blue Bird ra đời năm 1940. Tiếp đó là việc giảm sút doanh thu từ bán vé của những bộ phim khác do Shirley thủ vai chính. Nhận thấy Shirley đã "thất thế", hãng phim Fox đã sắp đặt một kế hoạch nhằm sa thải Shirley - cô bé đã từng cứu họ khỏi bờ vực của phá sản.
Rời khỏi nhà Fox, Shirley đã rất nỗ lực và cố gắng để theo đuổi và duy trì nghiệp diễn xuất của mình. Thế nhưng lần này những nỗ lực và cố gắng ấy của bà đã không được hồi đáp.
Shirley Temple làm cô dâu xinh đẹp trong đám cưới với người chồng đầu tiên.
Có vẻ như đây chính là quãng thời gian khó khăn nhất của Shirley khi hàng loạt các biến cố xảy đến với bà. Không kể đến những thất bại trong sự nghiệp, cuộc hôn nhân đầu tiên của bà với nam diễn viên John Agar đã không diễn ra suôn sẻ và đầy sóng gió. Tiếp đến, Shirley bắt đầu nhận ra rằng tất cả những gì mà người mẹ ruột của bà đã dành cho bà không phải vì muốn mang đến một tương lại tốt đẹp cho con mà chỉ muốn vụ lợi cá nhân.
Shirley và chồng, John Agar cùng con gái đầu lòng.
Và trở thành nhà chính trị kiệt xuất
Những va vấp và những cú ngã đau đớn đã giúp Shirley trưởng thành nhanh chóng. Không tiêu cực, bà mạnh mẽ đấu tranh để chứng tỏ mình là một người anh hùng như những gì bà đã làm được khi còn nhỏ, ít nhất là để không hổ thẹn với bản thân.
Sau cuộc hôn nhân tan vỡ với John Agar, Shirley đã mạnh dạn đi tiếp với một người đàn ông khác, đó là Charles Black, một doanh nhân thành đạt sống tại bang California. Cả hai đã có những đứa con để cùng chăm sóc và nuôi nấng.
Shirley làm đám cưới với người chồng thứ 2.
Shirley và con gái chụp ảnh chung với nhóm nhạc huyền thoại The Beatles.
Từ bỏ nghiệp diễn xuất, Shirley trở về sống như một người mẹ, người vợ bình thường. Thế nhưng những mối quan tâm ngày càng lớn về các vấn đề xã hội của người phụ nữ mang lý tưởng lớn đã khiến bà nhận ra, rằng nếu cứ sống như một người bình thường sẽ không thể giúp bà đạt được ước nguyện đó là làm cho thế giới trở nên tốt hơn.
Shirley Temple tại cuộc họp báo Liên hoan phim San Francisco năm 1966.
Thôi thúc bởi suy nghĩ lớn, năm 1967, bà đã mạnh dạn ứng cử vào Quốc hội nhưng thất bại. Lần thất bại này tuy là cú ngã nhưng là điểm mốc đầu tiên trên con đường tham gia vào hoạt động chính trị của Shirley.
Từ những năm 1960, Shirley Temple bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực chính trị Mỹ. Bà được bầu chọn là người của Đảng Cộng hòa để giành một ghế trong Quốc hội Mỹ vào năm 1967. Dù không thành công như mong đợi nhưng những gì bà thể hiện đã gây được sự chú ý của Tổng thống Nixon lúc bấy giờ.
Không uổng phí nỗ lực, năm 1969, Shirley Temple được bổ nhiệm làm đại diện của Mỹ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 24 (UN), tổ chức đa quốc gia với các hoạt động duy trì hòa bình và an ninh thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.
Nhờ những nỗ lực làm việc và tinh thần trách nhiệm trong thời gian giữ chức vụ tại Liên Hiệp quốc, đến năm 1972, bà được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường con người (UN Conference on the Human Environment), đồng thời cũng là đại diện của Mỹ tham gia thảo luận về Hiệp ước Môi trường Liên Xô - Hoa Kỳ (USSR-USA Environmental Treaty). Năm tiếp đó, 1973, bà được giao cho trọng trách làm đại điện của Mỹ trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Năm 1974, bà được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Ghana và năm 1976, trở thành nữ Trưởng phòng lễ tân đầu tiên của Nhà Trắng. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và tôn trọng, Tổng thống Jimmy Carter, đã chọn Shirley làm người điều hành lễ tuyên thệ nhậm chức của ông vào năm 1977.
Từ năm 1989 đến năm 1992, bà được Tổng thống George H.W.Bush chỉ định làm Đại Sứ Mỹ ở Tiệp Khắc.
Trước khi giữ chức vụ tại UNESCO, Shirley đã phải trải qua một quãng thời gian đau đớn chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Bằng nghị lực và tinh thần lạc quan, bà đã vượt qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ vú và chiến thắng căn bệnh quái ác, từ đó tạo động lực cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới có cùng cảnh ngộ.
Năm 1970, Shirley bị ung thư vú và bà đã dũng cảm đối mặt với việc phẫu thuật để giữ lại sự sống cho bản thân mình.
Ở bất cứ vị trí nào trên con đường hoạt động chính trị, bằng trí thông minh và tinh thần của một người phụ nữ mạnh mẽ, Shirley đều đã đóng góp rất nhiều cho đất nước xứ sở cờ hoa nơi đã nuôi nấng bà trưởng thành.
Những hình ảnh trong thời gian hoạt đông chính trị của Shirley Temple.
Tại Lễ Vinh Danh Kennedy năm 1998, Tổng thống Bill Clinton đã ca ngợi những cống hiến của Shirley rằng: "Shirley Temple đã có sự nghiệp diễn xuất ngắn ngủi trong lịch sử điện ảnh của Mỹ nhưng vô cùng vĩ đại và sau đó là những tháng ngày tận tụy vì đất nước... Thực lòng mà nói, bà ấy đã cứu cả một hãng phim khỏi bờ vực phá sản. Từ khi còn là một đứa trẻ cho tới khi trưởng thành, Shirley đã luôn là đại sứ về điều tốt đẹp nhất của nước Mỹ".
Shirley Temple qua đời vào lúc 11h ngày 10/2/2014 (giờ địa phương) tại nhà riêng ở Woodside, California (Mỹ) do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 85 tuổi. Trong một tuyên bố, người thân của Shirley nói: "Gia đình chúng tôi từ biệt bà cùng cuộc đời của những thành tựu đáng ghi nhận với vai trò một diễn viên, nhà ngoại giao và quan trọng nhất là một người mẹ, người bà, người cụ đáng kính, một người vợ mà chúng tôi hết mực yêu thương".
Nhiều người nổi tiếng cũng đã bày tỏ sự tiếc thương về sự ra đi của bà trên Twitter. Nhà phê bình phim Leonard Maltin đã viết: "Yên nghỉ nhé Shirley! Một trong những ngôi sao tài năng và sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật của thế giới đã ra đi mãi mãi. Bà ấy thực sự là một nhân vật phi thường".
(Nguồn: Biography, Nypost)
Helino